Khoai lang, được gọi là sweet potatoes (tên khoa học: Ipomoea batatas).Trong hệ thống phân loại, khoai lang có “họ hàng” với khoai tây, cả hai cùng có nguồn gốc từ Nam Mỹ.
Khoai lang chứa loại protein độc đáo có khả năng chống oxy hóa (antioxidant) đáng kể.
Nghiên cứu cho thấy các protein có khoảng 1/3 hoạt tính chống oxy hóa của glutathione - một trong những sản phẩm quan trọng của cơ thể có vai trò trong việc tạo các chất chống oxy hóa trong cơ thể.
Mặc dù còn cần nhiều nghiên cứu trong tương lai nhưng những protein này đã giúp giải thích về những đặc tính chữa bệnh của khoai lang.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong khoai lang rất tốt khi điều trị chứng táo bón và phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Khoai lang tốt là thế nhưng dưới đây là một số sai lầm khi ăn khoai mà nhiều người vẫn mắc phải:
Người có hệ tiêu hoá “bất ổn” không nên ăn khoai: Không ít người "bất chấp" bụng mình hoạt động không tốt mà vẫn ăn khoai lang. Những người này chia sẻ, họ thèm khoai lang tới mức không nhịn ăn được.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, những người có hệ tiêu hóa không tốt, thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng không nên ăn nhiều khoai lang vì lúc ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, càng sinh hơi trướng bụng.
Khi gặp tình trạng này, bạn sẽ luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt. Vì thế, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định nạp một lượng khoai lang lớn vào cơ thể.
Thường xuyên ăn khoai lang sống: Không ít người có sở thích ăn khoai lang sống, họ cho rằng, ăn khoai lang sống vừa ngọt, giòn và có cảm giác ngon miệng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra, không nên ăn khoai lang sống. Bởi vì nếu không bị nhiệt phá hủy thì màng tế bào tinh bột của khoai lang sẽ rất khó tiêu hóa trong cơ thể. Đồng thời khi luộc khoai các enzyme trong khoai sẽ bị phân hủy, vì vậy, sau khi ăn sẽ không xuất hiện tình trạng đầy hơi, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn...
Ăn quá nhiều sẽ khó chịu: Dù bạn có thèm khoai lang đến mức nào chăng nữa, cũng chỉ được tự cho phép mình ăn trong giới hạn “dưới ba lạng” khoai lang mà thôi.
Bởi vì, khoai lang dễ khiến đường tiêu hóa sản sinh một lượng lớn carbon dioxide (CO2), khi ăn quá nhiều sẽ bị đầy hơi và ợ hơi. Và tốt nhất đừng ăn quá nhiều khi đói và chỉ ăn mỗi khoai lang không, khi đó, dạ dày sẽ dễ dàng kích thích sự bài tiết axit dạ dày, có thể dẫn đến cảm giác khó chịu ở bụng.
Hồng kỵ khoai lang: Khoai lang và quả hồng không nên ăn cùng với nhau, ít nhất nên cách nhau khoảng 5h trở lên. Nếu ăn cùng, lượng đường trong khoai lang sẽ lên men trong dạ dày, khiến dịch vị dạ dày tiết ra nhiều hơn, phản ứng với chất tannin và pectin trong quả hồng sẽ gây ra sự kết tủa, nghiêm trọng hơn có thể khiến xuất huyết dạ dày hoặc viêm loét dạ dày.
Đã ăn khoai thì giảm ăn món chính: Hãy nhớ, khoai lang chứa một lượng carbohydrates tương đương với cơm, vì vậy, nếu bạn đã ăn khoai thì nên giảm lượng cơm ăn vào trong ngày để không bị quá dư thừa tinh bột.
Khi ăn khoai lang, các chất trong khoai sẽ dễ dàng tạo ra một lượng lớn khí trong đường tiêu hóa, có thể dẫn đến đầy bụng và ợ hơi, vì vậy, nếu bạn vẫn ăn cơm bình thường thì chỉ nên ăn thêm khoảng 100-200g khoai lang. Điều này sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Người bị thận nên ít ăn khoai lang: Trong khoai chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin A…, khi thận yếu chức năng loại bỏ lượng kali dư thừa bị hạn chế, sẽ gây ra những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
Nên ăn khoai lang kết hợp với rau quả: Nếu bạn chỉ ăn mỗi khoai lang riêng biệt thì sẽ không đủ sự đa dạng dinh dưỡng. Hàng ngày khi ăn khoai lang, nên cố gắng kết hợp ăn thêm các loại rau xanh và trái cây, thực phẩm thuộc nhóm chất đạm để đảm bảo một bữa ăn đầy đủ chất.
Ngoài ra, sự kết hợp giữa khoai lang và thực phẩm khác sẽ giúp cho bạn nhận được nhiều hơn những lợi ích sức khỏe kèm theo.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)