Gần đây, cô Dương (43 tuổi) ở Trung Quốc thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, chỉ thèm đồ ăn mặn như các loại hạt rang muối, khoai tây chiên. Đặc biệt, da của cô dường như ngày càng đen hơn.
Vào một ngày nọ, khi đi làm, cô bỗng bị nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng, suýt ngất. Sau đó, cô tới bệnh viện khám, bác sĩ nhận thấy cô bị hạ huyết áp nghiêm trọng, kiểm tra kỹ hơn thì phát hiện cô mắc bệnh Addison.
Ảnh minh họa.
Triệu chứng điển hình của bệnh nhân mắc bệnh Addison là cơ thể mất muối nên có xu hướng thích ăn mặn, da cũng chuyển sang màu sẫm.
Bệnh Addison là gì?
Bệnh Addison được bác sĩ người Anh Addison phát hiện vào thế kỷ 19. Đây là một bệnh lý nội tiết hiếm gặp bất thường do tuyến thượng thận tiết không đủ cortisol và aldosterone. Tỷ lệ mắc bệnh là 1/100.000 người, không phân biệt giới tính và tuổi tác.
Tuyến thượng thận được chia thành phần chính là vỏ và tủy, trong đó phần vỏ chịu trách nhiệm tiết ra 3 loại hormone sau:
- Aldosterone: Chịu trách nhiệm cân bằng nước, muối và duy trì huyết áp.
- Cortisol (cortisone): Điều hòa lượng đường trong máu, cân bằng huyết áp và hệ miễn dịch, chuyển hóa chất béo, chất đạm và đường.
- Androgen: Duy trì chức năng sinh dục của nam giới và chuyển hóa nội tiết tố ở nữ giới.
Bệnh Addison là bệnh suy thượng thận nguyên phát, thường là do rối loạn tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể chống lại vỏ thượng thận, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tiết cortisol và aldosterone, dẫn đến bệnh Addison. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm bệnh lao, khối u di căn.
Ngoài suy thượng thận nguyên phát còn có suy thượng thận thứ phát. Đối với người bị suy thượng thận thứ phát, mặc dù chức năng của tuyến thượng thận vẫn bình thường nhưng do các yếu tố như đau khớp, dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn dịch, sử dụng steroid lâu dài sẽ gây ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên.
Khi tình trạng bệnh nhân nặng thêm và ngừng dùng steroid, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng, thiếu cortisol nhưng aldosterone lại bình thường nên gọi là suy thượng thận thứ phát.
Có 2 triệu chứng của bệnh Addison cần chú ý, đó là thích ăn mặn, da sạm.
Người mắc bệnh Addison không có các triệu chứng rõ ràng cho đến khi vỏ tuyến thượng thận mất đi 90% chức năng. Lúc này, người bệnh sẽ đột ngột thích ăn mặn do mất cân bằng điện giải hoặc mất quá nhiều muối trong cơ thể.
Ngoài ra, cơ thể người bệnh cũng sẽ bị lắng đọng hắc tố rõ rệt. Ngoài sạm da và các đốm trên da, sắc tố có thể xuất hiện ở những vùng dễ bị ma sát như khuỷu tay, đầu gối, thắt lưng, thậm chí trên những vùng cơ thể không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như đường lòng bàn tay, môi trong và nướu.
Các triệu chứng của bệnh Addison bao gồm:
- Sụt cân.
- Buồn nôn, nôn, chán ăn.
- Mệt mỏi, yếu cơ, đau khớp, đau cơ.
- Da xỉn màu, sạm đen.
- Hạ huyết áp, hạ đường huyết.
- Thay đổi tâm trạng, bồn chồn hoặc trầm cảm.
- Phụ nữ kinh nguyệt không đều, mãn kinh sớm.
Nếu bệnh nhân bị suy thượng thận, hạ đường huyết, huyết áp hoặc tăng kali máu, họ cần được tiêm cortisol, truyền nước muối và glucose vào tĩnh mạch để giảm bớt tình trạng đang nguy kịch. Sau khi tình trạng ổn định có thể chuyển sang điều trị bằng đường uống.
Hầu hết người bệnh cần dùng thuốc trong thời gian dài thì tình trạng mới ổn định trở lại. Nếu người bệnh có bị thêm sốt, chấn thương cơ thể thì cần dùng thêm thuốc.
Phan Hằng (Theo Helloyishi)