Áp lực tiếp tục tăng theo đề xuất của bộ trưởng Thăng

Áp lực tiếp tục tăng theo đề xuất của bộ trưởng Thăng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Trong những quy định về xử phạt hành chính, bộ trưởng GTVT lại có thêm đề xuất mới về tịch thu, sung công xe đua trái phép và thêm điều kiện bắt buộc để chủ ô tô được tham gia giao thông...

Điều kiện khó cho người sở hữu ô tô

Một trong những đề xuất bổ sung các quy định xử phạt hành chính được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra lần này là: "Quy định chủ xe ô tô phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng, coi đây là điều kiện bắt buộc để phương tiện tham gia giao thông. Việc này nhằm rút gọn các thủ tục, biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính, ngoài hình thức nộp tiền vi phạm hành chính về trật tự ATGT tại kho bạc. Qua đó, có thể thực hiện hình thức xử phạt thông qua tài khoản". Quy định này nghe thì có vẻ đơn giản cho những người thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông nhưng lại gây thêm phiền phức cho người sở hữu ô tô.

Pháp luật - Áp lực tiếp tục tăng theo đề xuất của bộ trưởng Thăng

Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn về đề xuất này, luật sư Tạ Quốc Cường, phó trưởng Văn phòng Luật sư Sự Thật cho rằng: "Phải nhận thấy, tài khoản này là tài khoản luôn bất động chứ không thể giao dịch được như thẻ ATM, và đơn thuần là để đảm bảo cho việc lưu hành xe ô tô. Điều cần phải đặt ra là mức duy trì tài khoản bao nhiêu? Tính toán ra sao với việc tính lãi suất? Như thế nào cho phù hợp với lòng dân? Bởi tiền người dân không thể nằm im trong một tài khoản nào đó mà không sinh lời. Bảo người ta gửi cả trăm triệu đồng liệu có ổn? Về vấn đề này Bộ GTVT, Bộ Tài chính và NHNN cần phải có một thông tư liên tịch hướng dẫn”.

Luật sư Cường nói tiếp: “Ngoài ra, cũng rất cần phải tính đến việc ngân hàng nào sẽ được nắm giữ tài khoản vì nó là con số không hề nhỏ. Nếu để người dân tự chọn ngân hàng thì liệu có đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hay không; còn nếu chỉ định cho một ngân hàng, hay một khối ngân hàng nào đó liệu đã công bằng? Ngay việc chọn ngân hàng thuộc khối nhà nước hay ngân hàng TMCP cũng đã là bài toán khó rồi, còn nếu bảo khoản này do Bộ Tài chính, hay Bộ GTVT nắm thì không đúng chức năng, thẩm quyền".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hợp doanh Thiên Thanh cho hay: "Còn rất nhiều vấn đề cần phải trả lời là: Lập tài khoản ngân hàng có yêu cầu phải có tiền không? Tiền là bao nhiêu? Quy trình như thế nào? Ngân hàng sẽ thanh toán dựa trên căn cứ nào để vẫn đảm bảo chế tài được thực hiện và quyền tài sản của người đó cũng được bảo đảm? Quy định này sẽ được áp dụng ở đâu? Có loại trừ các địa phương hoặc cá nhân vì lý do khách quan nào đó không có tài khoản ngân hàng? Chưa nói đến việc áp dụng các điều kiện, quy trình, thủ tục thanh toán của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam? Cơ quan nào có quyền yêu cầu ngân hàng chuyển từ tài khoản tiền gửi của khách hàng sang Kho bạc Nhà nước trong trường hợp khách hàng bị phạt vi phạm? Chế tài đối với chế định này là gì"?

Khi được hỏi về nội dung này, đại diện một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô bày tỏ: Những chính sách thuế và phí của Bộ GTVT vừa qua là cơn "ác mộng" với ngành ô tô, chẳng hạn như phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí vào thành phố giờ cao điểm, nay lại thêm quy định mở tài khoản để chờ bị... xử phạt. Với những người có thu nhập cao, thì những loại phí này hoặc chuyện mở và duy trì tài khoản vài chục triệu đồng chẳng đáng là bao. Nhưng đối tượng phần đa của các doanh nghiệp ô tô lại là những khách hàng hạng trung bình khá, nhóm này chiếm tới 70-80%. Mua xe ô tô là sự cố gắng lớn của họ, nay lại "cõng" thêm nhiều loại phí, cộng thêm một khoản tiền làm điều kiện tham gia giao thông thì nhiều người lại phải cân nhắc chuyện có mua ô tô hay không.

Cũng theo vị này, dù phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí vào nội đô giờ cao điểm được lùi lại chờ sự đồng thuận thì nhiều hãng ô tô đã giảm số lượng bán xe rất nhiều. "Năm nay, sản lượng xe sản xuất, bán ra 2.000 xe của công ty tôi chắc không đạt", vị này nói.

Trả lời PV Nguoiduatin.vn, lãnh đạo một ngân hàng lớn thuộc nhóm quốc doanh lại có một góc nhìn, phân tích khá khôi hài về điều kiện này: "Nếu việc này đưa ra thì có vẻ có lợi cho ngân hàng quá, nó sẽ làm cho nhiều ngân hàng ngóng chờ văn bản chính thức, nhưng thực ra, người dân sẽ phản ứng, nếu xử phạt, người ta có tiền đóng luôn cũng như vậy. Có những gia đình dành dụm bao năm mới mua được chiếc ô tô, tiền thì đã hết, thậm chí là còn đi vay nợ thì lấy đâu ra tiền nữa để đóng vào tài khoản này nữa. Còn vấn đề là số tiền để trong ngân hàng là dạng tiền gì? Đây là loại không kỳ hạn, tiết kiệm hay như thế nào? Bởi vì tự dưng bắt người ta duy trì một tài khoản mấy chục triệu đồng chẳng hạn mà không được sử dụng gì thì nó rất vô lý, không phù hợp".

Sung công xe đua trái phép, xe quá tải, phải sửa luật?

Đối với đề xuất của bộ trưởng Đinh La Thăng về sung công xe đua trái phép đã nhận được sự đồng thuận của Bộ Công an và một số đại biểu. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng: Đối với trường hợp này, về cơ bản là một trong những phương án tốt để hạn chế việc đua xe trái phép đang diễn ra. Tuy nhiên, trên cơ sở pháp luật hiện tại cần phải có hướng giải quyết để không xâm phạm đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của chủ sở hữu tài sản được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện tại mà vẫn đảm bảo tính răn đe.

Luật sư Truyền cũng đề xuất với nội dung cơ bản: Trường hợp người đua xe trái phép dùng chính xe của mình để đua, thì sẽ xử lý bằng cách tịch thu phương tiện và bán đấu giá, sung công quỹ nhà nước; Trường hợp các đối tượng đua xe dưới 18 tuổi, chưa có Giấy phép lái xe nhưng vẫn được bố mẹ, người thân hoặc người khác cho mượn xe để đi và sau đó dùng phương tiện này để đua xe trái phép thì cũng tiến hành tịch thu phương tiện, bán đấu giá để sung công quỹ nhà nước.

Trong trường hợp các đối tượng đua xe đủ các điều kiện để điều khiển phương tiện (như đủ độ tuổi, có đầy đủ Giấy phép lái xe) và đi thuê, mượn xe của người khác, sau đó dùng vào việc đua xe thì: Trường hợp chứng minh được lỗi của người cho thuê, cho mượn xe (biết sẽ dùng xe để đi đua) mà vẫn cho mượn thì cũng tịch thu, sung công. Trong trường hợp không chứng minh được lỗi của người cho thuê, cho mượn xe (việc thuê xe, mượn xe được xác lập bằng hợp đồng hợp pháp và người cho thuê, cho mượn không biết mục đích dùng xe là để đi đua xe trái phép) thì phải trả lại tài sản cho người cho thuê, cho mượn.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, theo tôi thì nên có thêm một quy định riêng, cụ thể là Tòa án hoặc cơ quan chức năng sẽ định giá đối với phương tiện tham gia đua xe như đối với trường hợp bán đấu giá những xe bị tịch thu, sau đó sẽ buộc người tham gia đua xe trái phép phải bồi thường số tiền tương đương với giá trị xe đấy để nộp vào công quỹ nhà nước. Còn chiếc xe sẽ trả lại cho người sở hữu, người sử dụng hợp pháp.

Đồng quan điểm, luật sư Tạ Quốc Cường nhìn nhận: Đề xuất tịch thu và sung công phương tiện của những đối tượng đua xe thì liên quan đến Luật Giao thông Đường bộ phải sửa, rồi các Nghị định hướng dẫn thi hành dưới luật cũng phải sửa. Thậm chí những quy định trong Luật Hình sự cũng phải sửa, bởi trong Luật Hình sự quy định, bắt được một đối tượng đua xe trái phép thì ban đầu chỉ tạm giữ phương tiện với việc xác định là tang vật vi phạm, sau đó, có bản án có hiệu lực pháp luật rồi thì mới xử lý tang vật vi phạm. Bây giờ nếu thực hiện quy định này thì phải sửa theo hướng tịch thu luôn, tức là tịch thu và phát mại rồi sung quỹ nhà nước.

Pháp luật - Áp lực tiếp tục tăng theo đề xuất của bộ trưởng Thăng (Hình 2).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Khuyến cáo từ bí thư Thành ủy Hà Nội: "Quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội"

Trong một phát biểu tại cuộc họp bàn về việc hiệu quả thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm lập lại trật tự giao thông trên địa bàn Hà Nội, diễn ra sáng 27/3, bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khuyến cáo: "Chúng ta muốn hạn chế phát triển ô tô cá nhân, mà mới bắt đầu đã thấy nói là đụng tới quyền tự do mua sắm. Quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội. Nếu chúng ta cứ khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì một lúc người có xe cá nhân sẽ không có cả quyền được đi".

Vương Hà - Vương Trần


Cùng chuyên mục

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Nạo vét, tuồn cát ra ngoài tỉnh: Chủ tịch Bình Định chỉ đạo kiểm tra

Thứ 5, 25/04/2024 | 21:53
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn kiểm tra, xử lý vụ việc Người Đưa Tin phản ánh.

Tp.HCM cảnh báo chiêu lừa dịp lễ 30/4 - 1/5

Thứ 5, 25/04/2024 | 20:31
Bên cạnh lưu ý người dân cảnh giác với các chiêu lừa đảo vào dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an Tp.HCM sẽ huy động 100% lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát.

An Giang: Khởi tố 2 cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên

Thứ 5, 25/04/2024 | 20:02
Cả 2 bị can là cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên cùng bị khởi tố để điều tra cùng về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoãn xử vụ BV thẩm mỹ Nam An kiện Cty quản lý Hoa hậu Lê Hoàng Phương

Thứ 5, 25/04/2024 | 19:32
Sau khi đặt nhiều cầu hỏi cho Công ty Sen Vàng, đại diện Bệnh viện thẩm mỹ Nam An đã đề nghị dừng xét xử và được tòa chấp nhận.
     
Nổi bật trong ngày

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.