Ảnh minh hoạt một đợt phóng tên lửa.
Ấn Độ ngày 14/10 đã phóng thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này sản xuất, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, theo SCMP.
Cuộc thử nghiệm giúp nâng cao năng lực “răn đe hạt nhân”. Ấn Độ chính thức trở thành 1 trong 6 quốc gia sở hữu năng lực tấn công hạt nhân và đáp trả hạt nhân từ trên không, trên biển và trên đất liền. 5 quốc gia khác đã làm chủ năng lực này gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga. Đây cũng là 5 quốc gia thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) phản ánh bước tiến trong tham vọng tự lực sản xuất vũ khí của Ấn Độ. Quốc gia châu Á hiện là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, phụ thuộc vào các khí tài quân sự Nga.
Cuộc thử nghiệm “có ý nghĩa quan trọng, chứng minh năng lực của thủy thủ đoàn tàu ngầm, xác nhận rằng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là thành phần quan trọng trong năng lực răn đe hạt nhân của Ấn Độ”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.
INS Arihant là mẫu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo do Ấn Độ tự nghiên cứu và sản xuất.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định tên lửa phóng từ tàu ngầm INS Arihant ở vịnh Bengal, đã vận hành ổn định theo đúng thông số đề ra.
Tháng 11/2019, Ấn Độ đề ra học thuyết quân sự với bộ ba hạt nhân, gồm năng lực tấn công hạt nhân từ trên không, trên biển và trên đất liền. Với vụ phóng thành công ngày 14/10, tàu ngầm INS Arihant đã có thể làm nhiệm vụ răn đe hạt nhân, ra khơi với các tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm INS Arihant dài 111 mét, có lượng giãn nước 6.000 tấn và ước tính có giá khoảng 2,9 tỉ USD. Ấn Độ hiện đang sở hữu hai tàu lớp Arihant, với chiếc còn lại đang trải qua quá trình thử nghiệm trên biển.
Tàu được trang bị 12 quả tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân K-15 nặng 7 tấn, tầm bắn 750km hoặc 4 tên lửa đạn đạo tầm trung K-15, nặng 17 tấn, tầm bắn 3.500km.
Trong tương lai, Ấn Độ sẽ sản xuất các tàu ngầm lớp Arihant với khả năng mang theo nhiều tên lửa hơn, gồm 24 tên lửa K-15 hoặc 8 quả tên lửa K-4.
Đăng Nguyễn - SCMP