Việt Nam nằm trong số các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới
Theo Bộ Y tế, mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khoẻ cộng đồng.
Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, chúng ta còn phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.
(Ảnh minh họa).
WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới, TS.BS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cảnh báo, vấn đề kháng thuốc kháng sinh là thực trạng nghiêm trọng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tại nước ta, hầu hết các vi khuẩn đều kháng với các thuốc kháng sinh, thậm chí là đa kháng với thuốc kháng sinh. Ví dụ như nhóm kháng sinh Carbapenem là loại kháng sinh phổ rộng, thế hệ mới, có hiệu lực cao, giai đoạn đầu khi mới xuất hiện tỷ lệ kháng rất thấp nhưng hiện ở 1 số bệnh viện như Bệnh viện Nhi TW đã có vi khuẩn kháng Carbapenem với tỷ lệ trên 30%.
Với tỷ lệ kháng thuốc cao như vậy, nếu trẻ nhiễm vi khuẩn này khó có thuốc để điều trị. Như vậy, thực trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay khá trầm trọng, thêm vào đó mô hình bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và COVID-19 càng làm nhức nhối hơn vấn đề kháng thuốc hiện nay.
TS.BS. Cao Hưng Thái cho biết, có 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất là do thầy thuốc kê đơn không phù hợp. Nhiều trường hợp bệnh nhân không phải dùng kháng sinh nhưng bác sĩ vẫn kê đơn, ví dụ như cúm mùa. Hoặc chỉ định kháng sinh không đúng bệnh, lạm dụng kháng sinh. Đáng lẽ bệnh nhân chỉ cần dùng kháng sinh thế hệ 1,2 đã có hiệu quả thì thầy thuốc lại kê kháng sinh thế hệ 3,4. Dùng như vậy bệnh nhân có thể nhanh khỏi nhưng nguy cơ kháng thuốc rất cao.
Thứ 2 là do người dân tự ý mua và sử dụng kháng sinh hoặc dùng kháng sinh theo đơn của người khác.
Thứ 3 là vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được, đặc biệt là tình trạng dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng cây trồng vật nuôi. Tình trạng này làm trầm trọng hơn vấn đề kháng thuốc.
Cũng theo ông Thái, hiện nay có chế tài xử phạt người bán thuốc không có đơn nhưng vấn đề quan trọng là nhận thức của người kê đơn thuốc và người sử dụng thuốc.
Hơn nữa hiện nay chế tài xử lý chung về việc kê đơn không phù hợp, lạm dụng thuốc kháng sinh, bán thuốc kháng sinh không đơn theo quy định về xử phạt hành chính chung nhưng mức xử phạt không cao, chưa đủ sức răn đe, nếu chúng ta muốn làm mạnh hơn thì phải có chế tài riêng. Chẳng hạn: Khi vi phạm nhiều lần phải rút giấy phép kinh doanh, lúc đó mới có tác dụng răn đe nếu không thì họ cứ làm. Chưa kể là cơ quan quản lý nhà nước đi kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên.
Hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh
Chia sẻ với báo chí, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho biết, việc điều trị cho những bệnh nhân kháng kháng sinh gặp nhiều khó khăn.
Lý do thứ nhất là phải lựa chọn thuốc mới; thứ hai là phối hợp liều; thứ ba là phải tăng liều thuốc. Tất cả những điều đó đều gây ra việc tốn kém về mặt tiền bạc, kéo dài thời gian điều trị, ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan – thận.
Đối với những bệnh nhân tổn thương nặng như tim, gan, phổi, thận sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng lại không như mong muốn, còn có thể dẫn đến suy thận, suy gan...
Hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. Bệnh nhân kháng kháng sinh thì nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lo ngại nếu cứ sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị, sẽ có ngày chết trên đống thuốc.
Theo đó, bình thường kháng sinh được phát minh ra sau 1 thời gian sẽ nhờn vì vi khuẩn thay đổi thích nghi với kháng sinh, tốc độ kháng và mức độ kháng khác nhau.
Khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường sẽ phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại, cao liều, khả năng thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, điều trị khó khăn.
Không chỉ thế, việc sử dụng phối hợp nhiều kháng sinh, cao liều gia tăng tác dụng phụ như suy thận, suy gan.
Trong khi đó, giá của kháng sinh không rẻ. Kháng sinh đắt nhất là hơn 800.000 đồng/lọ. Có những thể bệnh, riêng 1 loại đã dùng 6 lọ/ngày chưa kể phối hợp nhiều kháng sinh. Điều này gây gánh nặng y tế cho người dân. Có những bệnh nhân BS Cấp cho biết chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Để giảm thiểu gánh nặng do kháng kháng sinh mang lại, BS Cấp đề xuất một số giải pháp hạn chế tình trạng kháng kháng sinh trong bệnh viện như tiếp tục triển khai các hoạt động đánh giá và giám sát tính kháng kháng sinh trên toàn bộ hệ thống các bệnh viện, mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn phiên giải kết quả vi sinh cho các bệnh viện thuộc mạng lưới giám sát kháng kháng sinh…
Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi cá nhân khi sử dụng kháng sinh cần lưu ý: - Chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ - Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước - Không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống. |
DIỆU THU