Nhờ sự chăm chỉ và ham học hỏi anh Phan Quốc Dũng ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã biết cách tân dụng các loại thức ăn từ rau cỏ, nhánh thanh long, trái cây… vào mô hình nuôi lợn rừng lai lấy thương phẩm.
Được biết Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, gia đình anh chuẩn bị khoảng 30 con lợn thịt, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng. Lợn rừng lai là con đặc sản, dễ bán, dễ nuôi, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi...
Tiết lộ với Dân Việt về cách nuôi lợn rừng có "1-0-2" anh Dũng cho hay, đầu năm 2019, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng lai trên thị trường cao, anh Phan Quốc Dũng (ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã mua 5 con lợn giống từ xã Bình Châu về nuôi thử nghiệm. Một năm sau, thấy lợn phát triển tốt, anh mở rộng quy mô chuồng trại để nhân đàn.
Trang trại lợn rừng nhà anh Dũng nằm dưới tán vườn nhãn có hơn 100 con lớn nhỏ, trong đó có 14 lợn sinh sản và lúc nào cũng có đàn lợn thịt hơn 30 con (trọng lượng từ 25-40kg/con).
Quyết tâm làm giàu tại địa phương, anh nông dân này không ngừng học hỏi. Theo anh Dũng, nuôi lợn rừng lai khá đơn giản, ngày cho ăn 2 bữa. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: nhánh thanh long, bắp, thân chuối, bã đậu nành,… Điều này làm giảm chi phí đầu vào, giúp thịt lợn săn chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng.
Để đàn lợn cho năng suất cao, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Mỗi lợn giống đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 5-8 con. Nuôi lợn rừng lai gần một năm là xuất chuồng, với cân nặng từ 30kg trở lên, lợi nhuận từ việc nuôi lợn rừng cao hơn nhiều so với nuôi bò.
Tại địa phương không chỉ có gia đình anh Dũng có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi lợn rừng kiểu "lạ". Cách đó không xa, là trại lợn rừng lai với diện tích hơn 3 sào của nông dân Bùi Văn Cường. Trại lơn của anh Cường có gần 200 con.
Anh Cường cho biết, năm 2021, anh bắt tay vào nuôi, ban đầu rất khó nhưng sau khi được thuần hóa, lợn rừng lai rất dễ nuôi vì ít khi xảy ra dịch bệnh, phù hợp với hộ gia đình và nhàn hơn nuôi bò, dê.
Vì nuôi gối đầu nên lúc nào trại của anh Cường cũng có lợn thịt, lợn giống để bán.
“Thị trường tiêu thụ hiện nay không khó, chủ yếu là khách quen trong huyện, tỉnh điện thoại đặt hàng. Giá lợn hơn cân tại chuồng từ 100-110 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được mỗi năm hơn 100 triệu đồng”, anh Cường vui vẻ nói.
Tận dụng đu đủ chín rụng bỏ trong vườn của các nông hộ trên địa bàn xã, anh Bùi Văn Cường nhặt về làm thức ăn cho lợn rừng lai.
Chia sẻ về mô hình nuôi lợn rừng có giá đắt đỏ, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Trang cho biết, mô hình nuôi lợn rừng lai vừa tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong vườn của nông hộ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghề chăn nuôi lợn rừng lai ở địa phương phát triển ở quy mô đầu tư hộ, nông dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm, việc quảng bá thương hiệu con đặc sản cũng chưa mạnh. Do đó, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để có đầu ra ổn định là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
"Nông dân không nên ồ ạt mở rộng việc chăn nuôi lợn rừng lai mà cần tính toán đầu ra ổn định, tránh tình trạng nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, không có đầu ra, thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, lợn rừng lai nuôi bán thả rông cho thịt săn chắc, thơm ngon, ăn mềm nhưng rất ít mỡ nên rất được thị trường ưa chuộng.
Cách nuôi lợn rừng hiệu quả kinh tế cao
Báo Dân tộc và Phát triển gợi ý một số kỹ thuật nuôi lợn rừng đúng cách, hiệu quả mang lại kinh tế cao.
Chọn giống:
Chọn lợn đực giống:
– Lợn đực giống cần mua về lúc chúng được khoảng 6 tháng tuổi và chỉ sử dụng khi chúng đạt ít nhất 7-8 tháng tuổi. Không nên sử dụng lợn đực giống non vì ảnh hưởng đến chất lượng đời sau.
Khi chọn lợn đực giống chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm như sau:
- Mặt dài, lưng thẳng, đầu thanh, bụng thon đều không bị sệ.
- Bốn chân đều thẳng, cao và vững chắc. Phần lông bờm dựng đứng, đồng thời chạy dài từ cổ tới lưng.
- Phần tinh hoàn lộ rõ, to và cần phải cân đối, có độ đàn hồi cao.
- Lợn đực giống cần phải mang tính hung hãn, dữ tợn.
Chọn lợn nái giống:
– Chọn mua đàn lợn nái hậu bị khi chúng được 4-6 tháng tuổi. Từ đàn lợn nái hậu bị này, bà con tiến hành sàng lọc kiểm tra để chọn ra lợn nái sinh sản.
– Cần chọn những con lợn nái khỏe mạnh, không khuyết tật. Ba bộ phận quan trọng nhất cần quan tâm khi chọn lợn nái giống là: cơ quan sinh dục, khung xương và vú. Dưới đây là một số đặc điểm bà con có thể căn cứ vào để chọn lợn nái giống:
Phần cơ quan sinh dục: lợn nái giống cần có cơ quan sinh dục phát triển bình thường, bình thường cả về hình dáng và hoạt động.
Tuyến vú: Cần chọn những con có đủ số vú để nuôi đàn đông con. Bình thường lợn rừng có 5 đôi vú xếp đều đặn mỗi bên. Những con có vú cong vênh, lệch, khô sẽ không được ưu tiên chọn.
Khung xương: Phần khung xương và 4 chân cần phải chắc khỏe, linh hoạt và nhanh nhẹn. Không nên chọn những con có chân yếu, khung xương nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi con sau này.
Cách chuồng nuôi lợn rừng
– Bà con có thể sử dụng nứa, tre, gỗ hoặc dây thép quây B40 để làm chuồng.
– Nên xây chuồng lợn rừng theo hướng Đông Nam hoặc hướng Nam. Không nên quay theo hướng Bắc, sẽ bị gió mùa đông bắc thổi vào. Cần đảm bảo chuồng nuôi ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.
– Cùng với đó là chọn vị trí cao ráo, tránh ngập úng đọng nước vào mùa mưa.
Thức ăn cho lợn rừng
- Rau xanh cho lợn rừng: Thức ăn rau xanh cho lợn rừng khá đa dạng, có thể kể đến như thân cây ngô, cây chuối, các loại rau, đu đủ, quả su su,… Cùng với đó, bà con có thể sử dụng các loại cây thuốc nam để cho lợn rừng ăn giúp hạn chế bệnh tật. Các loại lá cây thuốc nam có thể kể đến như: Cây hoàng ngọc, cây cỏ voi, cây nhọ nồi, cây khổ sâm, cây phèn đen,…
- Thức ăn khô cho lợn rừng: Thức ăn khô cho lợn rừng khá đa dạng. Thức ăn tinh bột gồm ngô, khoai sắn, cám gạo, …
Thức ăn bổ sung nguồn đạm bao gồm: đậu các loại, giun quế, các loại cá khô.
Thức ăn cần đảm bảo an toàn trước khi cho lợn ăn. Cụ thể như không bị ẩm mốc, không bị sâu mọt, không có mùi lạ hay không vón cục. Các thành phần thức ăn trước khi đươc phối trộn cần được nghiền nhỏ.
Mẹo hay phòng trừ bệnh cho lợn rừng
- Khi mới sinh ra lợn chưa biết ăn dễ bị ốm, tiêu chảy. Bà con có thể sử dụng bài thuốc: 5 lá búp ổi non, 1 nhúm lá khổ sâm, 1 ít lá nhọ nồi, 1 ít lá phèn đen cho vào một chén nước giã nhỏ. Thực hiện giã nát và cho lợn con uống nước.
- Nếu lợn con đã biết ăn, hoặc lợn mẹ bị tiêu chảy cần cho ăn trực tiếp lá khổ sâm, lá ổi và một ít lá nhọ nồi để lợn nhanh khỏi bệnh.
- Cần phải thường xuyên tẩy rửa, khử uế chuồng nuôi. Chuồng nuôi cần chia làm 2 ngăn, khi vệ sinh ta lùa lợn sang ngăn còn lại. Sau khi đã vệ sinh, rửa khô ta lùa lợn lại và vệ sinh nửa chuồng còn lại.
- Sau mỗi lứa nuôi, cần vệ sinh sạch sẽ chuồng và để chuồng nghỉ ngơi 3-5 ngày trước khi thả lứa tiếp theo.
Một lưu ý nữa là lợn mới mua về cần phải nhốt ở khu vực riêng khoảng nửa tháng trước khi cho nhập đàn. Cùng với đó là hạn chế người và vật lạ vào khu vực nuôi, tránh làm lợn hoảng loạn và cũng ngăn đưa mầm bệnh vào trong chuồng nuôi.
Trúc Chi (t/h)