Chỉ tầm chục ngày nữa là xung đột Nga-Ukraine cán mốc 8 tháng, và cũng là lúc mùa đông đến rất gần với quốc gia Đông Âu. Để sống sót qua mùa đông sắp tới, người Ukraine cần dành ưu tiên cho 3 điều, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Chỉ 10 ngày nữa, cuộc chiến ở Ukraine sẽ cán mốc 8 tháng và không có dấu hiệu ngừng nghỉ”, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, cho biết hôm 14/10.
“Tình trạng khẩn cấp nhân đạo leo thang đòi hỏi phản ứng nhân đạo cũng phải leo thang. Tôi xin nói cho rõ: WHO luôn ở đó và hỗ trợ Bộ Y tế Ukraine, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Viktor Liashko, cũng như hơn 150 đối tác y tế của chúng tôi trên thực địa”.
Các bình luận của ông Kluge được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn, với tình trạng giao tranh liên miên ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine. Vị quan chức WHO cũng lưu ý rằng trong tuần này, các lực lượng quân sự Nga đã tấn công “Kiev, Dnipro và các thành phố khác trên khắp đất nước, bao gồm các khu dân cư đông đúc.
Ông Kluge tiếp tục trình bày chi tiết 3 khía cạnh chính của mùa đông sắp tới mà người dân Ukraine phải ưu tiên, bắt đầu bằng việc “ứng phó khẩn cấp với những thiệt hại do các cuộc tấn công mới nhất gây ra đối với sức khỏe”.
Theo WHO, kể từ khi xung đột vũ trang giữa 2 quốc gia bắt đầu hồi cuối tháng 2, cơ quan này đã xác nhận 620 vụ tấn công nhằm vào lĩnh vực y tế, sức khỏe.
“Ưu tiên thứ hai là đáp ứng nhu cầu sức khỏe tức thời của người dân ở các khu vực mới tiếp cận được trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine. Chúng ta phải tìm cách ứng phó với mức độ đau khổ về thể chất và tinh thần mà những người dân này phải chịu”, WHO cho biết.
Ưu tiên thứ ba, theo WHO, là chuẩn bị cho “những thách thức quan trọng” dự kiến sẽ đến trong mùa đông.
“Quá nhiều người ở Ukraine đang sống trong tình trạng bấp bênh, phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác, sống trong các công trình không đạt tiêu chuẩn hoặc không được tiếp cận với hệ thống sưởi ấm. Điều này có thể dẫn đến tê cóng, hạ thân nhiệt, viêm phổi, đột quỵ và đau tim”, WHO cho biết.
“Mùa đông tàn khốc sắp tới có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người dễ bị tổn thương - bao gồm cả người già, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính và những người cần các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong thực tế hiện nay tỉ lệ bao phủ thấp với vắc-xin phòng chống Covid-19 và các bệnh khác”.
Theo WHO, những thách thức trong mùa đông cũng có thể dẫn đến việc dân thường Ukraine phải di cư vì giao tranh và thời tiết lạnh giá ảnh hưởng đến quốc gia này. Cơ quan y tế toàn cầu này cũng lưu ý rằng, các quốc gia chấp nhận người tị nạn Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với sự căng thẳng lớn hơn đối với các dịch vụ liên quan đến y tế với sự gia tăng tiềm tàng về số lượng bệnh nhân.
Trong khi nói chuyện với Newsweek tuần này, ông Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế và Dự án Các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã giải thích về một sự thay đổi có khả năng xảy ra trong cuộc phản công liên tục của Ukraine trong những tháng tới.
“Nếu người Nga có thể tìm thấy những vị trí địa lý, có thể phòng thủ được và có thể sử dụng đủ hỏa lực để làm chậm bước tiến của Ukraine... thì không thể tưởng tượng nổi khi chúng ta bước vào mùa đông mà cuộc phản công của Ukraine bắt đầu bị đình trệ vì lý do địa lý và quân sự”, ông Jones nói với Newsweek.
Newsweek đã liên hệ với WHO để yêu cầu thêm bình luận.
Ông Putin: Hành động của Nga là đúng đắn và kịp thời
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/10 cho biết ông không hối hận khi đưa quân vào Ukraine gần 8 tháng trước.
“Những gì đang xảy ra ngày hôm nay không hề dễ chịu. Nhưng nếu Nga không hành động trước từ hồi tháng 2 thì ngày hôm nay chính chúng tôi sẽ ở trong tình huống tương tự, thậm chí là tồi tệ hơn”, ông Putin nói. “Vì vậy, mọi thứ chúng tôi đang làm là đúng đắn và kịp thời”.
Bình luận của ông Putin được đưa ra trong cuộc họp báo với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) tại Astana, Kazakhstan hôm 14/10.
Tại cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết “hiện tại” ông không có kế hoạch thực hiện các cuộc không kích ồ ạt như đã diễn ra trong tuần này, trong đó hơn 100 tên lửa tầm xa đã được bắn vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là hủy diệt Ukraine. Về phần họ, có thời điểm họ cắt nguồn cung nước ngọt cho Crimea, nơi có 2,4 triệu dân sinh sống. Quân đội của chúng tôi đã phải tiến vào khu vực này để khôi phục nguồn cung nước cho Crimea. Nếu họ kiềm chế không thực hiện hành động đó, sẽ không có hành động trả đũa nào”, Tổng thống Putin nói, khi được hỏi liệu Ukraine có tiếp tục tồn tại như một nhà nước hay không.
Theo Tổng thống Nga, vụ đánh bom cầu Crimea xảy ra cuối tuần trước (mà Nga cáo buộc Ukraine thực hiện) một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo kết nối đường bộ giữa Nga và Crimea.
Về lệnh tổng động viên một phần mà nhà lãnh đạo Nga ban hành gần đây, ông cho biết, 222.000 trong số 300.000 quân dự bị đã được huy động.
Ông cũng giải thích lý do có đợt huy động này, dự kiến sẽ kết thúc sau 2 tuần nữa. “Đường liên lạc dài 1.100 km, vì vậy thực tế Nga không thể bảo vệ nó với lực lượng chỉ gồm các binh sĩ hợp đồng, đặc biệt là khi họ còn phải tham gia các hoạt động tấn công”.
Về vấn đề đàm phán, ông Putin cho biết ông chưa sẵn sàng tiếp nhận các đề nghị hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đồng thời khẳng định Kiev chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Nhưng ông cũng nhắc lại lập trường của Điện Kremlin rằng Nga sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán để chấm dứt hoạt động quân sự đặc biệt.
Khi được hỏi liệu cuộc xung đột cuối cùng có thể khiến NATO và quân đội Nga tham chiến trực tiếp hay không, người đứng đầu Điện Kremlin đã gửi lời cảnh báo tới các đồng minh Phương Tây của Kiev về bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở Ukraine.
“Việc đưa quân vào đối đầu trực tiếp với quân đội Nga là một bước đi rất nguy hiểm có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu”, ông nói.
Khi được hỏi về khả năng gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng G20 vào tháng tới, ông Putin nói: “Chúng ta nên hỏi ông ấy xem liệu ông ấy có sẵn sàng tổ chức các cuộc hội đàm như vậy với tôi hay không. Thành thật mà nói, tôi không thấy cuộc gặp đó là cần thiết”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết thêm rằng việc ông có tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia hay không vẫn chưa được quyết định.
Nga kêu gọi dân rời vùng Kherson
Các nhà chức trách Nga hôm 14/10 cho biết sẽ giúp dân thường sơ tán khỏi thành phố Kherson, miền Nam Ukraine, khi quân đội Ukraine tiếp tục giành được nhiều lợi ích ở khu vực phía bắc bán đảo Crimea.
Quân đội Ukraine đã giành được nhiều thành công ở miền Nam đất nước và hy vọng vào cuối năm nay sẽ tái chiếm Kherson, một trong 4 khu vực đã Moscow đã sáp nhập vào Nga hồi tháng trước.
Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin thông báo về một cuộc sơ tán dân với sự hỗ trợ của quân đội khỏi Kherson, nơi quân Nga đã kiểm soát từ đầu tháng 3, sau khi ông Vladimir Saldo, nhà lãnh đạo Nga ở vùng Kherson, kêu gọi Điện Kremlin hỗ trợ bảo vệ người dân khỏi cuộc xung đột giữa quân đội Ukraine và Nga.
“Chúng tôi đề nghị rằng tất cả cư dân của vùng Kherson, nếu có mong muốn bảo vệ bản thân khỏi hậu quả của các cuộc tấn công tên lửa, nên đến các khu vực khác” của Nga, ông Saldo nói, theo CNN.
Ông Kirill Stremousov, một lãnh đạo khác do Nga bổ nhiệm tại Kherson, lại có tuyên bố hơi khác: “Không có cuộc sơ tán nào ở vùng Kherson. Chúng tôi kêu gọi cư dân vùng Kherson giữ bình tĩnh và không hoảng sợ. Không ai định rút quân Nga khỏi khu vực Kherson. Đây không phải là một cuộc sơ tán, đây là một cơ hội để cứu mạng người”.
Hungary bảo vệ đường ống TurkStream
Bất kỳ cuộc tấn công nào vào đường ống dẫn khí TurkStream sẽ bị coi là hành động khủng bố, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố.
Phát biểu với truyền thông nhà nước hôm 14/10, ông Orban cho biết Budapest sẽ “đáp trả tương ứng” nếu có bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và xa hơn tới các nước châu Âu, bao gồm cả Hungary.
Nga gần đây đã cáo buộc Ukraine cố gắng làm hỏng đường ống TurkStream. Điện Kremlin thông báo hôm 13/10 rằng một số người đã bị bắt với cáo buộc cố gắng làm nổ một phần của đường ống này trên lãnh thổ Nga.
Trước đó, hồi đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đây là một phần của một số “cuộc tấn công khủng bố” do các cơ quan đặc nhiệm Ukraine thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng thiết yếu của Nga, bao gồm cả các hệ thống năng lượng.
Nga và các nước trong khu vực cũng đang trong tình trạng báo động sau các vụ rò rỉ gần đây tại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2, và rò rỉ dầu từ đường ống Druzhba ở Ba Lan.
Về cuộc chiến ở Ukraine, ông Orban nhấn mạnh Moscow và Kiev cần đạt được một lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.
Ông cảnh báo, chừng nào cuộc chiến vẫn tiếp diễn và phương Tây đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt, thì chừng đó lạm phát và giá năng lượng sẽ không giảm.
Nhà lãnh đạo Hungary cũng chỉ trích việc EU thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, nói rằng đất nước ông đang cảm thấy tác động của các biện pháp này mặc dù Budapest đã được khối này cấp cho một số miễn trừ.
NATO sắp tập trận hạt nhân
NATO sẽ kiểm tra khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân trong một cuộc tập trận ở Vương quốc Anh, Biển Bắc và Bỉ vào tuần tới, liên minh cho biết hôm 14/10.
Cuộc tập trận thường niên Steadfast Noon của NATO sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân.
Cuộc tập trận sẽ có tới 60 máy bay của lực lượng không quân thuộc 14 quốc gia tham gia. Trong khi không có vũ khí thật sẽ được sử dụng, các máy bay có khả năng mang bom B61 và máy bay ném bom B52 của Mỹ sẽ tham gia.
Người phát ngôn của liên minh, Oana Lungesco, cho biết: “Cuộc tập trận này giúp đảm bảo rằng hoạt động răn đe hạt nhân của liên minh vẫn an toàn và hiệu quả”.
Trong số 30 thành viên NATO, chỉ có Mỹ, Anh và Pháp sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Paris không thuộc Nhóm thiết lập kế hoạch hạt nhân của liên minh.
Tổng thống Emmanuel Macron gần đây tuyên bố Pháp sẽ không đáp trả nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, viện dẫn học thuyết răn đe hạt nhân của Pháp.
Minh Đức (Theo Newsweek, Malay Mail, The National News, Anadolu Agency)