Thủ tướng Ireland Simon Harris, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store (từ trái sang). Ảnh: Getty
Theo đài RT, chính phủ Na Uy ngày 22/5 tuyên bố chính thức công nhận Palestine là một nhà nước riêng biệt. Quyết định này của Na Uy có hiệu lực từ ngày 28/5.
"Chính phủ Na Uy quyết định sẽ công nhận Palestine là một nhà nước", Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nói.
Ông Store nhấn mạnh, Na Uy đưa ra động thái này trong bối cảnh xung đột ở Gaza "khiến hàng chục nghìn người thương vong". Thủ tướng Na Uy cho biết, mục đích của động thái này là để "duy trì lựa chọn duy nhất mang lại giải pháp chính trị cho cả người Israel và người Palestine, chung sống trong hòa bình và đảm bảo an ninh".
"Sẽ không có hòa bình ở Trung Đông nếu không có giải pháp 2 nhà nước. Cũng sẽ không có giải pháp 2 nhà nước nếu không có sự công nhận nhà nước Palestine. Nói cách khác, một nhà nước Palestine là điều kiện tiên quyết nếu muốn có hòa bình ở Gaza", Thủ tướng Na Uy lập luận.
Ngay sau thông báo của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha cũng tuyên bố sẽ công nhận nhà nước Palestine.
Các quốc gia châu Âu khác như Slovenia hay Malta trong những tuần gần đây cho biết, họ có kế hoạch công nhận nhà nước Palestine, cho rằng giải pháp 2 nhà nước là điều cần thiết cho hòa bình lâu dài trong khu vực.
Sau động thái của loạt nước châu Âu, Israel đã có phản ứng ban đầu. Ông Israel Katz, Ngoại trưởng Israel, đã triệu hồi Đại sứ Israel ở Na Uy và Ireland về nước để tham vấn. "Tôi gửi một thông điệp rõ ràng tới Ireland và Na Uy, rằng Israel sẽ không để yên cho chuyện này xảy ra", Ngoại trưởng Israel cảnh báo.
Ông Katz nói điều tương tự sẽ xảy ra với Đại sứ Israel ở Tây Ban Nha.
Ngoại trưởng Israel nhấn mạnh động thái của loạt nước châu Âu sẽ không ngăn Israel đạt mục tiêu "loại bỏ Hamas" ở Gaza.
Nguyễn Thái - RT, Reuters