Cuộc chiến giữa người Tây Ban Nha và đế chế Inca nổ ra năm 1532.Ảnh minh họa: Time Toast
Lịch sử thế giới chứng kiến không ít trận đánh mà một bên yếu thế về lực lượng lại bất ngờ giành chiến thắng trước đối phương đông hơn gấp nhiều lần. Mời độc giả cùng tìm hiểu về một số trận đánh như vậy trong loạt bài này. |
Nội chiến giành ngôi đầu đế chế, chạm trán kẻ chinh phục
Sau cái chết của người cai trị Huayna Capac năm 1524, 2 con của Capac tranh giành quyền lực, gây ra nội chiến ở đế chế Inca. Ảnh minh họa: Ancient Origins
Inca, tộc người da đỏ sống tại Nam Mỹ, có nền văn minh khởi nguồn từ vùng cao nguyên Peru vào khoảng đầu thế kỷ 13. Thời kỳ cực thịnh của họ diễn ra trong khoảng thế kỷ 14 đến 16 sau công nguyên. Thông qua ngoại giao, thương mại và chiến đấu, người Inca đã đánh bại các tù trưởng đối địch và quy tụ hơn 12 triệu người thuộc nhiều chủng tộc khác nhau hợp về làm một. Trước khi Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ (Tân Thế giới) năm 1492, Inca là đế chế lớn nhất ở châu Mỹ.
Tuy nhiên, sự phát triển của đế chế Inca không kéo dài. Sau cái chết của người cai trị Huayna Capac năm 1524, một cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn" nổ ra giữa 2 con trai của Capac là Atahualpa và Huáscar.
Nội chiến kết thúc bằng trận đánh lớn gần Cuzco vào năm 1532 và người giành chiến thắng là Atahualpa.
Năm 1532 cũng là thời điểm Francisco Pizarro đặt chân tới Peru. Pizarro là một conquistador, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "kẻ chinh phục", chỉ người nhận lệnh của Hoàng gia Tây Ban Nha tới chinh phục những vùng đất thuộc địa mới, kể từ sau khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ trong hành trình khám phá do hoàng gia Tây Ban Nha tài trợ. Pizarro là một cựu binh từng chiến đấu lâu năm ở Ý và được nể phục vì lòng dũng cảm.
Triều đình tân vương Atahualpa gặp gỡ nhóm chinh phục của Pizarro trong hòa bình, nhưng chỉ vì một phản ứng gay gắt của Atahualpa (do bị Pizarro gài bẫy), cuộc gặp đã biến thành một vụ thảm sát. Chưa đầy 200 người Tây Ban Nha khiến 8 vạn quân Inca tan rã trong trận Cajamarca (1532).
Chiếc bẫy khơi mào thảm sát
Tháng 4/1532, Pizarro cùng 168 tùy tùng đặt chân tới Peru. Thành viên đoàn tùy tùng cũng là những cựu binh có kinh nghiệm chiến đấu, được trang bị súng trường, súng thần công, thuốc nổ, áo giáp và ngựa.
Thời điểm đó, đế chế Inca đang chìm trong 2 cơn khủng hoảng lớn. Một là dịch bệnh chưa từng có đã xuất hiện trong lịch sử của họ. Và hai là cuộc chiến tranh giành ngôi vị giữa hai anh em Atahualpa và Húascar.
Hai cơn khủng hoảng này đã khiến một đế chế hùng mạnh suốt 3 thế kỷ bước vào thời kỳ suy thoái. Đúng lúc đó, Tây Ban Nha cũng nhắm tới vùng đất mới này.
Atahualpa biết tin người Tây Ban Nha đã tới Peru nhưng quyết định không gây khó dễ vì quân số của họ chưa đầy 200 người. Người đứng đầu Inca thời điểm đó tự tin vào đội quân 8 vạn người của ông. Ngoài ra, Atahualpa vẫn còn hưng phấn khi thắng trong cuộc nội chiến. Nhưng chính việc đánh giá thấp người Tây Ban Nha và "ngủ quên trên chiến thắng" khiến Atahualpa phải trả giá bằng cả đế chế.
Ngày 15/11/1532, Pizarro và người của mình tới thành Cajamarca. Phần lớn dân trong thành đã rời đi theo lệnh của Atahualpa. Quân đội Inca đóng quân ngay ngọn đồi gần thành. Pizarro nhanh chóng nhận ra tình thế của mình.
Rút lui không phải là một lựa chọn vì tuyến đường trở lại biển vẫn đưa người Tây Ban Nha đến một số tòa thành lớn của đế chế Inca. Pizarro sau đó phải trấn an và thuyết phục tùy tùng rằng kế hoạch khả thi nhất là tổ chức một cuộc tấn công táo bạo vào quân đội Inca. Nhưng 169 người làm sao địch nổi 8 vạn người?
Kẻ chinh phục Tây Ban Nha đã lên sẵn kế hoạch giăng bẫy vị tân vương của đế chế Inca. Pizarro hẹn gặp trực tiếp Atahualpa tại thành Cajamarca.
Vì vẫn coi thường người Tây Ban Nha, Atahualpa đồng ý ngay và chỉ mang theo 7.000 lính với vũ khí thô sơ vào trong thành.
Trong cuộc gặp Pizarro yêu cầu Atahualpa và đế chế Inca phải cải đạo theo người Tây Ban Nha và thừa nhận vua Tây Ban Nha là đấng tối cao. Nếu từ chối, Atahualpa sẽ bị coi là kẻ thù của Tây Ban Nha.
Với vị thế người đứng đầu đế chế hùng mạnh nhất châu Mỹ khi đó, Atahualpa tức giận hét lớn: "Nếu làm vậy, ta chẳng đáng mặt là người cai trị đế chế". Sau đó, ông ném cuốn kinh thánh xuống đất. Đó là lúc Pizarro biết Atahualpa đã mắc bẫy.
Giao tranh nổ ra ngay sau đó. Người Inca rõ ràng có ưu thế vượt trội về số lượng (7.000 người so với 169 người). Nhưng người Tây Ban Nha được trang bị vũ khí hiện đại ở thời đó như súng trường, súng thần công, thuốc nổ, kiếm, áo giáp và đã chuẩn bị trước nên rất chủ động.
Tranh vẽ về trận chiến Cajamarca. Ảnh minh họa: Book Palace
Trong khi đó, quân Inca chỉ có các vũ khí thô sơ như chùy hoặc rìu và không có áo giáp hộ thân. Ngoài ra, người Tây Ban Nha còn sử dụng ngựa để tấn công.
Vũ khí và ngựa của người Tây Ban Nha gây bất ngờ cho người Inca. Theo trang Ancient Origins, trong vòng 2 giờ, hơn 4.000 người Inca đã bỏ mạng. Ngược lại, người Tây Ban Nha không mất một người nào.
Pizarro bằng mọi giá lệnh cho người của ông phải bắt sống Atahualpa nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng. Đội quân hộ tống Atahualpa hết lòng bảo vệ ông nên người Tây Ban Nha phải tiêu diệt hết những người này mới bắt được người đứng đầu đế chế Inca.
Việc người đứng đầu bị bắt giữ là một cú sốc lớn với người Inca vì Atahualpa được thần dân coi là thánh sống bất khả xâm phạm. Tinh thần của người Inca suy sụp tới nỗi, ngay cả gần 8 vạn quân hùng hậu đóng ngoài thành Cajamarca cũng tan rã như ong vỡ tổ.
Vì sao 8 vạn quân Inca đại bại?
Sau chiến thắng trong trận Cajamarca, người Tây Ban Nha giữ Atahualpa làm tù binh rồi đưa về Tây Ban Nha xét xử. Một tòa án Tây Ban Nha kết tội và tuyên án tử hình Atahuallpa vào năm 1533. Tháng 8 năm đó, Atahuallpa bị trói vào cọc và phải lựa chọn cách chết: thiêu sống hoặc treo cổ. Với hy vọng được ướp xác sau khi chết, Atahuallpa lựa chọn bị treo cổ.
Tuy nhiên, cái chết của Atahualpa không phải là dấu chấm hết cho đế chế Inca. Những người Inca sống sót kháng cự quyết liệt chống lại người Tây Ban Nha. Mãi tới năm 1572, khi thành trì cuối cùng Vilcabamba sụp đổ, đế chế Inca mới bị xóa sổ.
Trận chiến Cajamarca là một trận đánh quan trọng và được ghi dấu trong lịch sử thế giới khi phe yếu quân số hơn lại giành thắng lợi vang dội. Nguyên nhân nằm ở sự vượt trội về vũ khí, chiến thuật, tinh thần và sự chỉ đạo.
Các chiến binh Inca không có áo giáp và hầu hết chỉ dùng chùy hoặc rìu. Các vũ khí này rất hữu ích trong chiến đấu với các bộ lạc Nam Mỹ khác nhưng gần như không có tính sát thương cao khi đối đầu với người Tây Ban Nha mặc áo giáp thép.
Sự khác biệt giữa trang bị và vũ khí của lính Tây Ban Nha với chiến binh Inca. Ảnh: Pinterest
Trong khi đó, lính Tây Ban Nha được trang bị giáo, kiếm từ những lò rèn tốt nhất Tây Ban Nha cùng với súng trường, súng thần công và thuốc nổ.
Hầu hết những người lính Tây Ban Nha cũng mặc áo giáp được sản xuất tại Toledo, bao gồm áo giáp, và các miếng giáp bảo vệ tay, chân và cổ, cùng giáp kim loại bảo vệ hạ bộ và mũ giáp. Vũ khí của người Inca chỉ có thể khiến lính Tây Ban Nha bị thương mà không thể giết hoặc vô hiệu hóa.
Một bất ngờ nữa với người Inca là kỵ binh. Những con ngựa hoàn toàn xa lạ với họ. Nhóm kỵ binh nhỏ của Pizarro (37 con ngựa) đã cho thấy sự cơ động và khiến người Inca chịu thiệt hại nặng.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác có vẻ đến từ việc người Inca đánh mất tinh thần. Trong lúc đánh tay đôi, họ nhận ra vũ khí thô sơ không thể tiêu diệt những người lính Tây Ban Nha mặc áo giáp.
Chiến thuật cũng là một vấn đề được nhắc đến. Người Inca tin tưởng vào thần thánh để đánh nhau “đàng hoàng” trên chiến trường. Do vậy, họ bất ngờ khi bị người Tây Ban Nha mai phục.
Lính Inca còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của các tướng lĩnh - nhiều trong số này bị giết ngay khi quân Tây Ban Nha tấn công - vì vậy quân Inca dù đông nhưng dễ loạn vì đã mất người chỉ huy.
---------------------------
Trong một trận đánh của Chiến tranh Trăm năm giữa 2 vương quốc lớn nhất châu Âu thời Trung Cổ, đội quân đông hơn gấp 6 lần, sở hữu kỵ binh thiện chiến, lại thua tan tác trước đối thủ kém hơn về quân số. Nguyên nhân nào giúp đội quân ít người hơn giành đại thắng? Thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài tiếp theo, đăng lúc 10h ngày 26/3.
Nguyễn Thái - (t/h)