Xuất thân là một nông dân, anh Đặng Văn San ở Lào Cai không ngừng chăm chỉ làm giàu tại địa phương. Nhờ quyết đoán và ham học hỏi mà hiện nay gia đình anh có rừng sưa đỏ hơn 600 cây. Đặc biệt với hơn 600 cây gỗ sưa, anh nông dân này đang sở hữu tài sản trị giá hàng tỷ đồng.
Chăm chỉ chăm sóc vườn cây "tiền tỷ" của mình, anh San tiết lộ với báo Lào Cai: Mình trồng cây sưa đỏ vừa để phủ xanh đất trống, giữ nguồn nước cho sản xuất, vừa phát triển kinh tế. Với loại cây gỗ quý này càng để lâu càng tăng giá trị nên gia đình chưa bán.
Vốn là một nông dân cần cù chịu khó làm nông nhưng tình cờ một "ngày đẹp trời" vào năm 2007 khi xem ti vi thấy giới thiệu về gương anh Lăng Văn Bắc ở huyện Tam Ðảo, Vĩnh Phúc vượt khó làm giàu nhờ trồng cây sưa đỏ. Ông San đã về tận nhà ông Bắc học kỹ thuật trồng cây sưa. Quyết là làm, anh San mua hơn 200 cây sưa giống đưa về trồng xen với cây mỡ trong đồi rừng của gia đình.
Nhận thấy loại cây "tiền tỷ" này phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, anh quyết định trồng sưa đỏ thay thế toàn bộ diện tích đất rừng trồng mỡ. Không những vậy với mong muốn làm giàu cho gia đình và bà con học tập theo, anh San mở đại lý bán giống cây sưa đỏ tại địa phương để giúp đỡ nhiều người chung chí hướng.
Nhờ tính siêng năng và ham học hỏi cùng với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", anh nông dân này dùng toàn bộ tiền lãi từ bán cây giống tái đầu tư mở rộng diện tích cây gỗ sưa.
Sau nhiền năm khởi nghiệp, đến năm 2012, anh đã trồng được rừng gỗ sưa đỏ hơn 600 cây. Hiện nay, số lượng sưa đỏ trong vườn đã trồng từ 6 đến 15 năm. Cây to ước đạt khoảng 100 kg lõi đã được thương lái hỏi mua.
"Cây sưa có giá trị nhất, ước tính được khoảng 100 kg lõi, được thương lái trả với giá 250 triệu đồng. Những cây còn lại dao động từ 80 đến 170 triệu đồng, nhưng tôi muốn chăm sóc thêm 10 năm nữa, khi đó rừng sưa đỏ này rất có giá trị kinh tế", ông San chia sẻ với Dân Việt.
Đáng chú ý, cây gỗ sưa đỏ từ lúc trồng đến khi khai thác phải mất thời gian từ 10 năm trở lên, lúc đó, lõi gỗ sưa đỏ có giá dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/kg. Trong vườn cây gỗ sưa đỏ nhà anh San cây to nhất trong vườn của ông San có đường kính 25cm, cây bé nhất đường kính khoảng 10cm.
Chia sẻ với bà con về kỹ thuật trồng cây sưa đỏ, anh nông dân này cho rằng loại cây này không khó, chỉ cần đào hố trồng cây được ươm trong bầu đất, làm cỏ theo đợt. Khi cây khép tán thì tỉa cành để cây tập trung phát triển thân chính và lõi.
Nếu muốn cây sưa đỏ phát triển tốt thì nên trồng trên đất bằng, nơi có độ cao 500 m so với mực nước biển. Còn khi trồng trên đất dốc, sưa đỏ phát triển chậm hơn đất bằng nhưng ngược lại, lõi phát triển nhiều hơn. Trồng cây đơn giản là vậy nhưng cách chăm sóc cây sưa khá kỳ công. Điển hình mối nguy hại nhất với sưa là sâu đục thân, phải thường xuyên thăm rừng để phát hiện kịp thời và phun thuốc vào từng lỗ cây để diệt sâu tận gốc.
Có thể nhiều người không biết, thời gian sinh trưởng của cây gỗ sưa lâu hơn các loại cây gỗ khác, tối thiểu từ lúc trồng đến khi khai thác khoảng trên chục năm. Do đó, khi muốn trồng loại này bà con cần phải kiên trì, có những tính toán hợp lý để duy trì đà sinh trưởng và phát triển.
Tận dụng diện tích nhà còn trống nhằm mục đích “lấy ngắn nuôi dài”. Cụ thể, dưới tán rừng sưa, anh San đã tận dụng để nuôi gà thả đồi, làm chuồng nuôi lợn rừng lai, nuôi lợn đen bản địa để phát triển kinh tế gia đình.
Từ ngày trồng sưa, không bao giờ anh San nghĩ mình lại có một gia tài lớn như hôm nay. Đến tận bây giờ, khi nhắc lại chuyện trồng cây sưa đỏ, anh vẫn khẳng định đây như một ván bài đầy may rủi.
Thời gian qua, nhiều người hỏi sao thương lái đến hỏi mua mà không bán, anh San bảo, gỗ sưa đỏ đắt chủ yếu là phần lõi, vì thế, cây càng lâu năm thì giá trị càng lớn.
Vợ chồng anh San không chỉ làm giàu cho mình mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ trong thôn về vốn và cây trồng. Ai cần hỗ trợ kỹ thuật trồng, giống cây sưa đỏ, anh đều sẵn sàng cung cấp.
Lâu nay, sưa đỏ được người dân ví như báu vật, “khối vàng lộ thiên” bởi mức giá đắt đỏ mà chúng mang lại. Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên có giá trị cao. Thông tin trên Dân Trí, hiện nay ở Việt Nam, những cây gỗ sưa cổ thụ mọc trên rừng, trong tự nhiên còn rất ít, chỉ một số lượng ít ỏi còn sót lại trong các đình làng, miếu mạo và luôn được trông giữ cẩn thận.
Đặc biệt, gỗ sưa đỏ được xếp vào nhóm IA trong danh sách các loài gỗ quý hiếm tại Việt Nam. Từ xưa, giá trị của gỗ sưa luôn được đề cao bởi độ chắc bền theo thời gian, loại gỗ này dù có ngâm trong nước hoặc trong bùn nhiều năm vẫn giữ được mùi hương và không bị mục nát hoặc co nứt.
Nhiều người tin rằng dùng gỗ sưa dùng sản xuất đồ nội thất, đồ mỹ nghệ có thẩm mĩ cao và mang ý nghĩa phong thủy, giúp gia chủ thịnh vượng, bình an, xua đuổi tà khí. Gỗ sưa còn là vị thuốc đông y chữa bệnh xương khớp…
Kỹ thuật trồng cây sưa đỏ, không phải ai cũng biết
Cây sưa đỏ (Dalbergia tonkinensis Prain) còn được gọi là Trắc thối. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác trong các rừng thứ sinh thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình...
- Cách chọn cây sưa mang đi trồng
+ Cây con đem trồng phải từ 6-12 tháng tuổi.
+ Đường kính cổ rễ từ 4-5 mm, cao từ 25-50 cm là tốt nhất.
+ Cây thân thẳng, khỏe mạnh, không sâu bệnh, không cụt ngọn, túi bầu còn nguyên vẹn…
- Chọn đất trồng sưa
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, cây Sưa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất đồi có độ dốc trung bình, đất đỏ, đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất đồi đá sỏi nhưng phải có đủ độ ẩm, không trũng nước, không khô hạn (tức là đất phải có độ ẩm nhưng không được ngập úng).
- Thời vụ trồng cấy sưa đỏ
+ Từ tháng 6 – tháng 9 (vào mùa mưa để tận dụng nguồn nước tưới).
- Làm đất trước khi trồng sưa
+ Bà con nông dân cần phải tiến hành cày 2 lần bằng cày chảo 3 để san ủi thực bì, cày dọn đất. Sau đó, sử dụng cày chảo 7 để cày cho đất tơi, thoáng, xốp.
+ Trồng rải rác hay tập trung đều phải đào hố. Hố cần phải được đào và trộn đều phân bón lót trước 15 ngày. Theo kinh nghiệm kích thước hố 50x50x50cm (Ngang: 50 cm, Dài: 50 cm và độ sâu: 50 cm) là phù hợp.
- Cách bón phân cho cây phát triển tốt
+ Lưu ý mỗi hố 1-3kg phân chuồng hoai mục và 100-200 gram NPK, phân chuồng ủ vi sinh là tốt nhất.
- Mật độ và khoảng cách trồng giúp cây phát triển tốt
+ Trồng tập trung (trồng thành rừng): Cây cách cây 3m và hàng cách hàng 3m, trung bình 1 ha có thể trồng được 1.100 cây. Nếu trồng cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m, thì 1 ha có thể trồng 1.660 cây.
+ Trồng hàng rào hoặc trồng rải rác, trồng làm cảnh: Nên để cây cách cây 1.5 – 2 mét.
- Cách tưới nước
+ Khi trồng tưới ẩm đều trong 30 ngày cho cây bén rễ hồi xanh. Tưới nước đều ẩm trong 1 – 2 tháng đầu.
+ Sau đó, giảm lượng tưới nước, nhưng nếu gặp thời tiết khắc nghiệt, thấy cây có hiện tượng thiếu nước phải kịp thời bổ sung tránh để cây bị hư hại, giảm sức sống.
- Cách chăm sóc cây trưởng thành
+ Sau trồng 2 - 3 năm tỉa bỏ cành cong, xấu, cành võng. Sau trồng 5 - 6 năm tỉa bỏ cành giao nhau.
+ Nên tỉa cành vào cuối mùa khô hàng năm để tạo cho thân cây thẳng.
- Cách phòng trừ sâu, bệnh hại
+ Vệ sinh sạch cỏ vườn cây sưa, khi dọn cỏ vườn nên gom thành đống để khô sau đó đốt đi để tiêu diệt bọ cánh cứng trưởng thành, bọ non và trứng.
Trúc Chi (t/h)