Bắc Ninh-Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến và nhân cách Việt Nam, nơi sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa văn nghệ đặc sắc, riêng có, trong đó nổi bật là Dân ca Quan họ Bắc Ninh-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trải hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người Bắc Ninh đã sáng tạo, gìn giữ và trao truyền cho hôm nay một kho tàng di sản văn hoá hết sức đặc sắc, góp phần quan trọng làm phong phú di sản văn hóa dân tộc. Nhiều di sản văn hóa của Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh (Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi thức và trò chơi Kéo co Hữu Chấp); nhiều di tích lịch sử - văn hóa của Bắc Ninh đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Đô); nhiều tài liệu, hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đặc biệt, Bắc Ninh còn tự hào là quê hương của nhiều nhà cách mạng tiêu biểu như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo...
Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.589 di tích, trong đó có 643 di tích được Nhà nước xếp hạng (04 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 204 di tích xếp hạng quốc gia và 435 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia,… Cùng với hệ thống di tích là 547 lễ hội truyền thống mang quy mô vùng miền và ở đó đã kết tinh và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, những thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước. Hàng năm đã thu hút hàng ngàn vạn du khách khắp mọi miền về trảy hội, chiêm ngưỡng, tham quan, học tập.
Bắc Ninh không ngừng nỗ lực để thực hiện các cam kết, tích cực gìn giữ, phát huy giá trị di sản quê hương. Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, đặc biệt, chú trọng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để từng bước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch; vận hành, khai thác phát huy tốt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở... Thực hiện cam kết với UNESCO, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây nhất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vừa ký, ban hành Quyết định số 406/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, phát triển du lịch Bắc Ninh nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, du lịch thông minh. Đến năm 2030, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng. Có trên 25 nghìn lao động trong ngành du lịch, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85%. Phát triển thêm từ 3-5 sản phẩm du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa. Phát triển đồng bộ các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa, các tiện ích du lịch, ứng dụng công nghệ số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa của tỉnh; phát triển được từ 1- 2 sản phẩm du lịch “ảo”, du lịch “3D”…
Để đạt được các mục tiêu trên, các Sở, ngành liên quan, các địa phương tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đối với công tác bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản văn hóa và nhiệm vụ phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai một số chương trình về văn hóa - du lịch như: “Mỗi người dân là một tuyên truyền viên di sản văn hóa, hướng dẫn viên du lịch; chương trình “Ngoại khóa văn hóa - du lịch” đưa vào chương trình giáo dục các cấp; Kế hoạch tuyên truyền thực hiện các quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các trường phổ thông, các điểm di tích, điểm du lịch…
Nâng cao nhận thức và khả năng sẵn sàng đón khách của cộng đồng dân cư; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh nhất là các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư phát triển các dự án lớn, có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ.
Tăng cường công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối trung tâm, khu, điểm du lịch, điểm di sản văn hóa; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa tiêu biểu; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, di sản văn hóa với xúc tiến du lịch và phát triển thị trường; phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc và tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh./.
Hà Tâm