Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.
Ấn Độ sẽ giữ vai trò chủ tịch G20 - nhóm các nền kinh tế lớn, vào tháng 12 tới. Ông Jaishankar nói cách tiếp cận của Ấn Độ sẽ “dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau cam kết hướng tới sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người”.
Các vấn đề ưu tiên của Ấn Độ bao gồm vấn đề nợ ngày càng tăng ở các nền kinh tế yếu, mở rộng phát triển kinh tế, an ninh lương thực và an ninh năng lượng, môi trường, “cải cách quản trị của các tổ chức tài chính đa phương”.
Trong khi Ấn Độ bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột ở Ukraine, quốc gia Nam Á vẫn duy trì lập trường trung lập, tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nga và không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo SCMP.
"Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp tục leo thang, chúng tôi thường nhận được câu hỏi rằng chúng tôi đứng ở phe nào. Câu trả lời của chúng tôi mỗi lần đều thẳng thắn và trung thực", ông Jaishankar nói. "Ấn Độ đứng về phía hòa bình và sẽ kiên định ở đó".
Ngoại trưởng Ấn Độ kêu gọi đàm phán mang tính xây dựng, các giải pháp ngoại giao và hành động để chấm dứt hoàn toàn xung đột.
"Chúng tôi đứng về phía những người đang phải vật lộn để kiếm sống khi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và phân bón vẫn ở mức cao”, ông Jaishankar nói thêm.
Ông Jaishankar nói sự khan hiếm của 3 mặt hàng này tác động đến người dân toàn cầu và Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác, trong khi "sự chú ý trên thế giới lại đổ dồn vào Ukraine".
Ông Jaishankar đề cập đến các thách thức với Ấn Độ trong các vấn đề đối ngoại, khủng bố ở biên giới nhưng không trực tiếp nhắc đến tên các nước như Trung Quốc hay Pakistan.
Đăng Nguyễn - SCMP