Bản tin 16/1: Mở ngành học mới đón đầu xu thế

Bản tin 16/1: Mở ngành học mới đón đầu xu thế

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 16/01/2024 06:00

Mở ngành học mới đón đầu xu thế; Tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng khoảng 2% mỗi năm; Đi xe máy vượt đèn đỏ, đâm vào ô tô, 1 thiếu niên tử vong...

Mở ngành học mới đón đầu xu thế

Xã hội - Bản tin 16/1: Mở ngành học mới đón đầu xu thế

Ảnh minh họa.

Tính đến giữa tháng 1/2024, hàng chục trường đại học (ĐH) đã công bố thông tin tuyển sinh, mở ngành học mới để đón đầu xu thế. Trong đó 2 trường ĐH kinh tế “top” đầu lấn sân sang đào tạo kỹ thuật.

Năm 2024, Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu năm 2024 với 6 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; tuyển sinh riêng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia Tp.HCM tổ chức, xét kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Đáng chú ý, năm 2024, trường dự kiến mở mới một chuyên ngành, đó là ngành Điện tử viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.

Cùng với đó, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) cũng đã thông báo, mùa tuyển sinh năm 2024 nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, khóa tuyển sinh đầu tiên sẽ được thực hiện với khoảng 50 sinh viên; Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn – ĐH Đà Nẵng cũng thông tin, trường sẽ tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu trong năm nay. Trong đó, chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn được mở mới sẽ tuyển sinh 40 chỉ tiêu. Nhà trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn...

Nhận định về cơ hội đầu ra của ngành học mới, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15 - 20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin.

Trong khi đó, 2 trường “top” đầu về đào tạo kinh tế, quản trị là Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố đề án tuyển sinh 2024 và công bố mở những ngành mới liên quan đến khối kỹ thuật.

Cụ thể, theo thông báo kế hoạch Xây dựng đề án mở ngành đào tạo trình độ ĐH của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vào ngày 10/1, năm 2024, nhà trường dự kiến sẽ mở 6 ngành mới, gồm Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý). Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến lên ĐH vào năm 2025. Nhà trường cho biết việc mở ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo; đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Liên quan đến chiến lược phát triển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chuyển đổi sang ĐH, ThS. Bùi Đức Dũng - Trưởng phòng tổng hợp, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trường đang từng bước thực hiện chiến lược phát triển thành ĐH Kinh tế Quốc dân. Tập trung hoàn thành việc thành lập 3 trường, gồm Trường Công nghệ, Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, các trường này trực thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân; Xác định phương hướng tuyển sinh từ năm 2025.

Cùng với đó, Trường ĐH Ngoại thương cũng công bố các phương thức xét tuyển ĐH chính quy năm 2024. Dự kiến tuyển sinh 4.130 chỉ tiêu, tăng 30 chỉ tiêu so với năm trước.

Việc mở ngành học mới đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường là xu thế tất yếu. Nhưng dù thế nào, việc mở mới các ngành đào tạo kỹ thuật trong khối các trường có thế mạnh về kinh tế quản trị, marketing…cũng đang khiến dư luận quan tâm.

Tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng khoảng 2% mỗi năm

Xã hội - Bản tin 16/1: Mở ngành học mới đón đầu xu thế (Hình 2).

Bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ được điều trị thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. 

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân V.V.L. (27 tuổi, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng thị lực giảm, khuyết tầm nhìn mắt phải, kèm tê bì mặt và nửa người phải.

Theo Đại Đoàn Kết, trước đó, bệnh nhân có sức khỏe bình thường, tuy nhiên, sau khi tắm khoảng 10 phút, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như trên.

Tại bệnh viện, kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não vùng thùy chẩm bên trái. Rất nhanh chóng các bác sĩ đã sử dụng phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Sau khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết 1 giờ, tình trạng mắt của người bệnh đã cải thiện 70%. Sau 3 ngày điều trị, mắt của người bệnh đã phục hồi hoàn toàn.

TS.BS Phùng Đức Lâm - Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp) cho biết: Bệnh nhân V.V.L. có tuổi đời còn rất trẻ cùng những triệu chứng bệnh lý không rõ ràng, rất may mắn người bệnh đã đến bệnh viện và được phát hiện, can thiệp kịp “giờ vàng” tránh được những biến chứng đáng tiếc do đột quỵ gây ra.

Trong những năm trở lại đây, những trường hợp mắc đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ đã không còn là hãn hữu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo báo cáo từ Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% số ca xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người trẻ.

Đáng báo động hơn, tỉ lệ tử vong do đột quỵ được dự đoán sẽ tăng 50%, từ 6,6 triệu ca năm 2020 lên 9,7 triệu ca đến năm 2050.

Trong khi đó, tại Việt Nam, số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỉ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Nếu như trước đây đột quỵ não thường gặp ở những người trên 60 tuổi thì hiện nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Các yếu tố làm gia tăng các ca đột quỵ và trẻ hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,… nhưng khôn­­g được kiểm soát. Bên cạnh đó, hút thuốc, stress nặng cũng là nguyên nhân gây đột quỵ.

BS Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) phân tích: Có rất nhiều nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não, bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì và lười vận động, đái tháo đường và tăng huyết áp, uống rượu bia… Trong đó, các nghiên cứu cho thấy khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Ngoài ra, người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch. Một trong những nguyên nhân lớn nữa đó là tình trạng uống rượu bia rất cao tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, đột quỵ thường gia tăng khi trời lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Do vậy, để phòng tránh, việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng; Nên ngủ trong phòng kín gió, luôn giữ đủ ấm cho cơ thể; Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt, vì vậy buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài, không nên xuống giường ngay khi vừa thức dậy; Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện huyết áp cao, đái tháo đường,… cần được uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.

Đi xe máy vượt đèn đỏ, đâm vào ô tô, 1 thiếu niên tử vong

Xã hội - Bản tin 16/1: Mở ngành học mới đón đầu xu thế (Hình 3).

Hiện trường vụ tai nạn. Báo Hải Dương.

Theo báo Hải Dương, hồi 20h15 ngày 14/1, tại khu vực ngã tư có tín hiệu đèn giao thông giao giữa đường tỉnh 390 và 390D thuộc địa phận xã Nam Trung (Nam Sách) xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Thông tin ban đầu cho thấy, vào khoảng thời gian trên, em P.Đ.D., sinh năm 2009, trú tại thôn La Đôi, xã Hợp Tiến và em N.V.H., sinh năm 2007, trú tại thôn An Thượng, xã Nam Chính (cùng huyện Nam Sách) chở nhau trên xe mô tô 34M1-062.48 đi trên đường tỉnh 390 theo hướng từ xã Hợp Tiến đi thị trấn Nam Sách. Cả hai không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ). Xe mô tô này đã va chạm với ô tô 99A-619.85 do anh H.T.T., sinh năm 1983, trú tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng) lái trên đường tỉnh 390D hướng cầu Hàn đi quốc lộ 37. Hậu quả, em P.Đ.D. chết trên đường đưa đi cấp cứu, em N.V.H. bị thương nặng; xe ô tô và mô tô bị hư hỏng.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.