Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng có nguồn nhân lực trẻ, là điểm đến của khá nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Trong làn sóng đầu tư này có nhiều công ty, tập đoàn Nhật Bản. Điều đó mở ra cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao cho các phiên dịch viên tiếng Nhật. Tuy nhiên, để nắm bắt và phát triển tốt với nghề bạn cần trang bị đầy đủ những kỹ năng dưới đây để có thể trở thành phiên dịch viên tiếng Nhật chuyên nghiệp.
Kỹ năng ngôn ngữ
Là phiên dịch viên, đầu tiên, bạn phải có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ. Với việc làm phiên dịch tiếng Nhật, bạn thật sự phải giỏi ngôn ngữ Nhật Bản. Bạn phải sở hữu kiến thức về ngôn ngữ tiếng Nhật như tiếng Việt thậm chí tốt hơn. Bởi mỗi ngôn ngữ có cách biểu thị khác nhau, thậm chí văn hóa giao tiếp khác nhau. Phiên dịch viên muốn lột tả hết ý tứ sâu xa thì không đơn giản chỉ là chuyển thể ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Việc này không hề dễ dàng. Bạn cần liên tục học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, thậm chí cần tố chất riêng về ngoại ngữ.
Ngoài ngôn ngữ, bạn cần am hiểu kiến thức chuyên môn tổng hợp ở các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội… Bởi hôm nay bạn có thể phiên dịch cho doanh nghiệp về công nghệ nhưng ngày mai bạn có thể là phiên dịch cho sự kiện văn hóa…
Kỹ năng ghi nhớ và ghi chép nhanh
Để đảm bảo truyền tải đúng thông điệp, đúng nội dung thì phiên dịch viên tiếng Nhật cần ghi nhớ tốt và ghi chép nhanh. Bạn cần sự tập trung cao độ bởi chỉ cần lơ là một khoảnh khắc có thể khiến chuỗi ngôn ngữ của bạn đứt quãng, khiến bạn không theo kịp những nội dung tiếp theo.
Chưa kể, người Nhật rất cẩn thận, yêu cầu sự chính xác cao nên phiên dịch cần phải đảm bảo chuẩn xác. Có trường hợp, đối tác nói liên tiếp không dừng, nội dung dài chưa kể nói nhanh và khó nghe. Khi đó, nếu bạn không ghi nhớ nhanh và ghi chép tốc ký nội dung quan trọng để tránh bỏ sót thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Do vậy, kỹ năng ghi chép và ghi nhớ của phiên dịch viên tiếng Nhật là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng.
Am hiểu văn hóa và giao tiếp của người Nhật
Nhật Bản và Việt Nam tuy đều là hai nước phương Đông nhưng văn hóa giao tiếp có sự khác nhau.
Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật, họ luôn coi trọng đối tác, thể hiện ở hành động như cúi chào, chỉn chu trong ăn mặc, lời nói lịch sự, giao tiếp giữ khoảng cách và tiết chế cảm xúc... Phiên dịch viên tiếng Nhật cần hiểu văn hóa này để có cách giao tiếp phù hợp. Đặc biệt, ngôn ngữ tiếng Nhật cũng mang nhiều hàm nghĩa, sử dụng kính ngữ riêng nên phiên dịch viên tiếng Nhật cần hiểu để truyền tải đúng, đủ và hay nhất.
Ngoài ra, người Nhật cũng có nguyên tắc riêng trong làm việc như phiên dịch viên thường ngồi bên trái diễn giả, ăn mặc nghiêm túc… Vậy nên, muốn trở thành phiên dịch viên chuyên nghiệp đòi hỏi bạn am hiểu giao tiếp cũng như văn hóa người Nhật.
Kỹ năng xử lý vấn đề
Trong quá trình phiên dịch, sẽ có nhiều vấn đề tác động tới chất lượng buổi làm việc của bạn. Có thể đến từ yếu tố khách quan như âm thanh, phòng ốc khiến bạn không nghe rõ nội dung. Cũng có thể đối tác thay đổi nội dung, lịch trình làm việc khiến bạn bị bất ngờ. Thậm chí có trường hợp bạn không kiểm soát được cảm xúc như phiên dịch trong các tình huống cấp cứu, tai nạn, xét xử tội phạm…
Ở tình huống này, bạn cần chủ động và xử lý tình huống tốt. Bạn cần giữ vững tinh thần, kiểm soát tốt cảm xúc đồng thời linh hoạt ứng biến. Nếu mất bình tĩnh, run sợ hay cảm xúc quá đều khiến chất lượng phiên dịch của bạn giảm sút và cuối cùng, mục đích chung không đạt được.
Kỹ năng quản lý công việc
Công việc phiên dịch giúp bạn có cơ hội làm việc, tiếp xúc và xây dựng mối quan hệ với nhiều đối tác, khách hàng ở lĩnh vực khác nhau. Bạn cũng được chủ động sắp xếp thời gian, nhận những dự án yêu thích mà không cần phụ thuộc hay qua công ty nào.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì phiên dịch viên tiếng Nhật phải có kỹ năng quản lý công việc tốt. Bạn cần sắp xếp lịch trình khoa học, có thời gian chuẩn bị chu đáo, đúng giờ, đảm bảo sức khỏe và chuyên môn tốt. Nếu không có kỹ năng này thì dù là phiên dịch viên của bất kỳ ngôn ngữ nào bạn cũng sẽ không đạt được hiệu quả và năng suất cao. Chưa kể, việc không sắp xếp khoa học sẽ khiến bạn áp lực, stress cộng thêm nghề này ngày càng cạnh tranh và đào thải cao thì bạn không thể gắn bó lâu dài.
Nguyễn Lý