Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Trộm cầu 60 tấn để bán…phế liệu

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Trộm cầu 60 tấn để bán…phế liệu

Thứ 7, 24/08/2024 07:30

Giới chức Nga đang điều tra vụ một cây cầu đường sắt lớn bằng kim loại ở phía tây nước này bị trộm rồi bán phế liệu với giá hơn 15.000 USD.

Án Nước ngoài:

Vụ mất tích bí ẩn của cây cầu thép

Vụ "mất tích" bí ẩn của cây cầu thép - ước tính nặng ít nhất 60 tấn - ở vùng Ryazan (cách Mátxcơva khoảng 200 km về phía Đông Nam) được nhà hoạt động địa phương Svetlana Konovalova tiết lộ.

Bà Konovalova cho biết, cây cầu ở quận Skopinsky đã được một công ty đường sắt địa phương tư nhân hóa. Công ty này có tất cả các giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền sở hữu đối với cây cầu.

Khi cây cầu bất ngờ "mất tích", công ty nói trên đã yêu cầu cảnh sát điều tra. Nhóm trộm và công ty sở hữu cây cầu đã biết nhau trước đó và từng thỏa thuận mua bán, nhưng không thành công.

Cơ quan cảnh sát địa phương hôm 26/7 xác nhận đã nhận được đơn khiếu nại về "vụ trộm phần cấu trúc bằng kim loại của một cây cầu đường sắt không còn hoạt động". Vụ việc đang được điều tra.

Một kênh Telegram địa phương đã chia sẻ những hình ảnh về hiện trường vụ trộm, cho thấy 2 cột bê tông lớn đứng trơ trọi trên một con sông.

Bà Konovalova mô tả cây cầu bị đánh cắp là "một công trình khổng lồ thời Liên Xô", nói thêm rằng bà rất ngạc nhiên khi không ai chú ý đến việc tháo dỡ cây cầu, có thể mất tới vài ngày.

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Trộm cầu 60 tấn để bán…phế liệu- Ảnh 1.

Phần kim loại của cây cầu đã bị trộm, chỉ còn lại trụ cầu.

Không lâu sau đó, phần kim loại của cây cầu đã xuất hiện tại một điểm thu gom phế liệu, theo kênh Mash. Nhóm trộm đã thu được 15.000 USD từ tiền bán cầu, trong khi giá trị thực của cây cầu lên đến 3,5 triệu USD.

Cảnh sát nói với hãng thông tấn Tass rằng cây cầu đã ngừng hoạt động, đồng thời cho biết tuyến đường sắt này không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương hoặc các cơ quan nhà nước. Kênh Mash cho biết, người dân địa phương đã sử dụng cây cầu như một lối tắt đến các khu định cư khác gần đó.

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Trộm cầu 60 tấn để bán…phế liệu- Ảnh 2.

Hiện trường vụ việc

Luật Việt Nam:

Xác định rõ tài sản trộm cắp để có chế tài xử lý cụ thể

Trong vụ việc trên, trước hết cảnh sát phải vào cuộc điều tra và làm rõ ai đã lấy phần cấu trúc bằng kim loại của cây cầu đường sắt nói trên. Sau khi xác định được thủ phạm, trước khi áp dụng chế tài xử lý, cơ quan chức năng cũng phải làm rõ cây cầu trên là công trình giao thông quốc gia hay là tài sản thuộc cá nhân, tổ chức nào.

Nếu cây cầu là công trình giao thông quốc gia, người thực hiện hành vi lấy trộm phần cấu trúc bằng kim loại của cây cầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, quy định tại Điều 303 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là tội xâm phạm đến quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn cho các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm: Công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội.

Phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các công trình hoặc phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không như: Tháo thanh tà vẹt trên đường ray, tháo thanh giằng trên cầu, nổ mìn làm sạt nở đường bộ, phá bỏ các hệ thống biển báo trên các dòng sông, trên biển… Khi bị lấy mất phần phần cấu trúc bằng kim loại, cây cầu đường sắt này sẽ không thể sử dụng được nữa.

Với tội danh này, hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi phá hủ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia xảy ra.

Người phạm tội thực hiện hành vi phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm đến công trình an ninh quốc gia nhưng vẫn thực hiện.

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là xâm phạm công trình quan trọng về an ninh quốc gia thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Nếu hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia vì mục đích chống chính quyền nhân dân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 114 Bộ luật Hình sự.

Lưu ý, chủ thể của tội Phá hủy công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 303 quy định: Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động; đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội; g) Tái phạm nguy hiểm…

Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.

Theo thông tin mà nhà hoạt động địa phương Svetlana Konovalova tiết lộ thì cây cầu ở quận Skopinsky đã được một công ty đường sắt địa phương tư nhân hóa. Công ty này có tất cả các giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền sở hữu đối với cây cầu. Như vậy trong trường hợp này cây cầu là tài sản của công ty trên. Ở đây, 1 hoặc nhóm đối tượng đã có hành vi lén lút chiếm đoạt phần cấu trúc bằng kim loại của cây cầu, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác, người quản lý cây cầu, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý cây cầu không biết để lấy trộm.

Do đó người thực hiện hành vi trộm cắp sẽ bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản, quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 173 quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Việc xác định khung hình phạt còn phụ thuộc vào giá trị của tài sản cũng như tính chất hành vi vi phạm mà căn cứ vào đó để xác định.

Ánh Dương (Thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.