Suy cho cùng, bệnh viện là nơi "bần cùng, bất đắc dĩ" phải lui tới. Đối với người có kinh tế, bệnh viện là nơi "trú chân" trong những ngày sức khỏe gặp vấn đề. Đối với người nghèo, bệnh viện lại là nơi tiêu tiền không được đắn đo, cân nhắc. Tất nhiên, để chữa bệnh, dù là ai, họ cũng chấp nhận dùng tiền bạc để mua sức khỏe.
Nhưng với không ít người, để có tiền chữa bệnh, họ phải bán trâu, bán đất, bán nhà, vay mượn khắp chốn. Và tất nhiên, họ không chỉ mang theo tiền vào bệnh viện, mà họ còn mang theo rất nhiều thứ, trong đó có niềm tin vào bác sỹ, niềm hy vọng được sống, được cứu giúp, được tận tình chăm sóc...
Nhưng, thời gian gần đây, câu chuyện về bệnh viện Bạch Mai khiến cộng đồng, đặc biệt là người bệnh có những cái nhìn khác hơn.
Ngày 22/4, cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án nâng khống giá thiết bị "ăn dày trên lưng bệnh nhân" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên giám đốc bệnh viện Bạch Mai muốn phát triển khoa ngoại nên thành lập một số khoa như phẫu thuật thần kinh, chấn thương chỉnh hình và cột sống.
Ông này đã đồng ý nhập robot phẫu thuật gồm robot Rosa với giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế điều tra cho thấy, công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, nguyên lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cùng dàn lãnh đạo công ty BMS và đơn vị thẩm định giá đã làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Được biết, những người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám tại bệnh viện Bạch Mai đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh - sọ não. Trong đó hình thức phẫu thuật thông thường, không có sự hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần.
Hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, là điều trị dịch vụ không được bảo hiểm chi trả, chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca tùy thuộc vào số ngày giường, vật tư tiêu hao... Ngược lại, hình thức này giúp người bệnh giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn trong quá trình phẫu thuật.
Lời bác sĩ khác nào "thánh chỉ", bệnh lại dính đến thần kinh - sọ não nên ai cũng muốn an toàn, ít rủi ro, nhanh lành bệnh. Vì thế, hầu hết sẽ chọn mổ dịch vụ.
Trong khi, từ xưa đến nay, ai cũng biết, bệnh viện, nhà thuốc là nơi không ai có quyền mặc cả. Bệnh viện nói giá bao nhiêu, người nhà bệnh nhân "cun cút" đưa bấy nhiêu. Nhưng chắc chẳng bệnh nhân nào có thể ngờ, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa chỉ là hơn 6,6 triệu đồng/ca, nhưng bệnh viện Bạch Mai và công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca.
Trong ngành y, y đức là thứ được đề cao nhất. Chưa kể, Bạch Mai là bệnh viện đầu ngành, quy tụ đội ngũ y bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là nơi khi mọi hy vọng về bệnh tật bị dập tắt thì người dân tìm đến. Nhưng đây, cũng là nơi có cán bộ đứng đầu không thể giữ y đức, không thể kháng cự trước cám dỗ của đồng tiền. Thật đáng tiếc!
Thiết nghĩ, nếu giỏi nghề y, lại có tâm đức thì bác sĩ "một tay" có thể "làm nên tất cả". Nhưng nếu coi nhẹ cả 2, đặc biệt là đạo đức thì sớm hay muộn, cũng chỉ có thể đổi lại những đắng cay.
Trong khi đó, một câu chuyện cách đây khá lâu khiến tôi nhớ mãi. Hamza Bendelladj sinh ra và lớn lên tại Tizi-Ouzou, phía Bắc Algeria, một đất nước với đầy những bất ổn về chính trị.
Đây là chàng trai được mệnh danh là "Hacker mỉm cười". Anh có thể nói được 5 thứ tiếng và là một "bậc thầy" về mã hóa. Hamza được hàng nghìn người hâm mộ như một chàng "Robinhood" khi hack tiền của kẻ giàu để chia cho những người nghèo khổ.
Cùng với những người bạn của mình, Hamza đã tấn công các ngân hàng phương Tây và hack tới hơn 280 triệu USD (khoảng 6.330 nghìn tỷ đồng). Anh đã dùng số tiền 280 triệu USD cướp được từ các ngân hàng để tặng cho rất nhiều quỹ từ thiện, cứu trợ người nghèo tại Palestine, Algeria.
Câu chuyện này kể ra đây, chỉ để một lần nữa nhấn mạnh, với bất cứ ai, bất cứ nghề gì, có tâm thì ắt có tầm! Còn nếu không, dù là cần thiết đến đâu cũng sớm bị bài trừ. Như câu chuyện ở Bạch Mai, không đi viện này, ta còn có nhiều viện khác để đi... và quan trong niềm tin đã mất khó có thể lấy lại trọn vẹn.
Mộc Miên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả