Vấn đề “truyền thống” mà mọi phiên bản Windows đều cố gắng cải thiện, đó là thời gian khởi động máy quá lâu. Càng về sau, Windows càng nhiều tính năng, và thời gian này cũng ngày càng dài thêm.
1. Tinh chỉnh trong BIOS
BIOS là chương trình được máy tính khởi chạy đầu tiên sau khi ta bấm nút nguồn. Nhiệm vụ của BIOS là điều khiển các hệ thống phần cứng trên máy và tiến hành tải vào bộ nhớ những chương trình cần thiết như trình điều khiển của một số thành phần đặc biệt, hoặc hệ điều hành. BIOS được ghi trong một con chip hàn chết trên bo mạch chủ của máy.
Để truy cập vào BIOS, thường thì ta sẽ bấm phím Delete ngay khi máy tính khởi động (hoặc phím khác, tùy nhà sản xuất bo mạch chủ, thường thông tin này sẽ hiển thị trên màn hình).
Để tối ưu tinh chỉnh BIOS, tăng tốc cài đặt, ta làm các công việc sau:
- Nếu BIOS có tùy chọn cho phép khởi động nhanh (Quick Boot): chọn nó để tiết kiệm thời gian khởi động.
- Trong thứ tự ưu tiên phần cứng khởi động, cho ổ SSD lên đầu. Lúc này, máy tính khởi động không cần “check” qua các thiết bị như USB, thẻ nhớ hay đầu đĩa CD nữa mà sẽ đọc ngay đĩa cứng, tiết kiệm được thời gian khởi động.
2. Hạn chế phần mềm khởi động cùng Windows
Một trong những việc nên làm nhất để tối ưu hoá thời gian khởi động máy là loại bỏ bớt những ứng dụng khởi động cùng với Windows. Việc chạy các ứng dụng này thường làm chậm máy nên bạn phải mất một thời gian… ngồi chờ để máy ổn định, sau đó mới dùng được. Muốn loại bỏ bớt các ứng dụng không cần thiết, bạn hãy vào Start > Run (hoặc nhấn phím Windows + R) rồi nhập lệnhmsconfig. Trong cửa sổ mở, ra bạn chọn vào thẻ Startup. Danh sách này cho bạn biết chức năng của từng ứng dụng để bạn có thể loại bỏ nếu không dùng nữa. Bạn cũng có thể dùng các phần mềm tối ưu hệ thống để loại bỏ (chẳng hạn như ứng dụng Soluto).
3. Hoãn các dịch vụ của Windows lúc khởi động
Nhiều ý kiến cho rằng việc tắt bớt những dịch vụ (services) khởi động cùng Windows sẽ làm máy tính tăng tốc lên rất nhiều, nhưng thật ra công việc này thường kèm theo nhiều rắc rối. Thay vào đó, bạn hãy chọn cách hoãn chúng, sau đó ta hãy lo đến các dịch vụ này sau. Để truy cập vào danh sách các dịch vụ, vào Start, trong ô tìm kiếm, nhập services.msc và gõ Enter.
Thực ra khó khăn nhất khi thực hiện công việc này đó là chúng ta phải chọn đúng những dịch vụ để hoãn (delay). Bạn chỉ nên hoãn những dịch vụ đến từ các ứng dụng bạn cài đặt thêm, chẳng hạn như dịch vụ của ứng dụng mạng, dịch vụ của máy in,… Không nên hoãn các dịch vụ của Windows vì nó có thể ảnh hưởng đến 1 vài ứng dụng đang chạy trên hệ thống, trừ phi bạn hiểu rõ mình đang làm gì.
Để hoãn dịch vụ nào, bạn phải chuột vào dịch vụ đó và chọn Properties, trong ô Startup Type bạn chọn Automatic (Delayed Start).
Mách nhỏ: một số dịch vụ khá “vô dụng” của Windows mà bạn có thể tắt là Fax (nếu bạn không dùng Fax), Telephony (nếu bạn không có thiết bị quay số như modem hay điện thoại cố định).
4. Thay đổi thời gian hiện Boot Menu/dùng tối đa số nhân CPU vào việc khởi động
Nếu bạn đang sử dụng một chiếc máy có nhiều hệ điều hành, chắc chắn sẽ có một giá trị gọi là "timeout value”. Đây là thời gian đếm lùi cho đến khi tự động chọn hệ điều hành mặc định để khởi động. Trên Windows, thời gian này được mặc định là 30 giây. Đây là một thời gian vô ích, và rất nhiều người có thói quen bật máy rồi đi làm việc khác rồi mới quay lại, do đó cần hạn chế nó. Chúng ta có thể tiết kiệm thời gian bằng cách truy cập vào msconfig (tương tự như hướng dẫn ở mục 9), chuyển sang thẻ BOOT. Trong hộp Timeout, bạn nhập vào một giá trị thấp hơn (5 giây chẳng hạn).
Để tận dụng toàn bộ CPU cho việc khởi động (mặc định Windows chỉ chọn được 1 hoặc 2 nhân xử lý cho mục đích này), vẫn trong thẻ BOOT, ta vào Advanced Option, rồi bấm chọn số nhân của máy mình.
5. Vô hiệu hoá phần cứng không sử dụng
Windows tải rất nhiều driver (các ứng dụng điều khiển phần cứng) trong quá trình khởi động máy, trong số đó có những thứ bạn không cần dùng đến. Bạn hãy truy cập vào ứng dụng Device Manager (mở bằng cách gõ chữ Device Manager trong ô tìm kiếm của Windows) và tìm những thiết bị bạn không dùng (chẳng hạn như Bluetooth, modem kết nối Dial-up, adapter Wifi,… Nhấn phải chuột vào tên của thiết bị, sau đó chọn Disable. Hãy nhớ rằng chỉ nên làm như trên với các thiết bị bạn không cần dùng hoặc ít khi nào dùng đến. Nếu bạn có dùng Wireless Hosted Networks, hãy giữ lại driver của adapter Wifi. Ngoài ra, giữ cho driver của các thiết bị được cập nhật phiên bản mới nhất cũng làm giảm đi thời gian khởi động máy.
6. Giữ an toàn cho máy trước phần mềm mã độc
Những phần mềm độc hại như virus, malware có thể làm chậm tốc độ khởi động bằng cách tự ghi mình vào vùng Startup của Windows hay tạo ra những phần mềm khác buộc máy phải tải rất nhiều khi chúng ta khởi động Windows. Vì thế, hãy giữ cho máy tính của bạn được "sạch sẽ", luôn cập nhật chương trình chống virus, thực hiện quét định kì, quét kĩ các thiết bị nhớ gắn ngoài khi kết nối với máy tính.
Có một điều mâu thuẫn là việc cài các ứng dụng diệt virus hay mã độc có thể càng làm thời gian khởi động kéo dài hơn. Dùng hay không là tùy bạn, tuy nhiên 1 chút thời gian khởi động máy có lẽ không đáng bằng dữ liệu của chúng ta, rất có khả năng bị mất khi nhiễm virus.
7. Ẩn/xoá các font chữ không dùng đến
Windows luôn luôn tải font chữ khi khởi động, và điều này đã kéo dài thêm thời gian khởi động máy của bạn. Windows 7 tải 200 font khi mở lên, và số lượng này còn tăng khi chúng ta dùng Microsoft Office (người Việt ta còn thêm rất nhiều font VNI nữa). Tuy nhiên, thực ra, ta chỉ dùng rất ít font trong số đó, vì vậy bạn có thể tạm thời ẩn chúng đi để tăng tốc quá trình boot máy. Trong Windows 7, bạn mở thư mục Font của máy (Control Panel > Fonts), sau đó bỏ những font chữ bạn ít dùng hoặc không dùng đi. Sau đó nhấn nút Hide trên thanh công cụ. Bằng cách này, bạn có thể mở lại những font chữ đã ẩn khi cần đến mà lại cải thiện được tốc độ boot máy. Quá đơn giản phải không nào. Càng bỏ đi nhiều font, bạn sẽ càng thấy rõ tác dụng!
8. Nâng cấp RAM
Nâng cấp RAM luôn luôn là một cách hữu hiệu để tăng tốc việc sử dụng máy tính nói chung và khởi động máy nói riêng. Hiện nay, giá cả của RAM đã rẻ đi rất nhiều, do đó nếu bạn cảm thấy máy tính quá ì ạch, đừng ngần ngại nâng thêm dung lượng RAM. Khi mua RAM, cần chú ý đến loại RAM (DDR2, DDR3), tốc độ của RAM, và đặc biệt là chắc chắn về số khe cắm RAM trên máy tính của mình. Cũng xin đừng chọn nhầm RAM máy để bàn rồi gắn vào máy tính xách tay, hoặc ngược lại.
9. Sử dụng ổ SSD
Cách này có lẽ là phương pháp hiệu quả nhất trong những cách làm tăng tốc độ khởi động máy. Ổ SSD dùng chip nhớ để chứa dữ liệu chứ không phải là những đĩa từ, do đó tốc độ đọc nhanh hơn rất nhiều so với ổ cứng thông thường. Điều đó có lợi nhất trong quá trình khởi động, khi mà quá trình này đơn giản là việc đọc và tải toàn bộ dữ liệu của hệ điều hành lên RAM, tức là đúng thế mạnh của SSD.
Bạn cũng có thể dùng kết hợp ổ SSD dung lượng nhỏ (chỉ cài hệ điều hành và phần mềm) với ổ cứng dung lượng to (chứa dữ liệu), như vậy sẽ kinh tế hơn rất nhiều. Chắc chắn để mua được một ổ SSD tốt thì cái giá bỏ ra không phải là rẻ, tuy nhiên bạn sẽ cảm thấy rất sung sướng khi máy có thể boot rất nhanh, "hạnh phúc" hơn khi dùng ổ cứng rất nhiều. Thời gian khởi động sẽ thay đổi rõ rệt khi bạn dùng SSD, cho dù là một chiếc rẻ tiền với dung lượng chỉ 32 hoặc 64GB chẳng hạn (tất nhiên với dung lượng càng cao và giá càng đắt, tốc độ sẽ càng đáng kể hơn).
Thu Hằng