Cặp đôi giang hồ khét tiếng Hà Thành?
Một tài liệu viết rằng: Khoảng cuối đời vua Tự Đức, ở đất Hà Thành có một ông đồ nho tên là Ba Giai (Tên thật là Nguyễn Văn Giai), quê ở Hồ Khẩu, tuy thông minh nhưng rất hay nghịch ngợm và ranh mãnh. Nhiều lần lều chõng đi thi nhưng vẫn không đỗ đạt gì nên đâm ra bất mãn, chán đời, đi ngao du với những người vô công rỗi nghề và dân "anh chị" xứ Hà Thành, đua đòi ăn chơi, phá phách rồi trượt đến con đường rượu chè bê tha....
Ông Nguyễn Đình Hảo cùng các những người trong họ Nguyễn Đình luôn tự hào về cụ Tú Xuất
Bản thân Ba Giai cũng cầm đầu một bọn đàn em đi gây nhiều chuyện động trời ở Hà Nội. Cùng lúc đó, ngoài Thanh Hóa cũng xuất hiện một anh chàng cùng tuổi tên Tú Xuất nổi tiếng không kém gì về việc ăn chơi, rượu chè, quấy phá xã hội.
Theo dân gian, Tú Xuất là cháu 7 đời của Trạng Quỳnh. Thông minh nhưng lận đận trên đường thi cử, chỉ đỗ tú tài mà không sao vươn lên chiếm được mảnh bằng cử nhân. Từ đó, Tú Xuất giận thân, giận đời, sống tự do phóng túng, tìm niềm vui trong hơi men, trong nhà thổ, trong việc quậy phá thiên hạ. Xứ Thanh không phải là nơi dung thân phù hợp với lối ăn chơi đàng điếm nên Tú Xuất đã tìm đường ra Hà Nội. Đến Hà Nội, Tú Xuất liền tìm gặp được Ba Giai, lúc này đã nổi tiếng, hai người kết nghĩa ăn thề với nhau, trở thành một cặp bài trùng. Ba Giai-Tú Xuất cầm đầu một đám đàn em, tác oai tác quái trong một thời gian dài, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở một số địa bàn rộng lớn từ Bắc tới Nam.
Tác giả Vũ Văn Luân trong "Đôi điều về con người và giai thoại của Ba Giai-Tú Xuất" có dẫn lời một tác giả khác nói rằng: Ba Giai -Tú Xuất là những "quái vật" Hà Thành. Riêng Ba Giai, tác giả này cho là một người lãng mạn giang hồ, tinh ma quỷ quái đứng đầu nhiều tổ chức nguy hiểm như đứng đầu một băng đảng du côn 400 tên ở Hà Thành. Là hội trưởng trung ương thống lĩnh 8 chi đảng kẻ cắp rải rác khắp 8 cửa ô Hà Thành.
Tổng giám sát 2000 tên hủi chia làm ngót trăm chi bộ đóng rải rác ở khắp Bắc Kỳ có tổng bộ đặt ở đình ô Đông Mác Hà Nội. Đặc biệt là ông còn giữ chức tổng thanh tra cho một hội trinh thám đủ cả sư sãi, cô đầu, nhà thổ, trộm cắp, ăn mày chuyên việc dò thám các tin tức binh gia bên triều đình để mật báo cho mấy đảng giặc lớn đang đánh phá khắp Bắc Kỳ thời bấy giờ.
Những giả thiết trên xây dựng hình tượng Ba Giai-Tú Xuất như những anh chị khét tiếng Hà thành. Họ đưa những câu chuyện như ăn quỵt, chơi nhà thổ để chứng minh cho điều đó. Tuy nhiên, cách nhìn nhận trên đã bị nhiều người phản đối và cho rằng đó là cái nhìn sai lệch về hai con người này. Đặc biệt, với việc tìm ra được quê thật Tú Xuất là ở Thanh Oai thì giả thuyết nói rằng Tú Xuất từ Thanh Hóa ra và gặp Ba Giai ở Hà Nội như ở trên đã không có cơ sở.
Mong muốn làm sáng tỏ
Khi đọc những tài liệu nói rằng Ba Giai-Tú Xuất như là những phần tử xấu của xã hội, tác giả Vũ Văn Luân trong "Đôi điều về con người và giai thoại Ba Giai -Tú Xuất" đã thốt lên rằng: "Sự thực không phải là như thế". Tác giả đã chứng minh và khẳng định hai con người này hoàn toàn ngược lại.
Tác giả Vũ Văn Luân viết rằng: Đọc những bài thơ nôm và các chuyện kể kèm theo các tài liệu từ xưa ghi chép tương truyền là của Ba Giai đã giới thiệu ở trên thì thời kỳ lịch sử, xã hội Ba Giai sống là giai đoạn từ Pháp đánh chiếm Hà Nội (sau năm 1888). Năm 1892, khi các cuộc khởi nghĩa của nhân dân hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây do ông Tư So lãnh đạo bị dập tắt thì Ba Giai -Tú Xuất đã vắng bóng ở Hà Thành rồi. Lúc đó cái tệ chơi nhà thổ chưa đến mức công khai và tha hóa đến mức như truyện kể.
Nhà cầm quyền và quan huyện Thọ lúc bấy giờ có bầy ra cái lệnh cấm đĩ nhưng chúng vẫn thậm thụt dẫn các ông Tây vào nơi có gái chứa thì chính Ba Giai (theo lời truyền) đã làm bài thơ nôm cùng tên diễu cợt cái chủ trương giả nhân, giả nghĩa của chúng, nhằm móc tiền của những cô gái bất hạnh.
"Ba Giai là một nhân vật có liên quan đến các lực lượng và tổ chức yêu nước khi chúng đã ý thức được tác dụng của bài Hà Thành chính khí ca cùng với nhiều bài thơ nôm yêu nước khác mà dân chúng ở Hà Thành cho là của Ba Giai. Đó là sự thực mà nhà cầm quyền đã ghép vào các chuyện nghịch ngợm diễu cợt các quan chức không kể lớn nhỏ của Ba Giai từ sau buổi Hà Thành thất thủ cùng với các chuyện nghịch ngợm của ông và Tú Xuất thành những hành động đối kháng có liên quan đến chính trị và an ninh xã hội. Việc phê phán quy tội Ba Giai- Tú Xuất là oan uổng", ông Luân viết.
Cũng liên quan đến những quy kết không mấy hay ho về Ba Giai - Tú Xuất, ông Nguyễn Đình Hảo (hậu duệ cụ Tú Xuất-như đã giấy thiệu ở bài trước) nói rằng: "Bản thân ông và những người nhà cụ Tú không hiểu hết bối cảnh xã hội lúc đó. Về chuyện nghịch ngợm của cụ Tú Xuất, coi cụ là người lang bạt chơi bời, ham chơi, hư hỏng là không đúng. Cụ Tú Xuất có ý phản phong, phê phán những thói hư tật xấu, cụ đánh phong kiến là tới số. Nói ông đi quỵt ăn, lừa đảo là sai. Với truyền thống gia đình, bố là Đốc học, cụ Tú Xuất là tú tài, tôi không tin cụ Tú Xuất là người xấu với những trò tác quai tác quái gây tổn hại đến thanh danh".
Ông Hảo vẫn mong muốn sẽ một lần tổ chức được một cuộc hội thảo. ông sẽ mời các nhà nghiên cứu cùng tham gia tranh luận để minh oan cho những điều không hay về cụ Tú Xuất và Ba Giai. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đến nay ước muốn nhỏ nhoi của ông Hảo vẫn chưa thành hiện thực. Có một điều chắc chắn, ông Hảo và cả dòng họ Nguyễn Đình với hơn 1000 đinh (con trai) hiện đang sống tại xã Phương Trung luôn tự hào và coi cụ Tú là thần tượng, là niềm tự hào của dòng tộc.
Ông Hảo tuyên bố: "Đi đâu chúng tôi cũng có thể ngẩng đầu cao với thiên hạ vì là người nhà cụ Tú Xuất. Cũng nhờ phúc lộc tổ tiên từ cụ Đốc, cụ Tú mà con cháu trong họ làm ăn cũng phát đạt, lập nghiệp bốn phương, có người còn thành đạt cả bên trời Tây. Đó là điều tôi thấy tự hào vô cùng, chúng tôi không hổ danh là con cháu của một người thông minh tài giỏi như cụ Tú Xuất".
Như vậy, các truyện kể được xem là của Ba Giai-Tú Xuất vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng thân thế của Tú Xuất thì đã rõ ràng. ông là người Thanh Oai và ở đó vẫn còn tổ tiên, con cháu của ông đang sống và làm việc. Tú Xuất có gốc gác rõ ràng và chắc chắn người bạn thân Ba Giai của ông cũng chẳng phải là ngoại lệ. Và theo những tư liệu còn có của dòng họ Nguyễn Đình thì mở ra thêm một hướng giải thích về những "tiếng xấu" của Tú Xuất. Và đặc biệt là những cứ liệu sẽ giải thích rõ vì sao Tú Xuất bỗng dưng biệt tích.
"Uy danh một thủa, biệt tích ngàn thu"
Ông Hảo nói rất thích kết luận của tác giả Lữ Huy Nguyên về Tú Xuất: "Hỡi ôi! Uy danh một thuở, biệt tích ngàn thu. Công và tội hai bề nặng nhẹ. Khen hay chê? Thế gian này còn thì câu hỏi ấy mãi là để tài cho những cuộc tranh luận mãi không dứt". Một kết luận khác của tác giả Lã Duy Lan mà ông Hảo cũng cho là khách quan: "Tuy thể chế chính trị hà khắc đương thời không thể dung thứ cho một con người như Tú Xuất nhưng nhân phẩm và hành trang của ông vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ như một khát vọng cháy bỏng của dân chủ, tự do. Như một biểu tượng sáng ngời của trí tuệ tài năng và lòng dũng cảm". Những lời nhận xét ấy của Lữ Huy Nguyên hay ông Lã Duy Lan cũng chiếm đa số trong kho tàng sách viết về Ba Giai- Tú Xuất. Họ cho rằng, đây là hai con người đầy thông minh, không biết sợ kẻ xấu, luôn bênh vực điều hay lẽ phải.
Nguyễn Tiến Dũng