85% nhà báo từng bị cản trở tác nghiệp

85% nhà báo từng bị cản trở tác nghiệp

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Trong số 384 nhà báo được hỏi có tới 327(tỷ lệ hơn 85%)người cho biết từng bị cản trở tác nghiệp trong thực tế. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy phóng viên, nhà báo bị cản trở tác nghiệp nhiều nhất bởi cán bộ, nhân viên trong các cơ quan Nhà nước.

Bạn đọc luôn đòi hỏi thụ hưởng thông tin chính xác, có hàm lượng cao và độ tin cậy cao. Và báo chí luôn mong muốn thỏa mãn thông tin mà xã hội muốn tiếp cận, song thực tế hiện nay những đòi hỏi chính đáng của báo chí, cung cấp thông tin lại trở thành mong muốn, sự nhờ vả, khẩn nài, đôi khi là do quan hệ mang tính cá nhân không theo nguyên tắc mới lấy được thông tin. Đặc biệt là lấy thông tin từ các cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều rào cản.

Nhà báo bị cản trở tác nghiệp như... cơm bữa

Trong số 384 nhà báo được hỏi có tới 327(tỷ lệ hơn 85%) nhà báo cho biết từng bị cản trở tác nghiệp trong thực tế. Đó là kết quả nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển công bố ngày 17/10 vừa qua.

Nhịp sống - 85% nhà báo từng bị cản trở tác nghiệp
Các nhà báo đang tác nghiệp

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy phóng viên, nhà báo bị cản trở tác nghiệp nhiều nhất bởi cán bộ, nhân viên trong các cơ quan Nhà nước. Cụ thể, trong 384 phóng viên và nhà báo được hỏi thì có 289 từng bị cán bộ, nhân viên trong cơ quan Nhà nước cản trở, chiếm tỷ lệ trên 75%.

Cần phải nhìn thẳng vào một sự thật là, bạn đọc luôn đòi hỏi thụ hưởng thông tin chính xác, có hàm lượng cao và độ tin cậy cao. Và báo chí luôn mong muốn thỏa mãn thông tin mà xã hội muốn tiếp cận, song thực tế, qua những vụ việc cụ thể diễn ra trong đời sống xã hội mỗi ngày, điều này không dễ được đáp ứng cao nhất. Bởi trên thực tế hiện nay những đòi hỏi chính đáng của báo chí, cung cấp thông tin lại trở thành mong muốn, sự nhờ vả, khẩn nài, đôi khi là do quan hệ mang tính cá nhân không theo nguyên tắc mới lấy được thông tin. Và không có thông tin chính thống, báo chí sẽ trở nên cô đơn, không phát huy được quyền năng của mình. Đôi khi “quả bóng” người phát ngôn được đá qua, đá lại một cách khá uyển chuyển, linh hoạt gây không ít khó khăn cho báo chí.

Với câu hỏi “Theo bạn, ai bị thiệt thòi khi báo chí bị cản trở tác nghiệp?” 76% trong 1662 người tham gia cho rằng xã hội bị thiệt thòi, chiếm tỷ lệ cao nhất, 16% cho là nhà báo bị thiệt thòi, 5% chọn “cơ quan báo chí bị thiệt thòi” và 3% đánh giá Nhà nước bị thiệt thòi.

Như vậy khi báo chí bị cản trở tác nghiệp thì xã hội (bạn đọc nói chung) là thành phần bị thiệt thòi nhất. Đã đến lúc cần phát huy vai trò phản biện xã hội của các tổ chức truyền thông về vấn đề này. Bởi chỉ có tạo môi trường lành mạnh cho phản biện xã hội, thì xã hội mới phát triển bền vững.

Tại buổi hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội, ông Deepak Mishra, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho biết một trong bốn nguyên nhân bản chất dẫn đến sự bất ổn kinh tế tại Việt Nam hiện nay là do thông tin thiếu tính minh bạch. Ông đánh giá rằng Việt Nam còn thiếu thông tin đáng tin cậy về thống kê cơ bản, tín hiệu thị trường không rõ ràng. Ông cũng đề xuất giải pháp hành động để khắc phục nguyên nhân này là tăng cường thông tin và truyền thông. Cụ thể là minh bạch ngân sách, công bố cơ bản số liệu kinh tế vĩ mô và tài chính, khuyến khích văn hóa minh bạch trong các doanh nghiệp nhà nước, công bố rõ ràng về chính sách kinh tế vĩ mô.

Khi bộ trưởng lên tiếng

Để khuyến khích văn hóa minh bạch thông tin trong các cơ quan Nhà nước, có lẽ cách hiệu quả nhất là xuất phát từ những người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành... Nếu người lãnh đạo thấy được lợi ích lớn mang đến cho xã hội khi thông tin minh bạch và có những qui định quán triệt mạnh mẽ thì dần dần sẽ tạo ra được văn hóa minh bạch trong toàn hệ thống. Ví dụ: gần đây có 2 vị bộ trưởng bằng những quyết sách mạnh mẽ và những quyết sách đó cũng được công bố ra công chúng thông qua báo chí thì đã làm cho dân hiểu và tin hơn vào điều hành vĩ mô. 2 vị bộ trưởng đó là bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ và bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Nhịp sống - 85% nhà báo từng bị cản trở tác nghiệp (Hình 2).
Một số nhà báo đã từng bị hành hung khi tác nghiệp

Hai vị này đã thật sự gây được tiếng vang và đi vào lòng dân nhờ chính sách minh bạch thông tin. Với kinh nghiệm làm tổng kiểm toán Nhà nước, tân bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định chắc chắn tới đây chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ minh bạch hơn. Trong một bài phỏng vấn gần đây, bộ trưởng cho biết “Qua EVN, chúng tôi rút được bài học kinh nghiệm về trách nhiệm của DN trong việc cung cấp số liệu, thông tin. Một khi cơ quan chức năng tăng kiểm tra, giám sát, DN sẽ minh bạch hơn, chính quyền trách nhiệm hơn.”

Ông Vương Đình Huệ cũng không ngại đụng chạm và đã công khai phát biểu tại buổi hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" ngày 20/9/2011: "Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước".

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng là một trong những nhân vật chính của báo chí thời gian gần đây. Thông qua báo chí cả xã hội biết về các quyết sách và hành động của ông từ đó có những phản biện để giúp cho cả bộ ngành đó dần hoàn thiện và cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng vừa ký Chỉ thị số 07/CT-BGTVT ngày 6/10/2011 về đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và chủ động báo cáo, xử lý các vụ việc xảy ra đột xuất trong quản lý, điều hành tại các cơ quan đơn vị ngành GTVT.

Theo đó, bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 trong ngành GTVT có trách nhiệm cử người phát ngôn của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ phát ngôn và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. 3 tháng một lần, các cơ quan đơn vị tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình theo Luật Báo chí và các quy định hiện hành.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu thường xuyên theo dõi thông tin báo chí hàng ngày, kịp thời phát hiện các vấn đề báo chí nêu mà dư luận xã hội quan tâm có liên quan đến lĩnh vực thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động đưa ra các giải pháp khắc phục, đồng thời báo cáo lãnh đạo Bộ.

Hành động minh bạch thông tin của 2 vị bộ trưởng trên thật sự là luồng gió mới mát lành cho toàn xã hội. Nhiều cấp dưới của 2 vị bộ trưởng trên cũng tỏ thái độ hân hoan và tin tưởng vào một tương lai phát triển lành mạnh của bộ ngành mình đang công tác.

Không những chính phủ mà nhân dân cũng cần rèn luyện hơn nữa, đòi hỏi hơn nữa, không hài lòng để nâng xã hội ta lên một cấp độ cao hơn. Đó là trách nhiệm chung mà lãnh đạo phải đi đầu, phải dẫn dắt.

Hy vọng tư tưởng minh bạch thông tin như của 2 vị bộ trưởng trên sẽ được nhân rộng và các cơ quan nhà nước sẽ nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của mình trong việc làm cho xã hội phát triển hơn.

Trần Thủy