“Di chúc và ước nguyện cuối cùng”
Theo Murderpedia, 15h15 ngày 31/5/1985, khi bạn bè cùng lớp đã trở về nhà sau chuyến dã ngoại cuối cấp thì Sharon Faye Smith, 17 tuổi bị bắt cóc ngay khi đang lái xe đến gần cửa nhà tại Lexington, Nam Carolina. Nhìn thấy xe nhưng không thấy con gái vào nhà, cha cô gái, ông Smith ra tìm và rất bất ngờ khi không thấy con gái đâu trong khi xe vẫn nổ máy, điện thoại và ví của con vẫn ở ghế xe. Một cuộc săn lùng quy mô lớn được FBI và các lực lượng chức năng địa phương bắt đầu.
Khi cuộc săn lùng đang được ráo riết triển khai, kẻ tự nhận là thủ phạm bắt cóc cô gái liên tục gọi điện quấy rối ông Smith. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên, kẻ bắt cóc nói với gia đình của Sharon rằng sẽ nhận được 1 lá thư từ con gái vào ngày hôm sau mà không kèm điều kiện tiền chuộc nào.
Bức thư được viết trên 2 tờ giấy màu vàng sau đó được gửi tới gia đình với tiêu đề "Di chúc và ước nguyện cuối cùng". Những dòng chữ do chính Sharon viết mang nội dung thể hiện tình cảm của cô với gia đình, bạn bè và mong muốn mọi người không quá đau buồn vì sự ra đi vĩnh viễn của mình đã khiến gia đình cô gái bàng hoàng. Hy vọng về việc con gái còn sống dù vậy vẫn được thắp lên.
Tuy nhiên, ngày 5/6/1985, kẻ gọi điện thoại, sau này được xác định là Bell, đã hướng dẫn cho gia đình tìm đến 1 ngôi nhà và ở đây cảnh sát cùng gia đình đã choáng váng khi thấy xác của Sharon đã phân hủy, trên người mặc bộ quần áo hôm cô gái đi liên hoan với bạn. Thật không may, bác sĩ pháp y không thể xác định nguyên nhân khiến cô gái thiệt mạng dựa trên thi thể đang phân hủy. Điều duy nhất mà các nhà nghiên cứu bệnh học biết được là cô gái tử vong vì ngạt thở.
Cảnh sát tin rằng việc kẻ sát nhân này đợi đến khi xác nạn nhân phân hủy mới báo cho gia đình là bởi muốn xóa tan các bằng chứng, gây khó cho quá trình điều tra vụ án. Cảnh sát biết rằng họ đang phải đối phó với tên sát nhân xảo quyệt.
Cảnh sát cũng gặp khó khăn ngay cả khi đã lần ra được địa điểm của kẻ phạm tội. Hắn ta đã sử dụng một buồng điện thoại công cộng ở trung tâm Lexington để gọi đến cho gia đình Smith. Tuy nhiên, để lần theo và đến được địa điểm gọi điện, cảnh sát phải mất ít nhất 15 phút nên khi họ đến nơi, kẻ bắt cóc đã rời khỏi đó. Tất cả các cuộc gọi đều được hắn lên kịch bản kỹ lưỡng.
Phá án từ 1 manh mối nhỏ
Khi gia đình Sharon đang đau xót vì mất con thì Bell vẫn tiếp tục gọi điện thoại gây rối gia đình nạn nhân suốt 3 tuần sau đó. Trong những cuộc gọi sau này, Bell thậm chí còn miêu tả một cách tàn nhẫn cách hắn ta bắt cóc Sharon, cách cưỡng hiếp và sàm sỡ cho đến lúc cô gái ngạt thở. Hắn cũng trơ tráo bàn luận sôi nổi với em gái Sharon về việc sắp xếp tang lễ của nạn nhân. Dù đau khổ, nhưng gia đình Sharon vẫn cố gắng nghe mọi cuộc điện thoại với mong muốn sẽ giúp ích cho các nhà điều tra. Và quả thực, trong cuộc gọi ngày 14/6/1985, kẻ sát nhân đã vô tình nhắc đến 1 cái tên khác là Debra May Helmick. Từ cuộc gọi này, cảnh sát nhanh chóng tìm ra thi thể của Debra May Helmick, bé gái 10 tuổi bị kẻ máu lạnh này bắt cóc và sát hại đúng 2 tuần sau khi bắt cóc Sharon.
Tuy vậy, dù nắm trong tay tội trạng của kẻ máu lạnh nhưng cảnh sát vẫn không sao tìm ra manh mối của hắn. Và lúc này không còn cách nào khác, mọi hướng điều tra đều tập trung vào bằng chứng duy nhất mà cảnh sát có được đó là bức thư viết tay của Sharon trước khi chết. Tờ giấy viết thư của Sharon được lấy từ một tập giấy nhớ và có một số điện thoại bị in đè từ tờ giấy trước, tuy nhiên số điện thoại này bị thiếu số. Vậy vết hằn của tờ giấy trước hẳn phải chứa những thông tin hữu ích, suy nghĩ này đã khiến ông Mickey Dawn (người đảm nhận điều tra vụ án) thay đổi hoàn toàn hướng điều tra.
Hướng truy tìm đã có, lúc này nhiệm vụ còn lại của các nhà điều tra chỉ còn là việc tìm những manh mối của tập giấy nhớ. Bằng cách tăng thêm một chữ số bất kỳ vào số điện thoại còn thiếu in hằn từ tờ giấy trước và gọi thử, cuối cùng cảnh sát cũng đã tìm được bằng chứng liên quan đến vụ sát hại ở chính ngôi nhà của bố mẹ hung thủ và ngôi nhà Bell ở.
Điều gì đến cũng phải đến, các nhà chức trách đã bắt giữ Bell vào ngày 27/6/1985. Và tháng 2/1986, Larry Gene Bell, gã thợ điện đã ly hôn vợ, bị kết tội giết người và bắt cóc Sharon Fay Smith và Debra May Helmick.
Trong suốt 6 giờ tại phiên tòa xét xử tội trạng của mình, Bell liên tục đưa ra những bình luận kỳ quái. Hắn không chịu trả lời trực tiếp câu hỏi mà miệng luyên thuyên những điều không ai hiểu. Và cuối cùng, sau nhiều phiên tòa, kẻ sát nhân máu lạnh nhận hình thức tử hình bằng cách ngồi ghế điện.