ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết, các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày gồm nhiễm HP, các tổn thương bệnh lý nội tại của dạ dày (viêm loét dạ dày điều trị không triệt để, viêm teo dạ dày…). Đặc biệt, bệnh có liên quan đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý như chế độ ăn nhiều muối, nitrat, nitrit nằm trong dưa muối, cà muối…
Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu lâm sàng của bệnh ung thư dạ dày chỉ là các triệu chứng cơ năng không đặc hiệu.
(Ảnh minh họa).
Cụ thể:
- Đầy bụng sau khi ăn, khó tiêu, lúc đầu còn thưa về sau thành liên tục.
- Ăn mất ngon, mới đầu chán ăn thịt mỡ, về sau chán ăn bất kỳ loại thức ăn nào.
- Buồn nôn sau khi ăn, ngày càng tăng rồi nôn, lúc đầu nôn ít sau nôn nhiều với bất kỳ loại thức ăn nào.
- Thay đổi đặc tính cơn đau: đau thượng vị mất chu kỳ, kéo dài hơn, không giảm khi dùng thuốc (loại trước đây cắt cơn đau tốt).
- Thiếu máu (ù tai, hoa mắt) kèm theo đi ngoài phân đen rỉ rả không để ý, tình cờ bác sĩ phát hiện.
- Suy nhược, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân.
Những triệu chứng thực thể khi xuất hiện thường là đã muộn. Chẳng hạn, bác sĩ khám sờ thấy khối u vùng thượng vị, thường ở trên hoặc ngang rốn (có thể thấy ở dưới rốn nếu dạ dày sa), u rắn chắc, nổi rõ sau bữa ăn. Hay bệnh nhân đột nhiên sốt kéo dài, phù hai chân, nôn máu, đi ngoài phân đen, bụng co cứng…
Các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày gồm nhiễm HP, các tổn thương bệnh lý nội tại của dạ dày (viêm loét dạ dày điều trị không triệt để, viêm teo dạ dày…). Đặc biệt, bệnh có liên quan đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý như chế độ ăn nhiều muối, nitrat, nitrit nằm trong dưa muối, cà muối…
Bác sĩ khuyến cáo để phát hiện sớm ung thư dạ dày cũng như các bệnh ung thư đường tiêu hóa, người bệnh cần được nội soi đường tiêu hóa ngay từ khi chưa có triệu chứng lâm sàng như chưa đau, chưa gầy sút.
Với người mắc các lý về bệnh dạ dày/có tiền sử gia đình hoặc người trên 55 tuổi nên thực hiện nội soi dạ dày mỗi năm một lần. Với các trường hợp khác nên nội soi 3 năm/lần.
Cũng theo chuyên gia, các loại ung thư tiêu hóa tuy nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động phòng tránh bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tầm soát ung thư định kỳ.
Trong đó, việc tầm soát ung thư tiêu hóa đóng vai trò quan trọng giúp phòng tránh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Những người không có nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa nên bắt đầu sàng lọc ở lứa tuổi 50.
Những người có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người bị chẩn đoán mắc ung thư đường tiêu hóa, nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn.
DIỆU THU