Cuối năm 2018, Li Shu nghỉ việc ở Tứ Xuyên, Trung Quốc và dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn trong căn hộ đi thuê.
Sau khi nghỉ việc, anh chàng mới nhận ra, nếu không có khoản thu nhập hàng tháng, sẽ phải tiêu sạch số tiền tiết kiệm được. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, Li Shu đã cắt giảm các khoản chi hằng ngày xuống còn 10 tệ (35.000 đồng).
Tuy vậy, cắt giảm chi tiêu là chưa đủ, Li Shu vẫn phải trả một khoản tiền thuê nhà hàng tháng.
Vì vậy, chàng trai quyết định bán hết đồ đạc, mua một chiếc lều trị giá 400 tệ (hơn 1,3 triệu đồng). Từ sống trong căn hộ, anh chàng người Trung Quốc này chuyển ra sống ngoài trời. Căn lều được đặt tại một bãi đậu xe bỏ hoang.
Chiếc lều nơi Li Shu sinh sống
Đến nay, Li Shu đã sống trong căn lều chật chội được 200 ngày. Nhiều người tỏ vẻ ái ngại khi nhìn cảnh sống khổ sở như vậy của một anh chàng trẻ tuổi. Tuy nhiên, Li Shu vẫn cảm thấy thoải mái và chưa có kế hoạch sẽ thoát khỏi cảnh sống tạm bợ này.
Trong khi Li Shu cảm thấy thoải mái, nhiều người cho rằng ngủ trong lều không phải là cuộc sống như ở trong căn nhà kín đáo. Đến nay, chiếc lều cũ được xem là tài sản quý giá nhất của anh chàng 29 tuổi.
Hằng ngày, Li Shu ăn các đồ ăn rẻ như mì, bánh bao, thỉnh thoảng mới dùng bếp để nấu các món như lẩu thịt bò, bánh, rán trứng. Ngoài ra, anh chàng này còn phải đi một đoạn để lấy nước, nhờ sạc pin điện thoại.
"Đó là sự lựa chọn của tôi. Khi bạn không theo đuổi những nhu cầu trong cuộc sống sẽ dần cảm thấy bình yên", Li Shu tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên, Li Shu cho hay, bản thân có thể tìm được việc làm. Bạn bè nhiều lần giới thiệu chỗ ở tốt và cho vay tiền để kinh doanh. Tuy vậy, anh chàng trẻ tuổi không muốn vì thích lối sống đơn giản, tiết kiệm và thư thái.
Chọn lối sống khác nên Li Shu viết một ghi chú bên cạnh lều, mong muốn mọi người tôn trọng nơi ở của anh. Ngoài ra, anh chàng lên tiếng xin lỗi nếu làm phiền bất cứ ai. Trong trường hợp chiếc lều gây phiền toái anh sẽ chuyển đến nơi khác.
Câu chuyện của Li Shu một lần nữa khắc họa về cách sống "nằm yên" đang nở rộ ở Trung Quốc. Đây là cách mà những người trẻ chọn làm ít việc, thay vì phấn đấu để đạt được thành công về tài chính và sự nghiệp
Lối sống này xuất phát từ một bài đăng tải trên mạng xã hội cách đây vài năm tại Trung Quốc. Trong đó, có nhắc đến lối sống "tang ping" với quyết tâm chỉ kiếm sống qua ngày, nỗ lực tối thiểu cho một công việc không như ý.
Trong khi đó, nêu quan điểm về vấn đề này, Huang Ping - Giáo sư văn học tại Đại học sư phạm Hoa Đông bày tỏ lo ngại: "Lối sống tang ping có khả năng đe dọa năng suất làm việc của giới trẻ. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều ngừng làm việc?".
Nghi Dung (tổng hợp)