Hy hữu người đàn ông nhập viện với lưỡi cày cắm sâu vào ngực
Theo Tri Thức, mới đây các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã phẫu thuật cứu sống một nông dân bị thương nặng do lưỡi cày chém sâu vào vùng ngực, nách.
Bệnh nhân V.V.V. (55 tuổi, ở Đại Lâm, Lạng Giang) trong lúc đang cày ruộng vô tình bị cuốn vào gầm máy cày. Lúc này, ông V. bị các lưỡi phay chém vào ngực, nách gây bị thương nặng.
Do lưỡi cày cắm sâu vào cơ thể, người dân xung quanh phải tháo khung lưỡi máy kèm theo ông V. đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu.
Người bệnh nhập viện tình trạng đau đớn, da tím tái, vã mồ hôi, tức ngực, chảy máu rỉ rả vùng ngực và nách.
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tích cực, đồng thời hội chẩn toàn viện. kích hoạt quy trình báo động đỏ, chuyển thẳng người bệnh lên phòng mổ.
Khi mở vết thương, các bác sĩ phát hiện tình trạng rất nghiêm trọng: bệnh nhân bị vỡ nát 1/3 giữa xương ức, đụng dập thuỳ trên phổi trái, đụng dập màng tim bên trái, đứt động mạch ngực trong hai bên, vết thương lóc da sâu vùng hõm nách trái và vết thương vùng cổ.
Sau gần 2 giờ, với sự phối hợp nhịp nhàng và khẩn trương, các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu động mạch ngực trong, mở màng tim kiểm tra, lau rửa màng phổi hai bên, khâu phục hồi xương ức bằng chỉ thép, cắt lọc vết thương vùng nách trái và đặt dẫn lưu cho bệnh nhân. Cả quá trình, người bệnh được truyền 1,4 lít khối hồng cầu và 200 ml huyết tương tươi.
Hiện tại, sau hơn một tháng điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực chống độc và Ngoại lồng ngực Chỉnh hình - Bỏng, tình trạng người bệnh đã ổn định, vết mổ khô, liền tốt và được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, cho biết quá trình điều trị sau phẫu thuật, rất nhiều lần người bệnh diễn biến nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng với sự cố gắng, nỗ lực đến cùng, theo dõi sát sao của các y bác sĩ, tình trạng người bệnh tốt dần lên cho đến khi ổn định và được ra viện.
Qua trường hợp này, bác sĩ Nam cũng khuyến cáo trong quá trình làm việc, người dân nên mang bảo hộ lao động và cẩn thận, không chủ quan để hạn chế tai nạn không mong muốn xảy ra.
Khi bị vết thương do tai nạn lao động, cần sơ cứu và đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh thiệt hại đến tính mạng.
Nhận định tuần tới nắng nóng bao phủ khắp cả nước
Dự báo đợt nắng nóng diện rộng sẽ diễn ra tại nhiều khu vực miền Bắc và miền Trung từ tuần sau. Khu vực Tây Bắc Bộ từ hôm nay đón nắng nóng, từ giữa tuần sau có nắng nóng đặc biệt gay gắt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h trưa phổ biến từ 36-38, có nơi trên 39 độ như: Sông Mã (Sơn La) 39.3 độ, Yên Châu (Sơn La) 41.3 độ,…độ ẩm tương đối thấp nhất 35-40%; khu vực Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ 13h phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Đồng Phú (Bình Phước) 36.6 độ, Tà Lài (Đồng Nai) 36.5 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%; khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ.
Ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%. Khu vực Trung Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Khu vực vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ.
Ngày 16/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%. Khu vực Lào Cai, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-45%.
Ngày 15-16/04, khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%; khu vực Tây Nguyên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.
Nắng nóng ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống từ đêm 16/4 đến ngày 24/4, phía Tây Bắc Bộ có nắng nóng diện rộng; từ ngày 18/4 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Phía Đông Bắc Bộ từ ngày 18-20/4 có nắng nóng, sau có nắng nóng cục bộ. Trung Bộ có nắng nóng diện rộng; từ ngày 18/4, khả năng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Tây Nguyên có nắng nóng diện rộng, khoảng từ ngày 20/4 có nắng nóng cục bộ. Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Hà Nội thêm 3 ổ dịch tay chân miệng được phát hiện
Theo Công Lý, trong dữ liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần này (từ ngày 5/4 đến 12/4), đã có 161 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng được ghi nhận trên địa bàn thành phố, tăng 37 trường hợp so với tuần trước.
Số ca bệnh phân bổ rải rác tại 28 quận, huyện trong thành phố, với 3 ổ dịch mới được phát hiện: tại huyện Ba Vì (2 ổ dịch) và quận Thanh Xuân (1 ổ dịch).
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên toàn thành phố Hà Nội đã lên đến 585 ca (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước).
Hiện vẫn còn 5 ổ dịch đang hoạt động, trong đó Ba Vì chiếm 3 ổ, còn Đông Anh và Thanh Xuân mỗi nơi đều có 1 ổ dịch.
Dự kiến trong tuần tới, ngành y tế TP Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động xử lý dịch triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.
Rà soát và tổng hợp số lượng trẻ em là đối tượng tiêm chủng của năm 2022-2023 chưa tiêm vaccine sởi, rubella để tổ chức tiêm bù, tiêm vét theo kế hoạch.
Cùng với đó sẽ tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, cơ sở giáo dục; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh.
Trúc Chi (t/h)