“Bà Đỡ”: Một lịch sử rất không ồn ào

“Bà Đỡ”: Một lịch sử rất không ồn ào

Hoài Nam
Thứ 7, 05/11/2022 | 08:00
0
Khi đọc những phiến đoạn hồi ức tuổi thơ trong bản thảo “Bà Đỡ” của nhà nghiên cứu văn học Nga, PGS Đào Tuấn Ảnh, tôi xin được nương theo nhà văn Nguyên Ngọc để nói rằng “Bà Đỡ” là một lịch sử không ồn ào.Thậm chí là một lịch sử rất không ồn ào.

Năm 2008, cuốn hồi ký “Cô bé nhìn mưa” của nhà nghiên cứu văn học Pháp, PGS Đặng Thị Hạnh được xuất bản lần đầu tiên (NXB Phụ Nữ). Ngay lập tức tác phẩm đã tạo ra một sức cuốn hút mạnh với công chúng, ít nhất là với đối tượng công chúng “siêu độc giả”, tức các nhà văn và các nhà nghiên cứu văn chương. Bởi chất thơ của một lối viết hồi ký rất khác so với lối viết hồi ký quen thuộc. Bởi một số trang không nhỏ trong tác phẩm là để kể về thế giới sách vở vô cùng ấn tượng của người viết. Và bởi, nói như nhà văn Nguyên Ngọc, cuốn hồi ký là: “Một lịch sử khác của thời chúng ta, không ồn ào, mà vô cùng chân thật. Để ta gỡ bỏ những gì đã bị áp đặt và tô vẽ lên lịch sử, vì những mục đích nào đó. Để ta thật sự hiểu con người của chúng ta, nhân dân vĩ đại mà cũng giản dị vô cùng của chúng ta”.

“Một lịch sử không ồn ào”. Tôi chú ý đến nhận định này và tin rằng đó là nhận định chính xác về cuốn sách của PGS Đặng Thị Hạnh. Và bởi thế, khi đọc những phiến đoạn hồi ức tuổi thơ trong bản thảo “Bà Đỡ” của nhà nghiên cứu văn học Nga, PGS Đào Tuấn Ảnh, tôi xin được nương theo nhà văn Nguyên Ngọc để nói rằng “Bà Đỡ” cũng là một lịch sử không ồn ào. Thậm chí là một lịch sử rất không ồn ào.

Vì, dù tác giả “Cô bé nhìn mưa” chỉ định kể lại những kỷ niệm êm đềm ngày xưa, với những người thân yêu trong gia đình, ở những góc đời thường bình dị nhất, nhưng nhân vật của bà hầu hết đều là những “đại nhân vật”, những con người được lịch sử gọi tên, không ở phương diện này thì ở phương diện khác. Cho nên “không ồn ào” nhưng cuốn sách của PGS Đặng Thị Hạnh vẫn khiến người ta phải thường xuyên làm phép đối sánh giữa hình ảnh được tạo dựng trong thực tế của những “đại nhân vật” ấy, với chính họ qua lời kể của tác giả hồi ký. Đến “Bà Đỡ” của PGS Đào Tuấn Ảnh thì điều đó là bất khả. Bởi tất cả những nhân vật trong “Bà Đỡ”, tức những người thân trong gia đình hai bên nội ngoại của tác giả, đều là những con người vô cùng bình thường, những phân tử bị hòa tan trong cái biển nhân dân vô danh mênh mông. (Thậm chí ngay cả bà ngoại của tác giả, nhân vật thú vị nhất trong thiên hồi ức – “người bà có sức hút bí ẩn đối với tôi”, người bà mà ngay từ khi mới biết đọc biết viết, “tôi đã mơ một ngày nào đó sẽ viết hẳn một truyện dài về bà ngoại tôi” – thì vô danh hoàn toàn: bà không có tên, bà được người đời gọi tên bằng chính cái nghề đỡ đẻ, cái nghề đã bám níu lấy bà suốt cả cuộc đời đằng đẵng, và bà cũng dùng nó như phương cách để nuôi cả một bầy cháu mồ côi lít nhít. Gọi bà là Bà Đỡ, là vì thế).

Và, trong một tình huống như vậy, có lẽ người ta phải đọc hồi ức tuổi thơ của PGS Đào Tuấn Ảnh mà không cần quan tâm đến tính chính xác, chân thực của sự tái hiện quá khứ bằng trí nhớ. Tôi đã đọc cuốn hồi ký này – có thể gọi nó là hồi ký được rồi – theo cách đó, như đọc một truyện kể với nhiều nhân vật, nhiều chi tiết vừa cảm động vừa hài hước, cảm động đến mức gây ra cái cười hài hước và hài hước đến mức khiến ta thấy cay sống mũi vì cảm động.

Văn hoá - “Bà Đỡ”: Một lịch sử rất không ồn ào

Theo nhà văn Nguyên Ngọc để nói rằng “Bà Đỡ” cũng là một lịch sử không ồn ào.

Cảm động, bởi dẫu thời thế tao loạn đảo điên đau thương tan nát đến đâu, đẫu bom đạn bời bời, dẫu đấu tố liên miên, dẫu thiếu mặc đói ăn vàng da xanh mắt, thì tính người qua những câu chuyện mà PGS Đào Tuấn Ảnh kể lại vẫn được gìn giữ như người ta gìn giữ một viên ngọc quý, và nó cứ mãi lấp lánh sáng, bất chấp thời gian. Cảm động, bởi sự tử tế trong trái tim con người, trong cách mà mỗi người đối xử với mọi người, từ thân đến sơ, bất chấp nghịch cảnh bủa vây.

Có cảm giác như trong hoài niệm tuổi thơ của một người phụ nữ đã vào độ thất thập, đắng ngọt vị đời đã nếm đủ, chữ nghĩa thiên hạ cũng đã thừa kinh lịch đa mang, thì chỉ có sự tử tế là đáng nhớ về, và rất ít có chỗ để nhớ những bất nhân tráo trở, cay độc nghiệt ngã của nhân gian. Trong niềm nhớ ấy, ở quầng sáng lung linh và tha thiết nhất, chính là hình ảnh Bà Đỡ, tức bà ngoại của tác giả, người bà đã một tay nuôi nấng, dạy dỗ, bảo bọc, cưu mang cả một bầy cháu mồ côi lít nhít. Bằng cái nghề đỡ đẻ và những công việc đồng áng lặt vặt. Bằng một tình thương yêu khôn cùng và một nghị lực phi thường. Và sâu xa, bằng cả một niềm cảm thông và sẻ chia sâu sắc với những bà góa là con gái, con dâu của mình: nuôi các cháu, để mẹ chúng còn yên lòng mà sống tiếp, sống sao cho thật hạnh phúc với cuộc đời mới.

Tất nhiên bà không nuôi các cháu trong sự đủ đầy về cái ăn, cái mặc, cái ở. Đói nghèo, thiếu thốn mọi đường. Nhưng cũng bởi sự thiếu thốn ấy – được kể lại với nhiều chi tiết cụ thể và cực sống động, như việc bà cháu làm nước chanh đường liên hoan với nhau, chẳng hạn – mà đời sống tinh thần của những đứa trẻ mồ côi rách rưới lại hiện lên viên mãn đến lạ kỳ. Một đám trứng gà trứng vịt trên dưới mười tuổi, nhưng chúng biết thương, biết chăm và biết bảo vệ lẫn nhau. Dưới cánh ấp của bà, tự chúng làm thành một thế giới đầy ắp tiếng cười. Hơn thế nữa, nhờ bà và những cuộc hầu đồng tại gia đơn sơ, chúng còn biết, còn cảm nhận được sự tồn tại và cái thiêng của một thế giới thần linh siêu việt, một thế giới mà người phàm có thể trút bỏ hết những oan ức cơ cực mỗi khi thăng hoa vào đó, một thế giới thù địch đối với những người trơ trơ vô cảm nhân danh duy vật chủ nghĩa. Tôi muốn nói đến đoạn hồi ức về cuộc hầu đồng của Bà Đỡ, một đoạn văn xuất sắc của sự phối trộn giữa kể, tả, và cảm thán, một đoạn văn mà cái phơi phới siêu thăng bỗng bị đánh sập bằng bình luận cuối kết: “Người ta đã dùng cái thước phàm trần thô kệch xua bà ra khỏi chỗ trú duy nhất”. Ấy là khi tác giả kể chuyện đại diện chính quyền địa phương sừng sộ đến bắt bà phải ngưng các cuộc hầu đồng, với lý do “mê tín dị đoan”. Người đó, lại là “cái người vừa ra khỏi bụng mẹ đã xám đen, nếu bà không kiên trì hà hơi, dốc ngược vỗ mông truyền sự sống thì đã không có trên đời”. Vậy mà “bà chỉ nhẫn nhịn thở dài”.

Ngoài bà ngoại/ Bà Đỡ ở vị trí trung tâm, hồi ký/ hồi ức tuổi thơ của PGS Đào Tuấn Ảnh còn tái hiện nhiều gương mặt người thân mà chừng như con nước thời gian chưa hề làm phôi pha trong trí nhớ người kể chuyện. Đó là bà nội, là người cô (em gái của bố đẻ), là người mẹ (cô Tí Hon), là người cha dượng, là người em gái có dòng máu Tây lai được mẹ nhận về nuôi khi mới hai ngày tuổi, là vợ chồng ông bác nguyên đầu bếp khách sạn Mê-tờ-rô-pôn Hà Nội, là những “đồng bọn” trong đám cháu mồ côi như chị Sơn, anh Hiền “điếc” v.v... Mỗi con người một cuộc đời, một số phận khác nhau, nhưng họ chung nhau một điểm: Đó là những con người tử tế. (Xin nhắc lại một ý ở trên: chỉ có sự tử tế mới đáng để người viết nhớ về).

Sự tử tế của họ khiến phát sinh và lan truyền niềm xúc động, trước tính người và tình người. Khó mà có thể dửng dưng được khi biết, ở cái thời buổi tột độ thiếu thốn và dày đặc định kiến xã hội như thế, vợ chồng cô Tí Hon lại có thể nhận về một đứa hài nhi khác chủng tộc, nuôi dạy nó khôn lớn bằng trách nhiệm và yêu thương không khác gì con mình dứt ruột đẻ ra. Hoặc, đoạn kể về bà nội bà ngoại của cái Tí – người viết thiên hồi ký này – giành nhau nuôi đứa cháu gái mồ côi, theo một “chiến lược” vừa quyết liệt, đầy mưu mẹo khôn ngoan, lại vừa đầy sự tôn trọng lẫn nhau, thì thực thấm đẫm tình người. Tôi nhấn mạnh chi tiết này bởi lẽ, chính sự thỏa hiệp trong việc nuôi cháu của hai bà già đã dẫn đến chuyện Tí được đi đi về về giữa hai nhà, và quãng đường ấy, như bình luận của nhà văn Lê Minh Hà: “xứng đáng là một trong những đường về quê nội quê ngoại đẹp nhất tuổi ấu thơ của văn chương Việt”.

Bởi, đó là cả một thiên nhiên lộng lẫy những sắc màu, hình khối và chuyển động kỳ diệu trong con mắt trong veo của đứa trẻ dưới mười tuổi. Thiên nhiên ấy giao hòa với nhau, mềm mại, và vô cùng gần gũi với bản năng về cái đẹp trong tâm hồn con người. Nó găm trong ký ức đứa trẻ những ấn tượng không thể nào quên, để rồi hơn nửa thế kỷ sau, ký ức đã bật mầm bung nở thành những đoạn thơ-văn xuôi đáng là đối tượng nghiên cứu của những nhà phê bình văn chương ưa thuyết sinh thái học. Có khá nhiều đoạn thơ-văn xuôi tương tự trong thiên hồi ký này, ví như đoạn về cơn mưa hoa ở gò Lộc quê ngoại, hay đoạn Tí đứng trên đỉnh Bình Hương ở Vàng Danh ngắm ra bao la mây núi. Trong những ngữ cảnh ấy, dường như nỗi xúc động ký ức và sự mẫn cảm tinh tế với chữ nghĩa tiếng Việt đã hòa chung, biến một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp thành một người sáng tác thực thụ.

Văn hoá - “Bà Đỡ”: Một lịch sử rất không ồn ào (Hình 2).

Nhà thơ Nguyễn Duy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và tác giả cuốn sách- PGS Đào Tuấn Ảnh trong buổi giới thiệu sách.

Hồi ký “Bà Đỡ” của PGS Đào Tuấn Ảnh gồm có ba phần. Riêng phần đầu, kể chuyện bà ngoại là chủ yếu, đã chiếm đến một nửa dung lượng bản thảo. Hai phần sau, “Chuyến du lịch đầu tiên” và “Cô Tí Hon”, kể chuyện những người thân khác trong gia đình. Xa, là chuyện về thời con gái của người mẹ đẻ, tức cô Tí Hon, giờ đã ngoại cửu tuần; gần, là chuyện về những đứa cháu, con cháu của cô Hon, đứa em gái có dòng máu Tây lai mà vợ chồng cô Tí Hon nhận nuôi thuở trước. Luôn có một giọng kể nghèn nghẹn như kìm nén nỗi xúc động khi nhớ lại những cơ cực oan trái, những hy sinh thầm lặng, những trớ trêu sự đời trong cuộc đời và số phận những người thân trong gia đình của tác giả. Nhưng đồng thời cũng luôn có một giọng kể thấm đẫm tính chất uy-mua và sự tự trào về chính những cơ cực oan trái, những hy sinh thầm lặng, những trớ trêu sự đời ấy. Có thể nói, đó là một sự cân bằng về giọng điệu rất thú vị ở thiên hồi ký này.

Văn chương hàn táo giàu chất thơ, chất triết lý cộng hưởng phong cách khẩu ngữ đậm tính ngẫu hứng phây-búc–nhiều đoạn trong “Bà Đỡ” đã được tác giả “tự xuất bản” từ trước trên trang facebook cá nhân của mình – khiến cho toàn bộ văn bản được nhúng trong một lối viết hồi ký khá độc đáo. Nó không phải một sự soát xét long trọng tất thảy những gì đã xảy ra trong cuộc đời của người viết. Nó cũng không phải một cuộc tính sổ những bất công oan trái trong quá khứ. Nó là sự trân trọng những người tử tế những việc tử tế. Trân trọng cùng với sự chực chờ của một cái cười hài hước, một niềm lạc quan vào dòng sống không ngừng tuôn chảy.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: "Người viết phải trung thực với chính mình"

Thứ 2, 24/10/2022 | 19:34
Tại buổi ra mắt tự truyện Bệnh quỷ của Ruby Mac, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã thẳng thắn nói về tình hình văn hoá đọc hiện nay của Việt Nam.

Nhà văn Lê Phương Liên: "Viết sách cho thiếu nhi rất khó"

Thứ 6, 21/10/2022 | 09:15
Tại Hội sách kết nối, nhà văn Lê Phương Liên - nguyên Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đã có đánh giá về văn hoá đọc của thiếu nhi hiện nay.
Cùng tác giả

Năm năm trong một sử người tuyệt đẹp

Thứ 4, 03/04/2024 | 09:41
Với tác phẩm “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, những chỗ mờ hoặc sự thiếu khuyết đã được nhà văn giải quyết theo cách riêng của văn chương.

Nhân ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam

Chủ nhật, 31/03/2024 | 07:00
Phải thừa nhận một thực tế rằng trong đa số trường hợp, tổ chức ra mắt sách thường chính là người bỏ tiền để in cuốn sách.

Thấy gì từ các phim chiếu Tết năm 2024?

Thứ 5, 21/03/2024 | 07:00
Phim tư nhân, phim nhà nước, phim Tết “chính danh” và phim Tết không “chính danh”, đủ cả. Thế nhưng kết quả ra rạp của mỗi phim lại mỗi khác.

“Tuyệt không dấu vết”, một sự chơi của viết

Thứ 2, 18/03/2024 | 07:00
Tác phẩm “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, tôi đã viết trong một tiểu luận có tính cách tổng kết tiểu thuyết của năm: “Cuốn tiểu thuyết này khiến tôi, với tư cách một độc giả, được hưởng thụ cái cảm giác đầy hứng khởi của sự đọc.

Tại sao thơ?

Chủ nhật, 10/03/2024 | 10:11
Có thể là vì tâm hồn người Việt Nam chúng ta thiên về lãng mạn trữ tình, rất hợp với thơ (nên mới có sự kiện là số lượng người làm thơ luôn cao vọt chăng?).
Cùng chuyên mục

Tổ chức “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” vào tháng 10

Thứ 5, 25/04/2024 | 15:16
Đề án tổ chức “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt.

Kiếm hiệp Kim Dung: Môn võ công không nên xuất hiện trên giang hồ

Thứ 5, 25/04/2024 | 15:00
Sự xuất hiện của Cửu âm chân kinh đã khuấy đảo giang hồ, làm vô số cao thủ, bang phái lao vào tranh đoạt, gây ra vô số tổn thất và chết chóc.

Vai diễn để đời Quan Âm Bồ Tát trong Tây Du Ký 1986 và cuộc sống đời thực của nghệ sĩ Tả Đại Phân

Thứ 5, 25/04/2024 | 14:15
Nghệ sĩ Tả Đại Phân vào vai Quan Âm Bồ Tát trong phim nhưng được người dân bái lạy vì tưởng "Phật sống". Cuộc sống của bà luôn được rất nhiều người quan tâm.

“Hoa hậu đông con nhất Việt Nam” đưa 6 con trở lại Tp.HCM sau 4 năm “bỏ phố về rừng”

Thứ 5, 25/04/2024 | 11:25
Sau 4 năm gắn bó với ước mơ “nông trại xanh-cuộc sống an yên”. Hoa hậu Oanh Yến thấy xót xa khi các con vất vả, chịu thiệt nên quyết định đưa 6 con về lại Tp.HCM.

Lật mặt 7 đạt thành tích ấn tượng, bán 105.000 vé trong 6 ngày

Thứ 5, 25/04/2024 | 11:00
Lý Hải vừa công bố tin vui, Lật mặt 7: Một điều ước đã bán được 105.000 vé trong 6 ngày đầu tiên.
     
Nổi bật trong ngày

Hơn 1.000 cảnh sát tham gia bảo đảm ANTT đêm khai mạc du lịch Sầm Sơn

Thứ 4, 24/04/2024 | 16:02
Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ huy động hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ tham gia đảm bảo an ninh trật tự cho đêm khai mạc Lễ hội du lịch Biển Sầm Sơn năm 2024.

Sau ồn ào, Nam Em công khai số dư tài khoản khiến ai cũng tò mò

Thứ 4, 24/04/2024 | 13:30
Trải qua nhiều scandal, ca sĩ Nam Em quyết định chuyển lên Đà Lạt sinh sống.

Phát hiện rùa xanh từ Malaysia đến Côn Đảo đẻ 108 trứng

Thứ 4, 24/04/2024 | 17:24
Một cá thể rùa xanh (vích) mẹ đeo thẻ quản lý của Malaysia được phát hiện đến hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đẻ trứng.

Tổ chức “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” vào tháng 10

Thứ 5, 25/04/2024 | 15:16
Đề án tổ chức “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt.

Cảnh báo miền Bắc lại sắp có mưa dông, sấm động

Thứ 4, 24/04/2024 | 12:15
Dự báo thời tiết hôm nay (24/4) ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.