Phần lớn các chuyến tàu chở dầu Urals của Nga trong nửa đầu tháng 4 đều hướng về các cảng biển ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh minh họa: AP
Al Jazeera ngày 18/4 đưa tin, dữ liệu từ Reuters và một số trang cơ sở dữ liệu cho thấy, Ấn Độ và Trung Quốc đã mua phần lớn dầu Nga với giá cao hơn mức giá trần của phương Tây (60 USD/thùng) trong vài tuần gần đây.
Điều này đồng nghĩa Moscow đang có doanh thu cao hơn từ dầu bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Số liệu mới nhất từ trang cơ sở dữ liệu Refinitiv Eikon cho thấy, các chuyến hàng dầu Urals của Nga xuất khẩu trong nửa đầu tháng 4 hầu hết hướng về các cảng của Ấn Độ và Trung Quốc.
Từ đầu tháng 4 đến nay, Ấn Độ nhập hơn 70% lượng dầu Urals của Nga vận chuyển bằng đường biển, trong khi con số này của Trung Quốc là 20%, theo Reuters.
Bắc Kinh và New Delhi đã không đồng ý tuân thủ mức giá trần mà phương Tây áp đặt lên dầu Nga nhưng phương Tây vẫn kỳ vọng các thương nhân Trung Quốc và Ấn Độ sẽ e ngại các lệnh trừng phạt và ngừng mua dầu Nga trên mức giá trần. Theo Reuters, tính đến hiện tại, điều này không xảy ra.
Một lý do khiến dầu Nga thu hút các khách hàng từ Trung Quốc và Ấn Độ là cước phí vận chuyển thấp. Chi phí vận chuyển dầu Nga trong vài tuần gần đây đã giảm đáng kể khi tình trạng "đóng băng" các cảng của Nga đã giảm và có nhiều tàu chở dầu hơn.
Các thương nhân cho biết, chi phí vận chuyển thấp hơn cho thấy các nhà cung cấp dầu Nga đã đảm bảo có đủ tàu chở dầu để đi đường dài.
Phương Tây đang gặp áp lực do một số quốc gia thuộc EU như Ba Lan kêu gọi giảm mức giá trần xuống dưới 60 USD/thùng để tăng sức ép lên Moscow. Tuy nhiên, một nguồn tin từ hội nghị G7 ngày 17/4 cho hay, phương Tây sẽ giữ nguyên mức giá trần áp dụng với dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga.
Những người ủng hộ việc áp giá trần dầu Nga nói rằng biện pháp này giúp giảm doanh thu của Nga mà không làm gián đoạn việc lưu thông dầu Nga. Trong khi đó, những người phản đối lập luận rằng việc áp giá trần không đủ để gây sức ép, buộc Moscow phải dừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nguyễn Thái - Al Jazeera