Người đàn ông dũng cảm lao mình xuống biển cứu người
Thông tin ban đầu trên VTC News anh Trần Văn Tính (43 tuổi, trú huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) kể, khoảng 5h30 ngày 12/5, anh đang đạp xe trên đường Độc Lập (đoạn gần quảng trường Tháp Nghinh Phong, phường 9, TP Tuy Hòa) thì nghe tiếng hô hoán có người đuối nước. Không ngần ngại, anh vội cởi bỏ quần áo ngoài rồi lao xuống biển cứu người.
Lúc này, bãi biển Tuy Hòa sóng rất lớn, nạn nhân chới với, bị sóng đẩy ra xa nên liên tục dơ tay cao cầu cứu. Chỉ trong vài phút, anh Tính đã bơi ra xa và cứu nam thanh niên lên bờ.
Nam thanh niên được cứu bị đuối sức, tinh thần hoảng loạn, được lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu kịp thời.
Nói về hành động của mình, anh Tính cho rằng đó là sự việc rất bình thường, bởi đó là lương tâm con người, khi thấy người bị nạn phải ra tay cứu giúp.
"Vì tôi sinh ra ở biển, lớn lên cũng ở biển nên biết bơi từ nhỏ. Lúc chạy xuống biển, thấy nam thanh niên chới với sắp bị nhấn chìm, tôi chỉ làm theo phản xạ là cứu người chứ không suy nghĩ gì thêm", anh Tính nói.
Được biết, anh Tính làm công việc điêu khắc đá mỹ nghệ cùng gia đình. Mỗi buổi sáng, anh có thói quen đạp xe tập thể dục dạo quanh bờ biển Tuy Hòa để hít thở không khí trong lành.
Là người chứng kiến toàn bộ quá trình cứu người, chị Nguyên Linh (trú TP Tuy Hòa) chia sẻ, sự việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong 5 phút. Trong lúc nhiều người đang hoảng hốt hô hoán kêu cứu thì anh Tính rất nhanh, mượn áo phao đeo vào hông và mặc thêm áo phao khác rồi nhảy xuống biển cứu người.
"Quan sát suốt quá trình cứu người, tôi rất hồi hộp, chỉ biết cầu mong cho mọi điều tốt lành. Khi cứu được người, ai cũng vỡ òa cảm xúc. Hành động của anh Tính rất dũng cảm và kịp thời", chị Linh nói.
Câu chuyện dũng cảm cứu người của anh Tính được chia sẻ lên mạng xã hội, nhận nhiều lượt yêu thích và bình luận cảm phục từ cộng đồng mạng.
Xử lý nghiêm việc không cho học sinh thi vào lớp 10
Theo báo Tiền Phong thời gian gần đây, một số phụ huynh trên địa bàn tỉnh Nghệ An phản ánh tình trạng một số trường có thông báo không cho học sinh lớp 9, thuộc diện phân luồng đăng ký dự thi vào lớp 10. Thay vào đó, các em sẽ được định hướng sang các trường ngoài công lập hoặc học nghề. Tình trạng này xảy ra đối với học sinh có học lực yếu, trung bình, không có khả năng đậu vào các trường công lập.
Theo quy định, tất cả học sinh lớp 9 đã được xét công nhận tốt nghiệp đều được tham gia kỳ thi vào lớp 10. Việc phân luồng có thể thực hiện sau khi các em đã hoàn thành kỳ thi và có kết quả để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh.
Trước những thông tin phản ánh, ngày 11/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung thực hiện nhiệm vụ cuối năm học 2023 - 2024. Trong đó, đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9, hướng dẫn học sinh dự thi lên lớp 10.
Theo đó, Sở đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng chủ trương phân luồng cũng như tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Tất cả học sinh lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần hướng dẫn tất cả các trường THCS trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9; hướng dẫn đầy đủ việc đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT. Đồng thời, hỗ trợ phụ huynh và học sinh trong việc đăng ký và làm hồ sơ một cách thuận lợi.
Sở cũng yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được ngăn cấm học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp dự thi vào lớp 10. Quá trình thực hiện, Sở yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc. Nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm.
Chủ trương phân luồng đã được ngành Giáo dục Nghệ An triển khai nhiều năm nay nhằm thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Qua tổng hợp, mỗi năm Nghệ An có khoảng 70% học sinh lớp 9 vào các trường công lập, khoảng 6% học sinh đậu vào các trường ngoài công lập. Số còn lại đi học nghề. Việc phân luồng cần phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tùy thuộc vào năng lực, sở thích, hoàn cảnh của các em học sinh.
Phòng, chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Thông tin trên Kinh tế đô thị theo Cục ATTP, thời tiết nắng nóng, nhất là năm nay nắng nóng khắc nghiệt, là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển với cấp số nhân, sinh ra độc tố trong thực phẩm, dễ gây ngộ độc.
Quầy bán thức ăn nhanh trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Các vụ ngộ độc lớn với số lượng bệnh nhân nhiều xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, đa số kết quả xét nghiệm các mẫu (bánh mì, thịt heo xá xíu, cơm gà, gà nướng...) đều có sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella spp. Ngoài ra còn một số các loại vi khuẩn khác như E.coli, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus...
Đề cập đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố tăng cao hơn trong mùa nắng nóng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Đáng chú ý, là khâu bảo quản không bảo đảm, thực phẩm bày bán ngoài trời, không che đậy khiến chúng dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố, người sử dụng dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, Cục ATTP khuyến cáo, đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải bảo đảm khâu vệ sinh trong quá trình chế biến. Trường hợp thức ăn chế biến ra không bán ngay, cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh.
Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, chú ý lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh ATTP. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa Hè nắng nóng. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; đặc biệt là thực hiện "ăn chín, uống sôi".
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, (Viện Dinh dưỡng quốc gia), không chỉ thức ăn đường phố không bảo đảm dễ gây ngộ độc, ngay việc chế biến thực phẩm ở gia đình, người nội trợ cũng cần chú ý khâu vệ sinh. Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chuẩn bị lượng thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần bảo quản cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...).
Thức ăn để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống, tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín.
Những dấu hiệu cho thấy, người bệnh bị ngộ độc thực phẩm cấp tính thường xảy ra ngay sau khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, với các biểu hiện như đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn ói liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngộ độc cấp tính thường do ăn phải thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay hóa chất với số lượng lớn.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người thân cần có biện pháp sơ cứu, làm cho người bị ngộ độc nôn thức ăn ra bằng cách tạo phản xạ nôn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ không tỉnh táo hoặc có co giật thì không được gây nôn, đề phòng bệnh nhân sặc. Sau khi sơ cứu tại chỗ, bệnh nhân nên được chuyển đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Trúc Chi (t/h)