Quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ mới đây cho biết nước này đã bắt đầu thảo luận với các hãng sản xuất vắc-xin để phát triển vắc-xin bệnh đậu mùa khỉ trong trường hợp phát sinh nhu cầu.
Tiến sỹ Vinod Kumar Paul, chuyên gia y tế của Cơ quan Cải cách Thể chế Quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) và là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm khoa học Ấn Độ về vấn đề Covid-19, cho biết: “Chúng tôi đang tham gia cùng với những hãng sản xuất tiềm năng. Như bạn đã biết, chúng tôi có năng lực vắc-xin mạnh mẽ, vì vậy chính phủ đang xem xét điều này một cách tích cực”.
Cuối tuần qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố sự bùng phát nhanh chóng của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là mức báo động cao nhất mà tổ chức này đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh đậu mùa ngày càng gia tăng.
Chuyên gia y tế Vinod Kumar Paul của Ấn Độ cho biết nước này đã siết chặt việc giám sát bệnh dịch trên toàn quốc. Ông kêu gọi những người có triệu chứng nên đi xét nghiệm, căn bệnh đậu mùa khỉ “sắp có thể điều trị được”.
Ông Paul chia sẻ bên lề một sự kiện của ngành y tế Ấn Độ hôm 27/7 rằng nước này đã chỉ định 15 phòng thí nghiệm được chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ và có đầy đủ thiết bị để thực hiện xét nghiệm RTPCR 2 bước. Cho đến nay, quốc gia Nam Á với dân số đông thứ 2 trên thế giới đã xác nhận 4 trường hợp mắc đậu mùa khỉ.
Gần đây, Bavarian Nordic A / S, một nhà sản xuất thuốc đến từ Đan Mạch ít được biết đến, đã nhận được sự chấp thuận chính thức của Liên minh châu Âu (EU) cho vắc-xin bệnh đậu mùa khỉ. Việc chấp thuận này được đưa ra sau khi các giấy phép đã được phê duyệt ở Canada và Mỹ.
Theo WHO, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu hiện ở mức trung bình, ngoại trừ khu vực châu Âu bị đánh giá là nơi có nguy cơ cao. Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra các triệu chứng giống như cúm, sau đó xuất hiện phát ban thường bắt đầu trên mặt và lan xuống bụng. Bệnh thường kéo dài trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng và có thể dẫn tới tử vong.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters)