Quân nhân Trung Quốc trong lễ thượng cờ. Ảnh: AFP
AI cực kỳ quan trọng với quân đội Trung Quốc
Theo Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc coi AI giữ vai trò trung tâm trong việc nâng cao sức mạnh quân sự của nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là "về cơ bản hoàn thành" quá trình hiện đại hóa vào năm 2035 và chuyển đổi thành một quân đội "đẳng cấp thế giới" vào năm 2050.
Tháng 3/2023, ông Tập kêu gọi PLA "nâng cao sự hiện diện của lực lượng chiến đấu trong các lĩnh vực mới và có những phẩm chất mới". Như một phần của mục tiêu này, ông Tập muốn PLA tiếp tục chuyển qua các giai đoạn phát triển công nghệ quân sự, từ cơ giới hóa đến thông tin hóa và cuối cùng là thông minh hóa.
Cơ giới hóa là đề cập đến việc trang bị các nền tảng và thiết bị hiện đại. Thông tin hóa là nhắc đến việc liên kết các nền tảng và thiết bị đó với các mạng lưới như GPS. Thông minh hóa đề cập đến việc tích hợp AI, máy tính lượng tử, dữ liệu lớn, là các công nghệ mới nổi thành một lực lượng chung. Bắc Kinh đặt mục tiêu là đạt được tiến bộ trên cả 3 giai đoạn thay vì theo tuần tự.
Theo Japan Times, ngoài tham vọng trở thành cường quốc AI hàng đầu thế giới vào năm 2030, Bắc Kinh còn chuyển sang chiến lược hợp nhất quân - dân sự để đạt mục tiêu đó. Chiến lược này cho phép Trung Quốc tăng tốc đổi mới quốc phòng bằng cách loại bỏ rào cản giữa các lĩnh vực thương mại và nghiên cứu dân sự của Trung Quốc với các lĩnh vực quân sự và công nghiệp quốc phòng.
Theo Japan Times, kết quả của chiến lược trên rất ấn tượng. Một báo cáo chỉ số AI của Đại học Stanford (Mỹ) năm 2023 cho thấy, Trung Quốc đã đào tạo ra nhiều nhà khoa học AI nhất thế giới. Nước này cũng có 9 trong số 10 tổ chức hàng đầu chuyên xuất bản các bài viết liên quan đến AI.
Ngoài ra, các tập đoàn như Tencent Holdings, Alibaba Group Holdings và Huawei Technologies được cho là nằm trong số 10 tập đoàn hàng đầu nghiên cứu về AI.
Nỗ lực giành ưu thế về công nghệ của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở AI. Viện chính sách chiến lược Úc năm 2023 cho biết, Trung Quốc đã đánh bại các nước phương Tây về số lượng nghiên cứu ở 37 trên tổng số 44 lĩnh vực công nghệ được coi là quan trọng với tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự.
Điều này khiến các nhà phân tích như Amy J. Nelson - chuyên gia về các công nghệ mới nổi ở Viện Brookings (Mỹ), đưa ra bình luận: "Mỹ và Trung Quốc đã ngang bằng nhau trong việc đổi mới công nghệ. Điều quan trọng là các công nghệ này được vận hành như thế nào".
AI được ứng dụng như thế nào trong quân đội Trung Quốc?
Nhờ AI, Trung Quốc dần thu hẹp ưu thế vượt trội về công nghệ quân sự của Mỹ. Ảnh: Reuters
Theo tổ chức phi lợi nhuận CNAS, Trung Quốc có tầm nhìn bao quát về tiềm năng của AI trong quân sự và đang nghiên cứu, phát triển cũng như thử nghiệm AI trong lĩnh vực này. Nhưng cho đến nay, thông tin về việc PLA triển khai các hệ thống AI quân sự cụ thể vẫn còn rất thưa thớt.
Nhìn chung, vai trò quan trọng của AI trong chương trình hiện đại hóa quân sự tổng thể của Trung Quốc vẫn được tập trung phát triển. Theo CNAS, có 2 lĩnh vực mà PLA đặc biệt chú trọng là: Ứng dụng AI trong hệ thống vũ khí của PLA và ứng dụng AI trong các chức năng và hỗ trợ trên chiến trường của PLA.
AI trong hệ thống vũ khí của PLA
Việc đánh giá sự tiến bộ của Trung Quốc trong phát triển và trang bị các phương tiện không người lái trên không, mặt đất, trên biển là rất khó.
Trung Quốc có một ngành công nghiệp UAV phức tạp, đồng thời là nước xuất khẩu UAV quân sự lớn nhất thế giới. Nhưng thực tế, UAV dù có thể hoạt động không cần người lái nhưng mức độ "tự chủ" của nó chưa được thể hiện rõ.
Các hệ thống không người lái có mức độ tự chủ khác nhau, từ không tự chủ khi được điều khiển từ xa hoàn toàn đến các hệ thống hoàn toàn tự động có thể tự điều hướng, tự chọn mục tiêu và thậm chí là tự khai hỏa.
Khi tích hợp AI vào các hệ thống không người lái, mức độ tự chủ của hệ thống đó sẽ cao hơn rất nhiều và phụ thuộc vào chất lượng của AI.
Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2023 của Bộ Quốc phòng Mỹ, PLA "đang phát triển khả năng tự chủ lớn hơn cho các phương tiện không người lái trên không và trên biển, cho phép phối hợp giữa các phương tiện không người lái và có người lái, tấn công theo đội hình, hỗ trợ hậu cần cùng nhiều khả năng khác.
Các công ty UAV thương mại của Trung Quốc đã thể hiện khả năng mang tầm đẳng cấp thế giới khi vận hành số lượng lớn UAV bằng AI. Đây được đánh giá có thể là khả năng then chốt khi ứng dụng trong quân sự.
Hỗ trợ PLA trên chiến trường
PLA có thể sẽ bắt đầu sử dụng AI cho các hệ thống hậu cần và bảo trì tương đối sớm. Ngoài ra, PLA có thể đã sử dụng các dạng AI cơ bản cho một số loại nhiệm vụ ISR (tình báo, giám sát và trinh sát). AI được cho là sẽ đặc biệt hữu ích trong việc xử lý lượng thông tin khổng lồ từ nhiều loại cảm biến khác nhau.
Tiếp theo, Trung Quốc sẽ theo đuổi việc phát triển các hệ thống AI sử dụng cho các mục đích chỉ huy, kiểm soát và liên lạc (C3) cũng như đưa ra quyết định. Quá trình này có thể trải qua 3 cấp độ phức tạp.
Ở cấp độ thứ nhất, sử dụng AI để đối phó với C3, nghĩa là cải thiện năng lực mạng của Trung Quốc với mục tiêu phá vỡ C3 của đối phương.
Cấp độ thứ hai là cấp độ chiến thuật và hoạt động của C3 trong các hệ thống vũ khí của PLA. Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng AI để điều khiển các hệ thống không người lái riêng lẻ hoặc phối hợp theo nhóm. Cải thiện việc nhắm mục tiêu và phân bổ pháo, đạn dược có thể là một công dụng khác của AI. Một bài viết vào tháng 4/2023 cho thấy, PLA đang thử nghiệm một hệ thống AI hỗ trợ nhắm mục tiêu cho pháo binh. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể sử dụng AI để giúp phát triển kế hoạch ở cấp độ chiến thuật và tác chiến với mục tiêu loại bỏ "sương mù chiến tranh" (đề cập trong bài kỳ 1) và giành lợi thế về việc ra quyết định.
Cấp độ thứ ba của AI cho mục đích C3 là dành cho các quyết định ở cấp độ chiến lược hoặc chính trị. Trong ngắn hạn và trung hạn, Trung Quốc được cho là có thể ngần ngại triển khai hệ thống AI cho các quyết định kiểu này, vì công nghệ còn sơ khai. Ngoài ra, giới lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh vào việc kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các quyết định mang tính chính trị và chiến lược như quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Trở ngại lớn từ Mỹ
Chất bán dẫn được cho là "gót chân Achilles" của nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: IABD
Theo Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ), thông báo ngày 7/10/2022 của chính quyền ông Biden về các quy định liên quan đến chất bán dẫn sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển AI của Trung Quốc.
Các quy định sẽ cản trở việc mua chip cao cấp dùng cho AI và siêu máy tính của Trung Quốc. Chất bán dẫn được cho là "gót chân Achilles" của nền kinh tế Trung Quốc, khi các nhà máy phải nhập khẩu 85% số vi mạch cần thiết để sản xuất các sản phẩm điện tử. Do trọng tâm xây dựng quân sự của Trung Quốc là AI, nên quy định về chất bán dẫn của Mỹ sẽ có hiệu quả lớn.
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn rất phức tạp và thay đổi theo thời gian. Mỹ cũng không có quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng đó. Tuy nhiên, Washington có các liên minh và mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với hầu hết các công ty lớn sản xuất chất bán dẫn trên thế giới. Viện nghiên cứu Hudson cho rằng sẽ cực kỳ khó để Trung Quốc có thể sao chép công nghệ của các quốc gia sản xuất chất bán dẫn trên thế giới trong thời gian ngắn. Nếu Bắc Kinh khó có đủ chất bán dẫn, quá trình "AI hóa" của PLA sẽ khó thành công và mục tiêu xây dựng quân đội "đẳng cấp thế giới" cũng bị ảnh hưởng.
-----------------------
AI được coi là công cụ thần kỳ của tương lai, nhưng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm họa khủng khiếp cho loài người. Bài kỳ tới đăng 10h sáng 26/5 sẽ lý giải vì sao quân đội Mỹ tỏ ra rất thận trọng trong việc phát triển loại công nghệ này.
Nguyễn Thái - (t/h)