Án Tây:
Thương vụ đen khiến hàng triệu học sinh ăn đồ bẩn
Bản luận tội được các công tố viên quận liên bang ở Brooklyn đưa ra hôm 30/8, đề nghị mức án 5 năm 3 tháng đến 6 năm 6 tháng cho Eric Goldstein vì tội Gian lận và Nhận hối lộ. 03 doanh nhân đồng lõa bị đề nghị 4 năm 3 tháng đến 5 năm 3 tháng tù về tội Gian lận có hệ thống và đưa hối lộ. Tòa dự kiến tuyên án ngày 9/9.
Eric Goldstein, 55 tuổi, là cựu Giám đốc Văn phòng Dịch vụ Hỗ trợ Trường học của Sở Giáo dục New York từ năm 2015. Công tố viên cáo buộc quan chức này đã thông đồng với Michael Turley, 54 tuổi, Blaine Iler, và Brian Twomey, 3 chủ sở hữu của Somma Foods, nhà cung cấp thịt có trụ sở tại Texas, để đảm bảo công ty này có độc quyền cung cấp thịt cho 2.000 trường công lập của New York, từ năm 2015.
Song đứng trước đơn hàng khổng lồ "trên trời rơi xuống", Somma Foods đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu và hoàn thành các đơn đặt hàng thực phẩm trị giá hàng triệu USD.
Theo nhà chức trách, New York là khu vực trường công lớn nhất cả nước với hơn một triệu học sinh theo học tại các trường. Sở Giáo dục New York nhận được 40 triệu USD tiền tài trợ của liên bang mỗi năm để nuôi dưỡng các em. Số tiền này được Eric Goldstein quản lý.
Sóng gió ập đến với Somma Foods và thương vụ đen tối của ông Eric Goldstein, khi liên tiếp từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2017, các trường học báo cáo tình trạng học sinh bắt gặp dị vật như dây thép, rác, mảnh nhựa trong thịt gà. Thậm chí nhiều miếng đùi gà bốc mùi hôi và có dịch lỏng màu đỏ chảy ra từ xương. Món gà chính thức bị loại khỏi menu vài tuần.
Các công tố viên cáo buộc, vào tháng 11/2016, 3 bị cáo là lãnh đạo của Somma Foods đã tăng tiền hối lộ bằng cách đề nghị Goldstein sở hữu toàn bộ công ty con của họ, Range Meats, cũng như thêm 66.000 USD nữa.
Vài ngày sau, món gà bẩn lại được đưa trở lại khay đồ ăn của hơn một triệu học sinh trường công của New York.
Sau đó, Somma Foods tiếp tục thể hiện sự "biết ơn" bằng cách đài thọ tiền để ông Eric trả phí luật sư cho vụ ly hôn, và tặng tiền mặt cho cha ông ta và đưa Eric đi du lịch dài ngày tới Chile và Ba Lan.
Các công tố viên cho biết phải đến tháng 4/2017, Sở Giáo dục New York mới loại bỏ toàn bộ sản phẩm của Somma Foods khỏi các trường học sau khi học sinh và nhân viên liên tục khiếu nại về vật thể lạ trong các suất gà rán.
"Bị cáo đã lợi dụng quyền lực, nguồn lực và ảnh hưởng của chức vụ để làm giàu cho bản thân. Hành vi phạm tội của bị cáo là ví dụ điển hình về việc đặt lòng tham lên trên nhu cầu của trường học và hạnh phúc của trẻ em", công tố viên cáo buộc.
Trong phiên tòa kéo dài 4 tuần, hồi tháng 6 năm ngoái, các hình ảnh về thịt gà bẩn trong khẩu phần ăn của học sinh đã được cơ quan công tố chiếu lên màn hình lớn, trở thành "cú sốc thị giác" cho toàn bộ bồi thẩm đoàn.
Luật Ta:
Cung ứng thực phẩm bẩn là tội ác
Thực phẩm là nguồn năng lượng chính yếu đảm bảo sự sống của con người, do đó, thực phẩm bẩn tồn tại đe dọa rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng.
Hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định nào giải thích, ghi nhận thế nào là thực phẩm bẩn. Trên thực tế thuật ngữ "thực phẩm bẩn" là cụm từ mà mọi người dùng để chỉ chung những sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng người sử dụng.
Như vậy, có thể hiểu thực phẩm bẩn là thực phẩm đã bị ô nhiễm, hư hỏng, biến chất có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Theo cách hiểu về "thực phẩm bẩn" thì có thể suy ra hành vi "làm thực phẩm bẩn" là mọi hành vi tạo ra thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng con người.
Dựa trên nguyên nhân hình thành thực phẩm bẩn có thể thấy phạm vi đối tượng "người làm thực phẩm bẩn" cũng rất rộng bao gồm cả người nuôi, trồng, người chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Rà soát các quy định pháp luật thì không có quy định nào ghi nhận cụ thể xử lý người làm thực phẩm bẩn, mà sẽ căn cứ vào hành vi cụ thể trong nuôi, trồng, chế biến, sản xuất, bảo quản dẫn tới hình thành thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định để xử lý.
Theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ở mức độ hành chính: Người làm thực phẩm bẩn có thể bị xử phạt đối với vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm quy định tại mục 1 Chương II Nghị định 115/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) và vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phấm quy định tại mục 2 Chương II Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp xác định mức tiền phạt tương ứng với giá trị thực phẩm vi phạm thì mức tiền phạt tối đa được áp dụng bằng 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm nhưng đảm bảo không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Cùng với hình phạt chính là phạt tiền, người làm thực phẩm bẩn còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; Tước quyền sử dụng giấy phép. Đồng thời bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm...
Nếu vi phạm nghiêm trọng, người có hành vi làm thực phẩm bẩn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội này có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp người làm thực phẩm bẩn gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Chiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam, Eric Goldstein và 3 đồng phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, với hành vi nhận hối lộ, Eric Goldstein còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Số tiền nhận hối lộ càng lớn, ông này càng có nguy cơ nhận mức án càng cao. Thậm chí có thể phải đối diện với với mức án tử hình nếu tiền hối lộ trị giá 1 tỷ đồng trở lên.
Ánh Dương (Thực hiện)