Tình hình sức khoẻ hai ca bệnh
Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo khẩn pate Minh Chay chứa độc tố mạnh của vi khuẩn Clostridium Botulinum (CB). Tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện đang tiếp nhận điều trị 2 ca bệnh nặng liên quan đến việc ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum.
Ngày 31/8, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc trung tâm , chống độc bệnh viện Bạch Mai đã thông tin về 2 ca bệnh ngộ độc thực phẩm mà trung tâm đang điều trị. Theo đó, hai bệnh nhân mà bệnh viện tiếp nhận là hai vợ chồng (68 tuổi và 70 tuổi) đều ở Hà Nội. Ngày 18/8, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện Lão khoa Trung ương vào trung tâm chống độc.
Nói về tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Nguyên cho hay: “Biểu hiện bệnh của cả hai bệnh nhân xuất hiện khoảng 18 ngày trước, liệt ngoại biên đối xứng toàn thân kiểu lan xuống, đồng từ giãn (khởi đầu đau họng, khó nuốt, sụp mi, nói khô, yếu tay, yếu chân). Người vợ không tự ngồi được, liệt nhẹ cơ hô hấp, còn người chồng liệt cơ gần hoàn toàn, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân, thở máy, tuy nhiên vẫn tỉnh táo và không có rối loạn cảm giác. Dịch não tủy và hình ảnh cộng hưởng từ sọ não không có gì đặc biệt. Tiên lượng liệt có thể kéo dài nhiều tháng”.
Cung cấp thêm thông tin, bác sĩ Nguyên cho biết: Vào tháng 7/2020, 2 bệnh nhân mua món pate chay (Pate Minh Chay, đóng lọ có nắp) qua website minhchay.com. Lọ thứ nhất bình thường, lọ thứ hai thấy mùi khác thường, ăn vài lần, bữa cuối là khoảng cuối tháng 7 thì xuất hiện các triệu chứng. Ngoài ra, hai bệnh nhân không có thay đổi khác về ăn uống, không thấy yếu tố khác liên quan ngộ độc.
Sau khi tiếp nhận hai ca bệnh vào ngày 18/8, đến ngày 19/8, bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi cục Y tế dự phòng, cục An toàn thực phẩm, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sở Y tế Hà Nội về 2 ca bệnh này để có biện pháp kiểm tra, xử lý.
Tình hình sức khoẻ hiện tại của hai vợ chồng, bác sĩ Nguyên cho hay, sức khoẻ hiện tại của người chồng liệt hoàn toàn, không thể thở được và phải phụ thuộc vào máy thở. Còn người vợ lúc đầu nhập viện bị liệt hầu họng, không thể ngồi dậy, sau khi dùng thuốc giải độc đã ngồi dậy được.
Về việc điều trị, bác sĩ Nguyên nói rằng: “Thuốc điều trị ngộ độc Botulinum được xem là “thuốc mồ côi”, bởi bệnh không xuất hiện nhiều, số lượng thất thường nên không sản xuất phổ biến. Tại Việt Nam, hiện không có loại thuốc điều trị này. Do đó, ngay sau khi xuất hiện 2 ca bệnh nặng, bệnh viện Bạch Mai phải liên hệ với các cơ quan y tế để có thuốc giải độc. Cụ thể, bệnh viện Bạch Mai đã làm việc với bộ Y tế, các trung tâm chống độc tại Thái Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thái Lan, Việt Nam.
Ban đầu, chúng tôi rất băn khoăn vì không biết sẽ lấy thuốc theo nguồn nào, lấy được thuốc về thì ai sẽ chi trả. Thế nhưng, bằng sự phối hợp chặt chẽ, gấp rút giữa các bên. Hơn 10 ngày sau, thuốc từ Thái Lan đã về tới Việt Nam”.
Ngày 29/8, hai lọ thuốc giải độc từ Thái Lan được gửi về Việt Nam qua đường hàng không với điều kiện bảo quản trong nhiệt độ quy định, được sử dụng luôn trong ngày cho 2 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyên cho biết, thuốc giải độc có giá tới 8.000 USD/lọ (tương đương gần 190 triệu đồng). Việc chi trả bệnh nhân được miễn phí do phía WHO đã chi trả. Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm Chống độc cũng bày tỏ lo lắng nếu tiếp tục phát hiện ca bệnh thì không biết nguồn thuốc quý hiếm ở đâu ra.
Khuyến cáo từ bác sĩ
Thông tin thêm với PV, bác sĩ Nguyên nhận định: Đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố CB có sẵn trong thực phẩm, vi khuẩn này kị khí với oxy, không chịu được môi trường bên ngoài, sinh ra chất độc ngoại độc tố. Thường có trong các loại thực phẩm đồ hộp dạng bào tử của vi khuẩn, nếu chế biến không đảm bảo thì vi khuẩn sẽ dính vào can, hộp… Nếu can, hộp đựng không đảm bảo vệ sinh sẽ dẫn đến bào tử của vi khuẩn phát triển ở bên trong.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố botilinum là loại ngộ độc nặng nề, kéo dài, dễ tử vong, có thể gây ngộ độc cho nhiều người nếu nguồn thực phẩm không được kiểm soát.
“Khi bị ngộ độc này, chất độc sẽ tới hệ thần kinh rất mạnh, gây liệt hoàn toàn các hệ thần kinh. Thường sẽ bị liệt tất cả các cơ, liệt ngoại biên kiểu lan xuống. Bệnh nhân vẫn tỉnh, nghe được người ngoài nói, nhưng vẫn bị liệt từ họng như: đau họng, khó nói, khó nuốt, liệt vùng mặt cổ, liệt cả hai bên đối xứng. Chất độc gắn rất chặt vào các dây thần kinh. Về lý thuyết, nếu không được dùng thuốc giải độc sẽ phải chờ tự khỏi rất lâu khoảng vài tháng. Thời gian bệnh nhân phải thở máy là 2 tháng, thời gian bệnh nhân hồi phục là khoảng vài tháng.
Với tình trạng liệt như vậy, bệnh nhân ảnh hưởng đến cơ thở, ảnh hưởng hầu họng, dễ dẫn đến sặc phải ăn qua ống xông, nặng phải thở máy. Thời gian ủ bệnh từ khi ăn đến khi phát hiện bệnh là từ 12-36 tiếng (dao động khoảng 1 tuần sau ăn). Để chẩn đoán được bệnh thì căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố dịch tễ", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Từ những biểu hiện nêu trên, vị bác sĩ khuyến cáo những ai sau ăn pate Minh Chay mà có các biểu hiện như đau họng, mệt mỏi người, sụp mí mắt, không có rối loạn cảm giác, cơ lực yếu… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị. Những ai đã trót ăn thì cần theo dõi sức khoẻ còn ai có sản phẩm pate Minh Chay trong tay nên dừng lại không nên ăn.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, trong sáng 31/8, có 4 bệnh nhân đến trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai để khám, xét nghiệm độc chất do có các biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, khó thở, sụp mí mắt. Tất cả đều có tiền sử sử dụng pate Minh Chay.
"4 bệnh nhân khám, xét nghiệm có biểu hiện nhẹ, có thể không cần nhập viện mà chúng tôi sẽ cho theo dõi ngoại trú", bác sĩ Nguyên nói.
Thanh Lam - Hải Yến