Dưới cái nắng 40 độ, căn nhà nhỏ chừng 30m2 của gia đình vận động viên lặn Cao Thị Duyên giống như một "hộp diêm" nằm cheo leo trên một quả đồi thuộc làng Én – thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Từ khi con đạt 3 HCV Sea Games 32 môn lặn, ngôi nhà của gia đình Duyên đông khách hơn ngày thường. Khi biết chúng tôi vượt gần 100km từ TP.Thanh Hóa lên thăm nhà, bà Cao Thị Quang (SN 1980, mẹ em Duyên) vui vẻ rót nước tiếp chuyện mời khách.
Bà Quang kể, lấy chồng khi mới 18 tuổi, gia đình hai bên đều nghèo khó, được bố mẹ cho một góc đồi, nhưng vợ chồng họ không có tiền để làm nhà. Chồng bà và anh em phải lên núi lấy đá vụn chở về, dùng vôi và cát xây tường dựng được căn nhà tạm che nắng che mưa. Họ lần lượt sinh hạ được hai người con, Duyên là con thứ 2.
Từ nhỏ, Duyên đã thích bơi lội và lần lượt được chọn vào đội tuyển của trường, huyện đi thi đấu ở tỉnh. Đạt thành tích cao, khi mới hơn 9 tuổi và đang học lớp 4 thì Duyên được nhà tuyển trạch lựa chọn xuống Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa, cách nhà hơn 100 cây số luyện bơi.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôn trọng đam mê của con và cũng muốn con có cơ hội thay đổi số phận, vợ chồng bà Quang đã đồng ý cho con theo đuổi sự nghiệp thể thao. Thời điểm đó, Duyên theo học và luyện tập ở thành phố chỉ được Tỉnh lo ăn, ở, còn tiền học, tiền sữa … gia đình phải chu cấp. Dù nghèo khó, nhưng bà Quang vẫn chắt chiu từng đồng bạc lẻ để gom góp gửi xuống cho con ăn học.
Bà Quang chia sẻ, sống ở miền núi nhưng không được giao rừng, nên chồng bà phải lặn lội xuống huyện Yên Định làm phu đá, còn bà bám vào vài sào ruộng và làm thêm nghề đan cót kiến đồng ra đồng vào lúc nông nhàn. Dù khó khăn, vất vả, nhưng thấy con đạt được thành công người làm mẹ ấy thấy vui và hết mệt nhọc. Với thân hình gầy gò, da đen sạm, khắc khổ nếu không hỏi chúng tôi không nghĩ bà mới hơn 40 tuổi.
Vừa trở về nhà, khoác vội chiếc áo mới ra ngồi tiếp chuyện khách, ông Cao Văn Kỷ (SN 1978 – Bố Duyên) cho hay, nhà ít ruộng nên ông phải đi làm công nhân khai thác đá ở huyện Yên Định nuôi con ăn học. Gần đây, thời tiết nắng nóng và nhà có tang nên ông tạm nghỉ việc trở về nhà.
Theo ông Kỷ, khi đang học lớp 4, biết tin con được các thầy lựa chọn đưa xuống thành phố ăn học và luyện tập bơi lội ông vừa mừng xen lẫn lo lắng. Một đứa trẻ miền núi, chưa từng xa gia đình, nay phải rời bố mẹ tới một môi trường mới xa lạ, chưa nói tới hàng tháng gia đình phải lo tiền bạc hỗ trợ nuôi con.
“Thời đó không phải như bây giờ, ngoài những cái được tỉnh đài thọ thì gia đình phải lo tiền học, sữa… thêm cho con. Điện thoại chưa có, nhà có việc quan trọng hoặc nhớ con tôi lại lặn lội xuống thành phố đón cháu về được vài ngày rồi lại đưa cháu xuống tập trung”, ông Kỷ nói.
Theo ông Kỷ, nhà có cái ti vi cũ đã hỏng, ông không có điện thoại thông minh, ngày Duyên thi đấu thì nhà có ông chú mất nên ông không thông báo tin buồn với con. Theo phong tục của người Mường, khi trong dòng họ có người mất thì hôm đó các gia đình cũng không mở loa đài, tivi. Khi nghe dân làng nói Duyên đạt Huy chương vàng, ông Kỷ và gia đình mới biết.
“Con có gọi điện về là đã về Tp.HCM rồi. Chắc làm các thủ tục, tập trung đội cháu sẽ về nhà. Chúng tôi chờ cháu về sẽ tổ chức liên hoan chia vui với mọi người”, ông Kỷ chia sẻ.
Theo quan sát của PV, ngồi nhà của vợ chồng ông Kỷ rộng khoảng 30m2, tường được ghép bằng những viên đá vụn, kết dính bằng cát và vôi. Ngôi nhà được làm được làm cách đây hàng chục năm và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Nhà họ nằm cheo leo trên sườn đồi, cái bạt mỏng được gia chủ che tạm làm trần không ngăn được cái nắng như thiêu như đốt ở miền núi xứ Thanh. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá, cái tivi cũ “đời tống” đã hỏng dùng để trang trí chứ không còn hoạt động.
Ông Cao Văn Lưỡng (chú ruột Duyên) cho hay, đập làng Én là cái “hồ bơi” nơi tập bơi ngày trước của Duyên, con gái ông và nhiều đứa trẻ trong làng. Đây là cái nôi nâng bước Duyên đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp.
Noi gương chị họ, con gái ông Lưỡng cũng đã gia nhập bộ môn bơi tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Thanh Hóa được 3 năm nay. Ông Lưỡng hi vọng một ngày không xa, con gái ông sẽ cùng Duyên đứng trên bục nhận huy chương cao nhất của Sea Game.
Ông Dương Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý cho biết, gia đình em Cao Thị Duyên trước thuộc hộ nghèo nay là cận nghèo của xã. Gần đây có một số đơn vị, cơ quan có đặt vấn đề với địa phương lên phương án để hỗ trợ gia đình làm lại căn nhà, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thông tin lại.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, Cao Thị Duyên giành 1 HCV, 2 HCB, phá 1 kỷ lục đại hội. Các năm 2020 và 2021, Cao Thị Duyên giữ vững thành tích đoạt 2 HCV giải VĐQG. Năm 2022, được xem là năm bội thu huy chương khi cô gái quê Cẩm Thủy giành 2 HCV Sea Games 31, 3 HCV, 3 HCB tại Đại hội TDTT toàn quốc, phá 2 kỷ lục đại hội.
Tại Sea Games 32, Cao Thị Duyên (22 tuổi) giành 3 HCV bộ môn lặn ở các nội dung 4x200m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 4x100m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 100m chân vịt đôi nữ. Duyên còn giành 2 HCB ở các nội dung 50m cá nhân vòi hơi chân vịt nữ và 4x50m tiếp sức hỗn hợp. Đây là thành tích cao nhất, một kỷ lục của thể thao Thanh Hóa mà 1 VĐV giành được tại 1 kỳ Sea Games.
Chiều 18/5, lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Cẩm Thủy đã tới thăm, chúc mừng, động viên và trao tặng 100 triệu đồng (mỗi đơn vị 50 triệu) cho gia đình vận động viên Cao Thị Duyên.