Đầu tháng 9 vừa qua, trong vòng 1 tuần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 3 cuộc gặp với các đại sứ, đại điện doanh nghiệp, đại diện các tổ chức có nhiều đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định luôn ủng hộ và đồng hành cùng các nhà đầu tư.
Tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao
Là một trong những tỉnh đứng top 7 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI, ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, với các cơ chế tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, Bắc Ninh đang thực hiện rất tốt, với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon…
Ông Tuấn chia sẻ, tỉnh Bắc Ninh đã có chủ trương đa dạng hoá đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về hạ tầng.
Với cơ chế chính sách đáp ứng nhu cầu FDI chất lượng cao trong những năm trở lại đây, tỉnh nằm trong top 10 về thu hút FDI, top 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhiều mô hình, đặc biệt là mô hình bác sĩ doanh nghiệp, đã có tác động tích cực hỗ trợ đầu tư.
Gần đây, Bắc Ninh có mô hình mới, với thương hiệu “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” là bước đi cụ thể hoá Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Tỉnh đặt tiêu chí “2 ít”, đó là ít đất, ít dùng lao động vì đặc điểm Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất. Do đó, Bắc Ninh tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động.
Về tiêu chí “3 cao”, tức là suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan toả dự án. Hai là công nghệ cao, chúng tôi đặt mục tiêu ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, gắn với giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Ba là hiệu quả cao, tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục giải thích về nguyên tắc “4 sẵn sàng”, ông Tuấn cho biết, trước hết là tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất. Hai là sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba là sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật. Bốn là sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều được giải quyết qua cơ quan cao nhất của tỉnh, nhanh chóng thuận lợi. Do đó, trong những năm qua, hiệu quả thu hút đầu tư ngày càng cao lên. Bắc Ninh tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao, với công nghệ điện tử là mũi nhọn.
Trong tổng vốn đầu tư, cơ cấu tỉ trọng đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ chiếm tới 86% tổng vốn FDI. Vì vậy, Bắc Ninh vươn lên là địa phương phát triển công nghệ đứng đầu toàn quốc, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2, thu hút đầu tư đứng thứ 6.
“Với quá trình nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như chủ trương cải thiện thu hút đầu tư của Bắc Ninh vừa qua, tỉnh tạo niềm tin hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, lan toả với các nhà đầu tư trong nước. Qua thực tiễn Bắc Ninh áp dụng chính sách, chúng tôi đã hỗ trợ, tạo ra các nhà cung cấp “vendor” cấp 1, cấp 2, cấp 3 cho các nhà đầu tư lớn trong nước cũng như cho các nhà đầu tư của tỉnh”, ông Tuấn nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Tuấn, vừa qua, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh, Samsung Việt Nam đã tăng cường phối hợp, hiệu quả kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, đáp ứng nhu cầu các chuỗi vendor cung cấp cho các doanh nghiệp lớn như Samsung, thực hiện thành công hiệu quả…
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Là một trong những nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhiều năm, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam đánh giá, không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.
“Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Choi Joo Ho chia sẻ.
Theo vị này, Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “là một tin vui đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo đúng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ, nếu Việt Nam đồng thời vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cũng chia sẻ, doanh nghiệp luôn coi Việt Nam là thị trường quan trọng và then chốt đối với sự phát triển dài hạn.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và đóng góp hơn nữa cho tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tương đối bền vững và nhanh nhất ở châu Á trong những thập kỷ qua”, ông Binu Jacob nói và chỉ ra 4 lý do khiến doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.
Lý do thứ nhất, ông chỉ ra Việt Nam có sự ổn định về chính trị hỗ trợ cho tăng trưởng kính tế và phát triển. Đây là một điểm hấp dẫn lớn với đầu tư nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam có vị trí chiến lược thuận lợi ở trung tâm Đông Nam Á và bên rìa Thái Bình Dương, do đó Việt Nam có nhiều lợi thế trong tiếp cận các tuyến thương mại lớn của thế giới.
Thứ ba, Việt Nam có dân số trẻ với tổng số dân ước đạt 98,2 triệu năm 2021. Việt Nam hiện vẫn có “cơ cấu dân số vàng”, tức là cứ 2 người trong độ tuổi làm việc thì chỉ có 1 người lệ thuộc.
"Lợi thế dân số này đem lại cho Việt Nam cơ hội phát triển kinh tế - xã hội riêng có để tận dụng nguồn lực lao động trẻ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Yếu tố thứ 4 ông chỉ ra là Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Có thể thấy, những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia vào nhiều hiệp định, cộng đồng thương mại tự do...