Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Năm nay, ông Tập Cận Bình đã soán ngôi đầu bảng của Tổng thống Nga Putin suốt 4 năm liên tục. Theo đánh giá của Forbes, việc sửa đổi Hiến pháp hồi tháng ba về xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước đã giúp ông Tập Cận Bình mở rộng quyền hạn và ảnh hưởng, trở thành người nắm quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã đạt được tiến bộ to lớn trong nhiều lĩnh vực dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình. Kể từ khi cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những cải cách sâu sắc. Ông cải tổ quân đội bằng cách thay đổi nhân sự, tổ chức lại quân đội Trung Quốc theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại.
Ông Tập Cận Bình cũng đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi", trừng phạt hàng triệu quan tham ở tất cả các cấp. Ông cũng phá vỡ một số quy tắc ngầm và đưa ra những đường lối chỉ đạo mới.
Trong năm qua ông Tập đã quyết định giảm thiểu kế hoạch thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao và xem xét lại sáng kiến thương mại hạ tầng nổi tiếng của mình, Vành đai - Con đường.
Ông đã khá thành công khi thu vén quyền lực và giữ mức tăng trưởng chậm của nền kinh tế trong tầm kiểm soát. Những "cử chỉ" của ông trong lĩnh vực thương mại vừa đủ để giúp ông có được 90 ngày đình chiến thuế quan với ông Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Argentina hồi đầu tháng 12.
"Mặc dù gặp phải những trở ngại rõ rệt về kinh tế, bao gồm cả việc bùng phát chiến tranh thương mại với Mỹ, ông Tập và đội ngũ kinh tế của mình đã tìm cách tránh được một cơn suy thoái kinh tế hoặc sụp đổ lòng tin ở các nhà đầu tư", Jude Blanchette, chuyên gia nghiên cứu chính sách Trung Quốc của trung tâm tư vấn Crumpton Group đánh giá.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trên trường quốc tế, từ đưa ra các giải pháp, thúc đẩy toàn cầu hóa tới việc sử dụng quyền lực mềm.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin tụt xuống vị trí thứ 2 sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu, khoảng thời gian dài nhất một người từng nắm ngôi "quyền lực nhất thế giới" của Forbes. Ông Putin lãnh đạo nước Nga từ tháng 5/2000 và vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 với gần 77% số phiếu bầu, tỷ lệ thắng lớn nhất của một ứng viên Tổng thống kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã.
Dưới thời ông Putin, kinh tế nước Nga được phục hồi, quân đội được đổi mới và hiện đại hóa. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của Nga cũng như đảm bảo an ninh, ổn định trên thế giới. Trong năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của "Xứ Bạch dương" đã tăng 1,7%, dự trữ vàng cùng dự trữ ngoại tệ tăng, và lần đầu tiên kể từ năm 2011 Nga đã đạt được thặng dư ngân sách. Mức lương cũng như thu nhập thực tế của người dân Nga trong năm 2018 tăng so với năm ngoái.
Không chỉ đưa nền kinh tế “thoát hiểm”, nước Nga dưới sự chèo lái của ông Putin đã lấy lại vị thế và giành lại được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, đặc biệt sau khi với sự giúp đỡ của Nga, Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad đánh bại lực lượng khủng bố và giành lại quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước.
Trong cuộc họp báo kết thúc năm 2018, tổng thống Nga khẳng định, giờ đây vai trò của Nga trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế nóng bỏng như chống khủng bố, chương trình hạt nhân Iran, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tấn công mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân… là không thể không nhắc đến.
Dù cho phải chung sống với các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà nhà lãnh đạo Nga cho là “phi lý và nhằm mục đích kiềm chế nước Nga” nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của ông Putin, nền kinh tế xứ Bạch dương đã thích ứng và tăng trưởng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Sau năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải xuống vị trí thứ 3 khi không đạt nhiều thành công trong chương trình nghị sự. Thậm chí, ông còn đang bị cơ quan pháp luật điều tra và dính vào nhiều vụ bê bối từ cuộc sống cá nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức năm ngoái, ông Trump cũng đã để lại dấu ấn mạnh với hàng loạt các biện pháp hành pháp và lập pháp. Cụ thể, tổng kết sau 100 ngày ông nhậm chức cho thấy, chính phủ của Tổng thống Trump đã tạo ra khoảng hơn 500.000 việc làm, giảm 61% số các vụ vượt biên trái phép. Cùng với đó, vị tổng thống mới đã ký 30 văn bản hành pháp và bổ sung thêm 28 luật vào hệ thống luật hiện hành, con số được đánh giá là chưa từng có kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt.
Dưới thời ông Trump cầm quyền, Mỹ đã thực hiện hàng chục cuộc không kích al-Qaeda tại Yemen. Đích thân ông Trump đã ra lệnh cho tàu chiến Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria sau khi có cáo buộc cho rằng phía Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường.
Năm 2018, việc điều chỉnh chính sách của ông Trump bước vào giai đoạn cao trào. Từ năm ngoái đến năm nay, Mỹ đã rút khỏi rất nhiều các hiệp định như rút khỏi hiệp định TPP, hiệp định NAFTA, rút khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu, rút khỏi Hiệp ước Tên lửa hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF)… Chính sách này của ông gây tranh cãi lớn và tạo nên những đổi thay trong chính trường quốc tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Người đứng ở vị trí thứ 4 trên thế giới là người phụ nữ quyền lực: Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà làm nên lịch sử khi đắc cử chức vụ này lần 4 trong cuộc bầu cử khó khăn năm ngoái.
Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là nhân vật ở đầu danh sách khi nói về những nhà lãnh đạo chính trị có sức ảnh hưởng nhất ở châu Âu. Rất nhiều quan chức EU khẳng định, chẳng có gì phải nghi ngờ về sự ổn định của chính phủ Đức. Nước Đức có một chính phủ ổn định và một Thủ tướng “có khả năng hành động”.
Không có nhà lãnh đạo nào thống trị các vấn đề châu Âu như bà trong suốt 13 năm qua. Những người khác có thể đã xây dựng châu Âu, nhưng chính bà Merkel mới là người đảm nhận nhiệm vụ khó: duy trì khối cùng nhau.
Bà Merkel đã trở nên nổi bật trên chính trường Châu Âu kể từ năm 2005, giúp dẫn dắt EU đi qua cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro và mở cửa nước Đức cho những người di cư chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông năm 2015 - một động thái vẫn gây chia rẽ trong khối EU và ở Đức.
Việc cuối tháng 10 bà tuyên bố sẽ không tái tranh cử làm Chủ tịch đảng dân chủ Thiên chúa giáo và nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà được xem là một bất ngờ cho các giới chức đảng CDU, những người vẫn mong đợi bà Merkel sẽ tìm cách tái tranh cử làm chủ tịch tại đại hội đảng ở Hamburg vào đầu tháng 12.
Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos
Hồi tháng 10, ông Jeff Bezos vượt qua tỷ phú Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới. Ông trở thành người giàu nhất trong lịch sử hiện đại nhờ sự phát triển vũ bão của đế chế thương mại điện tử Amazon.
Giá trị tài sản ròng của ông tới 160 tỷ USD. Khối tài sản khổng lồ của tỷ phú Bezos đã tăng thêm 75,5 tỷ USD so với chỉ một năm trước đây.
Sự thay đổi ngôi vị này không gây ra nhiều ngạc nhiên. Vào tháng 7/2017, ông Bezos đã trở thành người giàu nhất thế giới trong một khoảnh khắc khi giá trị tài sản ròng của ông đạt 90 tỷ USD. Điều này lại xảy ra vào tháng 10/2017 khi giá trị tài sản ròng của ông đạt 93,8 tỷ USD. Sau đó, vào tháng 7 năm nay, Bloomberg cho hay rằng, tỷ phú Bezos đã vượt qua Gates trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, với giá trị tài sản ròng lên tới 150 tỷ USD.
Ngoài việc đứng đầu Amazon, Jeff Bezos còn theo đuổi một dự án đầy tham vọng khác là Blue Origin, một công ty vũ trụ được thành lập từ năm 2000 và mỗi năm được ông đầu tư hàng tỉ USD. Blue Origin hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ thực hiện các chuyến bay vào không gian với giá cả phải chăng. Năm 2015, công ty đã phóng thử nghiệm thành công tàu không gian New Shepard với tên lửa đẩy có thể tái sử dụng.
Dự định trước mắt của Jeff Bezos với Blue Origin là đưa người lên Mặt Trăng trong vòng 5 năm tới, đưa Amazon trở thành một tên tuổi tầm cỡ vũ trụ.