Mặc dù đã theo dõi suốt hai thập niên– có lẽ hơn 500 lần qua truyền hình và ít nhất 100 trận trực tiếp – tuy nhiên khi tập trung hoàn toàn vào Messi, bạn sẽ nhìn thấy những gì trước đây bạn chưa từng thấy, cũng như xác tín vài điều chúng ta hồ nghi. Dưới đây là một số điểm nhấn:
Messi chủ yếu đi bộ
Bản chất của cuộc chơi là đi bộ khi trái bóng không ở gần bạn, nhưng Messi đi bộ nhiều hơn ai hết. Tuy nhiên, khỉ chỉ tập trung theo dõi duy nhất siêu sao người Argentina – công việc chỉ có thể thực hiện khi xem trận đấu trực tiếp – thì đúng là La Pulga khá thảnh thơi.
Messi không theo dõi những cầu thủ chạy chỗ. Anh có thể thò chân ra nếu đối phương ở gần, nhưng hầu như anh chỉ đi dạo xung quanh. Đôi khi anh nhìn theo hướng bóng, đôi khi không. Bạn dễ dàng nghĩ rằng Messi đang tiết kiệm năng lượng. Suy cho cùng, cầu thủ này đã 35 tuổi. Đi bộ đồng nghĩa bạn tiết kiệm năng lượng cho lúc cần bứt tốc. Messi đã chơi như vậy suốt thời gian dài, đặc biệt ở ĐTQG.
Messi có 2 chế độ bứt tốc: hiếm khi bứt tốc và kiểu bứt tốc còn hiếm hơn
Messi chỉ vội vàng để đi từ điểm A đến điểm B để tránh bẫy việt vị hoặc thực hiện tình huống cố định. Những pha bứt tốc được thực hiện khi bóng đang ở trong chân đồng đội, người mà anh biết rằng sẽ chuyền bóng cho anh hoặc để kéo hậu vệ ra khỏi vị trí. Những pha bứt tốc kiểu này không xảy ra thường xuyên, nhưng mỗi khi Messi tăng tốc, sự công phá sẽ đến.
Tôi đếm được 4 lần, có thể nhiều hơn. Messi chạy nước rút về phía cột hai để dứt điểm, điển hình là tình huống dẫn đến quả phạt đền gây tranh cãi. Anh tiếp cận khung thành ngay khi Szczesny cản phá cú dứt điểm của Julian Alvarez, như thể biết tiền đạo đang khoác áo Man City sẽ lấy lại bóng và tạt. Trong các tình huống khác, Messi mở trái bóng chéo cánh và ập vào kẽ hở trong hệ thống phòng ngự đối phương và tự tin rằng sẽ nhận được quả tạt trả lại.
Các pha rê bóng của Messi đều một màu
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là phần lớn thời gian, Messi nhận bóng ở trạng thái tĩnh hoặc phi nước đại và sau đó dừng lại, trước khi tăng tốc trở lại hoặc xoay người tìm khoảng trống. Trái với trực giác thông thường, anh ấy nhanh nhẹn với quả bóng dưới chân và luôn đối đầu cầu thủ đối phương. Messi dường như không bận tâm chuyện mất bóng, việc xảy ra khá nhiều ở trận gặp Ba Lan. Có lẽ vì anh để mất bóng ở những khu vực không gây nhiều nguy hại cho Argentina. Và có lẽ các đồng đội cũng điều chỉnh để thích ứng với đặc điểm này của Messi. Cho dù thành công thất bại hoặc rê qua 3-4 cầu thủ đối phương, hiệu quả đều như nhau: các hậu vệ đối phương đều dồn về phía số 10 của Albiceleste, bất kỳ thù hình phòng ngự nào trước đó đều bị biến dạng, đồng nghĩa sơ hở xuất hiện ở các nơi khác.
Tuyệt chiêu chuyền bóng dễ đoán nhưng khó chặn của Messi
Giống như những pha rê bóng của Garrincha, lối chuyền bóng kinh điển từ trung lộ của Messi ai cũng biết nhưng đơn giản không thể ngăn chặn. Anh nhận bóng ở giữa sân, thực hiện động tác giả, sau đó xoay người để tung ra đường chuyền uốn con bằng chân trái, bóng đi rất nhanh qua hàng phòng ngự và hướng đến hành lang trái. Marcos Acuna được hưởng lợi từ những đường chuyền này 3 lần trong trận gặp Ba Lan, tuy nhiên phiên bản tuyệt nhất của kiểu chuyền bóng này là đường chuyền dành cho Alvarez ở cuối trận.
Một khi Messi nhận bóng ở trung lộ, 3 hướng tấn công hủy diệt được mở ra. Anh có thể rê bóng và kiếm về quả phạt. Anh có thể khống chế và sút. Và annh có thể thực hiện đường chuyền mở bóng sang cánh trái. Hàng thủ đối phương không thể tập trung ngăn chận phương án chuyền bóng của Messi, vì bất cứ ai cũng nhận thức được rằng 2 phương án kia đem đến mối nguy hại lớn hơn cho khung thành. Nói cách khác, hàng thủ đối phương luôn phải chọn bỏ qua phương án có sức công phá thấp nhất của siêu sao người Argentina.
Messi dành 90% thời gian trận đấu cho hai khu vực giống nhau
Khu vực thứ nhất thường được biết đến với cái tên Zone 14, khu vực trung lộ ở trước vòng cấm địa. Khu vực thứ hai là Zone 15, khu vực hành lang phải tại 1/3 sân ở phía đối phương.
Khi nhận bóng ở khu vực thứ nhất, kết quả hầu như luôn là một cú sút, một đường chuyền như đã nói ở trên hoặc một nỗ lực đột phá. Khi nhận bóng ở khu vực thứ hai, có hai phương án Messi thường áp dụng. Một là trả bóng lại cho đồng đội, như một thông điệp rằng “Không! Cảm ơn. Tôi cảm thấy thời cơ chưa chín muồi để tiền lên”. Hai là thực hiện kiểu rê bóng cắt vào trong truyền thống, từ phải sang trái.
Ngay cả khi không có bóng, Messi vẫn phá phách hàng thủ đối phương như một “chim mồi”
Chỉ cần sự hiện diện của siêu sao người Argentina thôi cũng đủ gây rối cho hàng thủ đối phương. Bởi lẽ, nếu bạn là hậu vệ đối phương, bạn sẽ biết anh ta là ai và anh ta có thể làm gì. Khi Messi không xuất hiện ở Zone 14, các trung vệ sẽ hoang mang tự hỏi anh ta đang ở đâu. Và khi anh ấy xuất hiện ở Zone 15, cánh trái hàng thủ đối phương luôn rơi vào tình trạng quá tải.
Messi một màu nhưng không ai biết anh sẽ tạo đột biến khi nào
Như thể Messi đang ru đối phương vào cảm giác an toàn. Thực hiện cú đánh đầu dẫn đến quả phạt đền bị bỏ lỡ. Bạn sẽ không mong đợi thấy Messi ở góc xa thách thức một thủ môn cao 6 foot 4 như Szczesny trong không chiến. Hay bàn thắng mở tỷ số của Argentina: pha lên bóng bên cánh phải, quả tạt từ cánh phải và Messi đứng sát đường biên phải. Người ập vào dứt điểm ở trung lộ là Mac Allister. Không một cầu thủ nào của Ba Lan ngờ tới điều đó.
Và có những lúc anh ấy quên mất tuổi tác của mình - và cũng đánh lừa cơ thể mình để quên đi. Hãy nhìn pha phản công khi Messi nhận bóng bên phần sân nhà và lao sang phần sân đối phương, nửa tá cầu thủ Ba Lan vây quanh anh như đàn kiến bâu lấy viên kẹo, Messi lao ra từ đó rồi sút. Bóng bị chặn nhưng nỗi kinh hãi còn nguyên.
Đây chỉ là khái quát về 90 phút của Messi ở tuổi 35 trước Ba Lan. Mặc dù mọi pha xử lý đều thật quen thuộc nhưng rồi sẽ đến lúc, La Pulga đưa ra quyết định khác thường và không ai lường trước sức hủy diệt.
Hãy tận hưởng anh ấy đến phút cuối cùng.