Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu đạt hơn 6.384 tỷ đồng, lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt hơn 44,5 tỷ đồng.
Về kết quả tài chính hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu quý 3/2021 đạt 2.654 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng là 10.210 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2021, Vietjet có tổng tài sản hơn 50.949 tỷ đồng; chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 0,8 lần và chỉ số thanh khoản 1,06 lần, nằm ở mức an toàn và chỉ số thuộc nhóm tốt trong ngành hàng không thế giới.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietjet đã thực hiện gần 37.000 chuyến bay, vận chuyển gần 6,4 triệu lượt hành khách; đảm bảo bay an toàn chất lượng cùng tỉ lệ đúng giờ đạt 99,7%. Tất cả các chuyến bay đều tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Hãng cũng thực hiện nhiều chuyến bay đưa hàng chục nghìn cán bộ y tế, quân đội, công an, vận chuyển hàng triệu liều vaccine, trang thiết bị y tế tăng cường cho các địa phương chống dịch.
Vietjet cũng ghi nhận 1 năm hoạt động thành công của Trung tâm Khai thác Dịch vụ Mặt đất – VJGS. VJGS đã phục vụ 25.217 chuyến bay với gần 4,5 triệu lượt khách, vận chuyển 64.031 tấn hàng hóa các loại, doanh thu các dịch vụ ancillary đạt 112,43% kế hoạch… VJGS đã khẳng định được năng lực trong các hoạt động khai thác mặt đất và sẽ là bước tiến đáng kể trong hành trình hoàn thiện chuỗi dịch vụ hàng không của Vietjet, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí.
Trong quý 3/2021, Vietjet chuyển đổi mạnh mẽ công tác áp dụng công nghệ, số hóa; cải tiến và nâng cấp các quy trình khai thác, vận hành hệ thống; tăng cường công tác quản lý chi phí, tiết kiệm nhiên liệu.
Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đã tăng cường hoạt động đào tạo huấn luyện online, e-learning tiết kiệm chi phí và đảm bảo phòng chống dịch; tổ chức hàng trăm khóa huấn luyện cho hơn 5700 học viên bao gồm các khóa huấn luyện cho phi công, tiếp viên hàng không, điều phái bay, kỹ thuật, khai thác mặt đất…
Vietjet cũng đã đạt được thoả thuận với đối tác chiến lược là Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus về thực hiện hợp đồng 119 tàu bay đã đặt hàng, cho đến hết năm 2028; hợp tác phát triển đội tàu bay thân rộng cùng nhiều hỗ trợ khác sau đại dịch về bảo trì và huấn luyện, đào tạo, nâng cao tay nghề phi công.
Hiện tại, hãng đã khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối Tp.HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáp ứng nhu cầu di chuyển an toàn, nhanh chóng của người dân. Hãng cũng đã sẵn sàng cho việc khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, từ giữa năm 2022, Vietjet sẽ mở 3 đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, Tp.HCM và Nha Trang với thủ đô Moskva của Nga, khai thác bằng máy bay A330-300 hiện đại của hãng Airbus. Đây là bước mở đầu trong chiến dịch chinh phục thị trường châu Âu của Vietjet nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kết nối Việt Nam với các nước, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thu Hà