4 yếu tố cản trở Ukraine chọc thủng phòng tuyến vững nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II

Thứ 6, 22/12/2023 18:52

Đã 6 tháng kể từ khi Ukraine phát động cuộc phản công vào mùa hè nhằm giành lại các khu vực do Nga kiểm soát ở phía đông đất nước, nhưng họ có rất ít bước tiến trước phòng tuyến vững chắc của Nga. Có những lý do đặc biệt dẫn đến tình trạng này.

Thế giới - 4 yếu tố cản trở Ukraine chọc thủng phòng tuyến vững nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II

Có nhiều yếu tố cản trở cuộc phản công của Ukraine. Ảnh minh họa: Getty

Reuters ngày 21/12 đưa tin, phòng tuyến của Nga - tuyến phòng thủ lớn nhất và kiên cố nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II - tới nay vẫn được giữ vững. Triển vọng ban đầu của Ukraine về một bước đột phá nhằm cắt đứt cầu nối giữa Nga và Crimea dần mờ nhạt.

Hãng tin của Anh đã chỉ ra 4 yếu tố chính cản trở cuộc phản công của Ukraine.

Ukraine tấn công dọc chiến tuyến dài

Thế giới - 4 yếu tố cản trở Ukraine chọc thủng phòng tuyến vững nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II (Hình 2).

Đồ họa các trục tấn công của Ukraine trong cuộc phản công từ hè năm 2023. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các cố vấn quân sự phương Tây, trong đó có Mỹ, khuyên Ukraine mở cuộc tấn công tập trung dọc theo trục ở tỉnh Zaporizhzhia. Nhưng Kiev không làm theo. Quân đội Ukraine phát động các cuộc tấn công trên nhiều trục.

Trọng tâm cuộc phản công của Ukraine là mặt trận Zaporizhzhia, chiến trường được các nhà phân tích quân sự coi là con đường trực tiếp nhất để chia cắt các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine. Trải dài 80km từ thành phố Orikhiv, qua thành phố Tokmak tới thành phố Melitopol, tuyến đường này nhằm cắt đứt các tuyến cung cấp quan trọng của Nga cho Crimea.

Dù Kiev luôn giữ kín các mục tiêu cuối cùng cho cuộc phản công, nhưng vào tháng 8, ông Zelensky tuyên bố rằng, chiến dịch phản công sẽ không dừng lại cho đến khi giành lại kiểm soát ở Crimea.

Với nhiều nhà phân tích phương Tây, chìa khóa cho mục tiêu đó là đột phá vào các tuyến đường tiếp tế ở Zaporizhzhia, nối Crimea với đất liền Nga.

Nhưng quân đội Ukraine cuối cùng bị chia cắt thành 3 trục tấn công, trong đó có một trục ở xa về phía bắc như thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, nơi Kiev phải tăng cường phòng thủ sau khi Nga tổ chức tấn công vào đây hồi tháng 10.

Nga có thời gian chuẩn bị phòng thủ nhiều lớp

Thế giới - 4 yếu tố cản trở Ukraine chọc thủng phòng tuyến vững nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II (Hình 3).

Tuyến phòng thủ nhiều lớp, vững chắc của quân Nga. Ảnh đồ họa: Reuters

Reuters cho rằng thời điểm Ukraine phản công đóng vai trò quan trọng vì cho phép Nga có thời gian củng cố tiền tuyến, đặc biệt là ở tỉnh Zaporizhzhia.

Cuộc phản công của Ukraine bị trì hoãn nhiều tháng để huấn luyện binh sĩ, tập hợp vũ khí do phương Tây viện trợ và bàn bạc về chiến lược. Trong quãng thời gian đó, Nga đã đào chiến hào, đặt mìn dọc các khu vực chiến lược ở tiền tuyến.

Brady Africk, chuyên gia tại Viện chính sách American Enterprise Institute (Mỹ), đã phát hiện chiến lược phòng thủ mạnh mẽ của Nga qua các thông tin tình báo và ảnh vệ tinh.

Chia sẻ với Reuters, ông Africk mô tả các công sự của Nga giữa tiền tuyến và thành phố Tokmak, tỉnh Zaporizhzhia, là dày đặc và nhiều lớp, có các con mương chống xe tăng, chướng ngại vật, vị trí chiến đấu, bẫy mìn trong các hàng cây và dọc theo các tuyến đường trọng điểm dẫn tới các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine. Ngoài ra, địa hình bằng phẳng trong khu vực khiến quân đội Ukraine khó sử dụng yếu tố bất ngờ.

Tiến độ chậm, thiếu nhân lực và vũ khí

Thế giới - 4 yếu tố cản trở Ukraine chọc thủng phòng tuyến vững nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II (Hình 4).

Theo Reuters, sau 6 tháng phản công, Ukraine chỉ tiến được thêm 7,5km vào khu vực Nga kiểm soát. Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia Africk, tiến độ chậm của cuộc phản công của Ukraine phần nào phản ánh mức độ dày đặc của các công sự trong khu vực phòng thủ của Nga và các nguồn lực mà Ukraine có thể sử dụng. Theo Reuters, bất chấp 6 tháng giao tranh ác liệt, Ukraine chỉ tiến được 7,5km và đến được làng Robotyne.

Tuyến phòng thủ của Nga bao gồm nhiều lớp hàng rào được thiết kế để cản trở xe tăng, mạng lưới hầm hào phức tạp, cùng với các khẩu đội pháo, xe tăng và sở chỉ huy được ngụy trang chiến lược.

Theo Reuters, chiến lược phòng thủ nhiều mặt này đã tạo ra thách thức vô cùng lớn với quân đội Ukraine đang cố gắng chọc thủng phòng tuyến. Ngoài ra, pháo binh Nga cũng hỗ trợ rất tốt cho hệ thống phòng thủ.

Một số bức ảnh vệ tinh cho thấy rõ hệ quả từ những đợt pháo kích không ngừng của quân Nga ở khu vực Ukraine mở cuộc phản công. Cảnh quan gần làng Robotyne chi chít các hố lớn như miệng núi lửa nhỏ.

Bãi mìn dày đặc được giám sát liên tục

Thế giới - 4 yếu tố cản trở Ukraine chọc thủng phòng tuyến vững nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II (Hình 5).

Hành trình vượt bãi mìn không hề dễ dàng của quân đội Ukraine. Ảnh đồ họa: Reuters

Trước các vị trí đóng quân dọc mặt trận, các lực lượng Nga đã bố trí tuyến phòng thủ đầu tiên rất đáng gờm: Một lớp dày đặc mìn sát thương và mìn chống tăng.

Việc mở lối đi an toàn qua các bãi mìn Nga đã trở thành một trong những thách thức tốn kém nhất trong cuộc phản công của Ukraine, cả về thời gian, nhân lực và máy móc.

Quân đội Ukraine đã sử dụng các phương tiện rà phá bom mìn, xe tăng, xe bọc thép của phương Tây để vượt qua các bãi mìn này nhưng vẫn đầy rủi ro. Các hoạt động của quân đội Ukraine nhằm dọn đường xuyên qua các bãi mìn bị các UAV của Nga giám sát chặt chẽ.

Các UAV này giám sát tỉ mỉ các phương tiện rà phá bom mìn của Ukraine, cung cấp thông tin về vị trí của các phương tiện này cho pháo binh và trực thăng tấn công Nga. Các kỹ thuật ngụy trang truyền thống như dùng khói che mắt cũng không giúp quân đội Ukraine nhiều vì các UAV phát triển hệ thống kính nhìn xuyên khói.

Khi xe tăng và phương tiện rà phá bom mìn phía trước bị nhắm mục tiêu và phá hủy, các đội tấn công của Ukraine đi phía sau sẽ mắc kẹt trong vùng bắn phá của pháo binh Nga. Nếu di chuyển ra khu vực khác, họ sẽ giẫm phải mìn.

Cuối cùng, Ukraine buộc phải giao nhiệm vụ rà phá bom mìn cho các đơn vị nhỏ hơn, di chuyển chậm hơn để giảm nguy cơ thương vong.

Dù có một số bước tiến nhỏ, nhưng mục tiêu cuối cùng của Kiev là giành lại các khu vực do Nga kiểm soát đã không thể đạt được.

Thế giới - 4 yếu tố cản trở Ukraine chọc thủng phòng tuyến vững nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II (Hình 6).

Kết quả cuộc phản công của Ukraine theo đồ họa của Reuters. Ảnh: Reuters

Nguyễn Thái - Reuters

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.