Lễ hội té nước: Sao không phải Bunpimay, Thingyan mà là Songkran?
Suốt 2 năm qua, sự xuất hiện của Covid-19 đã ghìm lại ham muốn của nhiều đôi chân ưa dịch chuyển. May mắn thay, trên thế giới, vắc xin đã được phủ xanh với tỷ lệ tương đối lớn vào những ngày cuối năm 2021. Việc đi lại vì thế cũng bớt bị hạn chế. Du lịch le lói những tia hi vọng trong năm 2022.
Đi đâu khi du lịch mở cửa? Đó có lẽ là câu hỏi rất nhiều người quan tâm. Thái Lan chắc chắn sẽ là một gợi ý thật tuyệt vời trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.
Mùa xuân, Thái Lan có tới 3 lễ hội đặc sắc phải kể đến như Lễ hội hoa Chiang Mai, Tết Nguyên đán của người Trung Quốc... Trong đó, lễ hội té nước Songkran hứa hẹn gây nhiều thương nhớ.
Những ngày tháng Tư, các quốc gia Đông Nam Á sẽ đồng loạt diễn ra lễ hội té nước. Ở Lào, Tết té nước còn được gọi với cái tên là Bunpimay. Du khách thường yêu thích nhất Tết té nước ở cố đô Luang Prabang và Vang Vieng. Ở Campuchia, lễ hội té nước mừng năm mới được gọi là Chol Chnam Thmay. Người dân thường té nước lên nhau, cùng cầu chúc một năm nhiều may mắn và bình an. Còn ở Myanmar, Tết té nước còn được gọi với cái tên Thingyan. Người dân Myanmar có một niềm tin bất diệt rằng, việc té nước những ngày đầu năm sẽ gột rửa những điều không may mắn của năm cũ và đem đến những điều tốt lành trong năm mới.
Dù không phải là quốc gia duy nhất tổ chức lễ hội này, nhưng du khách lại vô cùng thích thú khi tham gia lễ hội té nước của Thái Lan. Vì sao vậy?
“Xõa” với "đại chiến súng nước lớn nhất thế giới"
Trong 3 ngày diễn ra lễn hội té nước Songkran, người dân nơi đây dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để bày tỏ lòng thành kính tới Đức Phật. Không những vậy, họ té nước vào nhau để cầu mong may mắn. Trong lễ hội này, hãy thoải mái té nước vào người cao tuổi. Bởi đó không phải là hành động bất kính. Ngược lại, nó còn bày tỏ sự tôn kính của người té.
Lễ hội Songkran diễn ra vào tháng 4, thời điểm nóng nhất ở đất nước Thái Lan nên không chỉ người dân nơi đây mà cả những du khách cũng rất háo hức và hưởng ứng một cách nhiệt tình. Những ngày này, mọi nẻo đường của đất nước chùa Tháp đều xuất hiện súng nước, ống nước, vòi xịt nước, xô chậu... Như cách du khách ví von thì đây thực sự là cuộc "đại chiến súng nước lớn nhất thế giới" với những khẩu súng đại bự, chứa nhiều nước và một tinh thần chiến đấu sục sôi của tất cả những ngời tham gia.
Không hề khó hiểu khi Songkran được xem là lễ hội lớn nhất, dài nhất và đặc biệt là vui nhất của người dân ở xứ sở Chùa Vàng. Đen Vâu từng viết một câu nhạc như thế này: “Xung quanh anh toàn là nước eei”… Có lẽ ảnh đã tham gia lễ hội té nước ở bên Thái chăng?
Sẽ chẳng có khoảng cách nào giữa du khách và người bản địa trong lễ hội té nước Songkran. Và dù có súng nước hay không, thì bạn cũng sẽ bị bắn thôi. Nhưng kinh nghiệm rút ra là vẫn nên có một khẩu súng nước trong tay, bởi trông bạn “thật ngầu”. Và hơn cả, bạn sẽ dễ dàng lôi kéo, “lập băng đảng” để chống lại đạn nước từ những người xung quanh thay vì bị “bắn” hội đồng.
Thi thoảng bạn có thể gặp đồng hương bước ra từ cuộc đấu súng nước. Tất nhiên, họ sẽ chúc bạn "may mắn" trước khi bước vào cuộc chiến.
Sức hút của lễ hội Songkran chưa khi nào cạn. Bởi vậy hàng năm, du khách thường đổ về lễ hội này rất đông. Họ có thể thỏa thích té nước, bắn nước vào nhau hay nhảy múa, khiêu vũ dưới vòi rồng… nhưng chính vì đông, vui, thoải mái nên giới chức nơi đây luôn khuyến cáo du khách tự bảo vệ mình khi tham gia lễ hội bởi tỷ lệ thương vong do tai nạn trong những ngày này tăng khá cao.
Lễ hội Songkran diễn ra trong dịp tết truyền thống của Thái Lan và kéo dài trong 3 ngày, từ 13-15/4. Nếu lỡ chậm chân, bạn hoàn toàn có thể tham dự lễ hội này ở đảo Phuket. Bởi ở đây, lễ hội Songkran có thể được kéo dài tới ngày 19/4. Còn nếu muốn tìm hiểu thêm về những nét phong tục truyền thống của Thái, đừng bỏ qua Chiang Mai - thủ phủ của lễ hội Songkran nhé.
Cát Anh