Ngành báo chí và thông tin đang “lên ngôi”
Theo thống kê của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau khi kết thúc thời điểm đăng ký, toàn hệ thống đã ghi nhận thông tin của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, với 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2021.
Trong số hơn 1 triệu thí sinh của kỳ thi năm nay, gần 21,8% thí sinh tham dự với mục đích chỉ xét tốt nghiệp, 3,5% thí sinh có mục đích chỉ xét tuyển cao đẳng, đại học, chiếm hơn 74,7% là lượng thí sinh có nguyện vọng vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển cao đẳng, đại học.
Theo số liệu tổng hợp về đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh, tính theo tỉ lệ NV1/Chỉ tiêu, cho thấy những ngành “hot” nhất, chiếm tỉ lệ đăng ký cao trong năm nay là: An ninh Quốc phòng (566,82%), Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật (210,7%), Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%).
Đáng chú ý, năm 2021, nhóm ngành báo chí và thông tin đang “lên ngôi” và thu hút tới 100.120 nguyện vọng trong khi chỉ tiêu chỉ có 6539. Như vậy, nhóm ngành này có tỉ lệ “chọi” lên đến 311,65%.
Nhận định về lý do khiến khối ngành báo chí có sức hút lớn, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp (bộ GD&ĐT) - cho rằng có nhiều nguyên nhân tác động vào xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn nguyện vọng của các thí sinh là cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Thực tế cho thấy, chúng ta đang trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông nên cơ hội việc làm cho sinh viên theo học báo chí - truyền thông là vô cùng rộng mở.
Bên cạnh đó, mức học phí và sự hấp dẫn của các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng ảnh hưởng đến nguyện vọng xét tuyển của thí sinh. Nhìn ở góc độ thực tế hơn, ông còn cho biết thêm: “Đối với môi trường báo chí, hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp có môi trường làm việc ổn, rất nhiều sự lựa chọn, từ viết bài, phỏng vấn và làm truyền thông thì có cơ hội được nổi tiếng”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Phạm Thị Thanh Tịnh (Giảng viên học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng lý giải nguyên nhân khiến nhóm ngành báo chí và thông tin có tỉ lệ nguyện vọng tăng vọt trong năm nay: “Hiện nay, ngành báo chí - truyền thông là xu hướng lựa chọn của các bạn trẻ bởi cơ hội đầu ra khá tốt. Thực tế, các công ty hay tổ chức doanh nghiệp đều có bộ phận truyền thông nên sinh viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể làm việc tại các môi trường này chứ không chỉ là các cơ quan báo chí. Ngoài ra, các bạn trẻ luôn có suy nghĩ rằng, học về báo chí - truyền thông sẽ được đi đây đi đó nhiều và các bạn đam mê được khám phá thực tế nên đã lựa chọn theo học”.
Đánh giá sâu về vấn đề này, PGS.TS Đinh Ngọc Sơn (Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, học viện Báo chí và Tuyên truyền) khẳng định xu hướng truyền thông hiện đại đã tác động rất nhiều lên các bạn trẻ.
Cụ thể, PGS.TS Đinh Ngọc Sơn phân tích: “Ngày nay, việc dùng mạng xã hội cũng là đang tham gia vào môi trường truyền thông và những người trẻ nhận ra giá trị của chính môi trường ấy. Vì vậy, các bạn trẻ muốn thể hiện mình trong vai trò xã hội nên nhóm ngành đào tạo báo chí - truyền thông được tiếp cận và quan tâm nhiều hơn.
Đặc biệt, yếu tố kinh tế - xã hội đã tạo ra những chuyển dịch về cơ cấu, nhu cầu dẫn đến sự thay đổi trong xu hướng đăng ký ngành nghề của thí sinh. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, một loạt các ngành kinh tế thay đổi đã ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ của các bạn trẻ”.
Cạnh tranh cao do... nhiều hình thức xét tuyển
Cũng theo đánh giá của TS. Hoàng Ngọc Vinh, việc nhiều thí sinh đổ dồn đăng ký nguyện vọng vào nhóm ngành báo chí và thông tin sẽ tạo ra mức độ cạnh tranh rất cao trong “cuộc đua” xét tuyển. Thí sinh chọn khối ngành này trong năm nay sẽ phải đối mặt với thách thức lớn và nhiều nguy cơ bởi cung thì ít mà cầu thì nhiều: “Khi đó điểm sẽ cao vọt lên chẳng hạn” - ông nhận định.
Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Thị Thanh Tịnh cũng nhấn mạnh, báo chí là một ngành đặc thù mà chỉ các trường đại học trực thuộc Nhà nước quản lý được đào tạo nên việc có ít cơ sở đào tạo khiến tỉ lệ cạnh tranh giữa các thí sinh càng tăng mạnh.
“Hiện nay, tại các trường đại học, đặc biệt các trường đào tạo về báo chí - truyền thông, có rất nhiều hình thức xét tuyển như xét bằng IELTS hay xét tuyển học bạ. Chỉ riêng hình thức này đã tạo nhiều áp lực cho những thí sinh lấy điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học” - PGS.TS Phạm Thị Thanh Tịnh cho biết thêm.
Đứng trước thực tế này, học sinh Đỗ Thị Hải Linh (trường THPT Quốc Oai, Hà Nội) bày tỏ quyết tâm: “Theo tìm hiểu, em được biết có rất nhiều MC hay những nhân vật ảnh hưởng được “sản xuất” từ môi trường báo chí. Đó là hình mẫu và động lực để em theo đuổi ngành này. Bản thân em cho rằng, nguyện vọng năm nay tăng vọt là do các bạn trẻ bây giờ cực kỳ năng động và thích thử thách bản thân vào những môi trường chuyên nghiệp, khám phá nhiều điều mà những ngành nghề khác không có. Chắc hẳn, kỳ thi sắp tới sẽ khó khăn và thách thức nhiều hơn nhưng em sẽ không bỏ cuộc”.
Cũng là một thí sinh có nguyện vọng thi vào nhóm ngành báo chí và thông tin trong năm nay, học sinh Lê Thanh Mai (trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) tâm sự: “Em theo mẹ từ nhỏ, hiểu được môi trường làm báo ra sao nên từ rất lâu rồi em đã có ước mơ làm nhà báo. Khi biết thông tin nguyện vọng thi khối báo chí năm nay tăng “top đầu” thì em cũng hồi hộp và lo lắng đôi chút, nhưng tỉ lệ cạnh tranh cao thì sẽ chọn ra được những người xứng đáng và phù hợp nhất, những nhà báo tương lai tiềm năng. Ngoài ra, em cũng cân đối các nguyện vọng giữa học viện Báo chí và Tuyên truyền với trường đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội) để tăng cơ hội trúng tuyển”.
Những lưu ý khi “đầu quân”
Trước những lo lắng, băn khoăn của thí sinh, TS. Hoàng Ngọc Vinh đã đưa ra lời khuyên về việc đăng ký nguyện vọng phụ thuộc vào nhu cầu của thí sinh. Tuy nhiên, các thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề lựa chọn, như yêu cầu chất lượng đầu vào, đánh giá chuẩn đầu ra để cân đối và tăng cơ hội trúng tuyển theo mong muốn của bản thân.
Đồng quan điểm đó, PGS.TS Ngọc Sơn cũng cho biết: “Khi các thí sinh yêu thích một lĩnh vực thì hãy thể hiện sự quyết tâm theo đuổi nó bằng cách tìm hiểu cách thức tuyển sinh của mỗi trường để nắm bắt những thông tin cần thiết. Riêng với thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào học viện Báo chí và Tuyên truyền, các em sẽ phải trải qua kỳ thi năng khiếu báo chí để đánh giá khả năng sáng tạo, góc nhìn thực tế... Vì vậy, các em cần chuẩn bị cả kiến thức và tinh thần thật tốt để thể hiện thế mạnh cũng như những giá riêng của mình”.
Bên cạnh những lưu ý trên, PGS.TS Thanh Tịnh cũng nhắn nhủ thêm: “Thực ra, mặc dù tỉ lệ chọi cao nhưng số lượng thí sinh đỗ và lựa chọn theo học không nhiều bởi các bạn sẽ có sự cân nhắc nhất định, nên luôn có cơ hội cho những ai cố gắng. Tuy nhiên, các thí sinh phải xác định rằng đây là một nghề rất vất vả chứ không dừng lại ở việc đi đây đi đó để khám phá mà phải làm việc nghiêm túc.
Công chúng sẽ đo đếm kết quả lao động của mình thông qua những sản phẩm báo chí được sáng tạo. Điều quyết định tương lai sau này của các bạn không dừng lại ở việc học tốt mà còn phải trau dồi các kỹ năng để phù hợp với ngành báo chí - truyền thông”.
Thu Lan