Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, tốt nhất không nên uống rượu bia nếu không kiểm soát được. Phụ nữ càng không nên uống rượu vì khả năng chịu đựng với rượu thường kém hơn nam giới và khi bị ngộ độc rượu (say rượu) dễ bị lạm dụng.
(Ảnh minh họa).
Các đối tượng không nên uống rượu:
- Trẻ em, vị thành niên.
- Phụ nữ có thai (hoặc đang sắp có thai), cho con bú.
- Người không kiểm soát được số lượng uống ở mức độ ít.
- Lái xe, vận hành máy móc hoặc các hoạt động đòi hỏi tập trung, kỹ năng và phối hợp động tác.
- Đang dùng thuốc (phải hỏi kỹ đơn thuốc).
- Người mới bỏ rượu xong.
- Người bị một số bệnh
Nếu phải uống rượu, bia thì uống đúng lúc: uống sau giờ làm việc, khi nghỉ ngơi.
BS Nguyên cảnh báo, một khi đã uống rượu, bia, bạn sẽ rất dễ mất khả năng kiểm soát và chuyển từ “uống ít” sang “uống nhiều”.
BS Nguyên lưu ý, trong hầu hết các trường hợp, rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, không có loại rượu bia nào an toàn.
Bia cũng là rượu “loãng” (hàm lượng rượu ethanol thấp hơn nhưng lại uống nhiều hơn nên tổng lượng ethanol bạn uống cũng đáng kể).
Chọn mua loại rượu, bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cả về người bán và người sản xuất, để tránh trường hợp bạn uống phải rượu giả, rượu có chứa cồn công nghiệp.
Để phòng, tránh ngộ độc rượu, người dân cần:
- Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt là rượu pha chế từ cồn công nghiệp.
- Không nên uống rượu khi đói và không uống nhiều. Ví dụ: rượu sâm banh (nồng độ 11%), nên uống khoảng 150-200ml; rượu trắng (nồng độ 35-40%), nên uống khoảng 25ml.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
DIỆU THU