Bản tin 19/7: Đề nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên

Bản tin 19/7: Đề nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên

Thứ 6, 19/07/2024 06:00

Đề nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên; Suy đa tạng nguy kịch sau chế biến thủ lợn...

Đề nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên

Bản tin 19/7: Đề nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên- Ảnh 1.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sáng 18/7. Ảnh: Báo Đại Biểu Nhân Dân

Theo Đại Biểu Nhân Dân trao đổi tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sáng 18/7, nhiều ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đề nghị xem lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên. 

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Điều 46, dự thảo Luật Nhà giáo quy định, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

Góp ý quy định này, đại diện một số cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Đức Trọng cho rằng, do đặc thù của nghề nhà giáo, nhất là bậc mầm non, tiểu học, giáo viên nữ ngoài 50 tuổi có nhiều sa sút về sức khỏe. Vì vậy, đề nghị xem xét lại quy định này, có thể điều chỉnh về mức như trước, 55 tuổi; hoặc trong trường hợp giáo viên không bảo đảm sức khỏe, có thể cho nghỉ hưu sớm; hoặc có thể có khung độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên lựa chọn phù hợp với điều kiện sức khỏe và mong muốn của mình.

Về định danh nhà giáo, các ý kiến cho rằng, giáo viên chuyển sang làm cán bộ quản lý thì vẫn là nhà giáo, nhưng nhân viên trường học không thể là nhà giáo, vì không được đào tạo theo đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với nhân viên trường học cần có sự tương đồng với các đối tượng khác. Hiện nay, 3 tháng nghỉ hè, nhân viên cấp dưỡng trong trường học không được hưởng lương, phải đi làm công việc khác và khi vào năm học mới có thể không về lại trường làm việc nữa.

Về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc. Bởi nếu đào tạo từ các trường sư phạm, giáo viên đương nhiên bảo đảm kiến thức, kỹ năng và được bồi dưỡng thường xuyên hằng năm. Nếu có, chứng chỉ hành nghề chỉ cần thiết đối với cơ sở tư thục; còn không cần thiết đối với trường công lập. Vì thế, yêu cầu về chứng chỉ hành nghề nên phân theo nhóm đối tượng và tùy thuộc vào đơn vị sử dụng giáo viên.

Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn huyện, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Đức Trọng cho biết, từ năm 2015 đến nay, ngành giáo dục huyện đã tinh giản 319 biên chế theo quy định, dẫn đến phải co giảm lớp để bảo đảm cho số biên chế phải tinh giản trong khi số lượng học sinh hằng năm đều tăng.

Năm 2024, ngành được giao 2.021 biên chế và 78 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng người làm việc của các trường thuộc UBND huyện hiện nay là 2.278 người (công lập 2.074; tư thục 204).

Làm rõ vụ 3 thi thể trên cầu vượt ở Cần Thơ

Bản tin 19/7: Đề nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên- Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn.

Ngày 18/7, lực lượng chức năng TP. Cần Thơ vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông khiến 3 người tử vong trên cầu vượt IC3. Hiện, tài xế xe container bị nghi gây ra tai nạn trên rồi bỏ trốn đã bị tạm giữ.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 0h30 ngày 18/7, nhiều tài xế lưu thông trên Quốc lộ 1 từ cầu Cần Thơ về Bến xe trung tâm Thành phố phát hiện 3 thanh niên nằm bất động sát nhau trên cầu vượt IC3 (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).

Khi người dân kiểm tra, cả 3 đều đã tử vong. Trong đó có 1 thi thể không còn nguyên vẹn, cạnh 3 nạn nhân có xe máy màu trắng biển số Cần Thơ.

Theo nguồn tin của phóng viên, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nghi vấn tập trung vào khả năng tai nạn giao thông. Phương tiện liên quan vụ tai nạn trên là xe container. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế đã lái xe bỏ trốn.

Qua truy xét nhanh, lực lượng chức năng xác định xe container tình nghi gây tai nạn mang biển kiểm soát Hà Nội, kéo theo rơ-moóc, do tài xế N.V.T. (42 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình) điều khiển.

Bước đầu tài xế T. khai nhận, rạng sáng cùng ngày, T. điều khiển phương tiện trên Quốc lộ 1 thì xảy ra va chạm với 3 thanh niên trên.

Công an đã tạm giữ tài xế T. để điều tra, làm rõ vụ việc.

Danh tính 3 thiếu niên tử vong trên được xác định gồm: P.T.L. (17 tuổi, ngụ quận Cái Răng); P.M.P. (16 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều); và L.T.H. (17 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).

Suy đa tạng nguy kịch sau chế biến thủ lợn

Bản tin 19/7: Đề nghị xem xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên- Ảnh 3.

Bệnh nhân đang điều trị tại viện.

Theo Giáo dục và Thời đại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (V.T) 52 tuổi ở Thanh Hóa với chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết có sốc do liên cầu lợn, Viêm phổi / theo dõi Xơ gan.

Khai thác tiền sử bệnh cách vào viện 12 ngày, ông T. có chế biến thủ lợn. Sau một ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, nổi các ban xuất huyết trên da.

Ông được đưa vào cơ sở y tế gần nhà và sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, tụt huyết áp.

Ông T. được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu. Mặc dù được hồi sức tích cực trong một tuần, nhưng tình trạng không cải thiện, tiến triển suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng. Kết quả cấy máu ra Streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn).

Ông T được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng: thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, nhiều mảng xuất huyết trên da, xuất huyết tiêu hóa, vô niệu. Ông T. tiếp tục được duy trì thở máy, lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm máu và kháng sinh thích hợp.

ThS.BS Phan Văn Mạnh – Khoa Cấp cứu cho biết, bệnh liên cầu lợn có thể gặp ở bất kỳ người nào khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy, bệnh có thể hay gặp hơn trên nền bệnh nhân lạm dụng rượu. Những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh lý nền, tuổi cao thì bệnh càng diễn biến nặng.

Cũng theo bác sĩ Mạnh, bệnh liên cầu lợn thông thường sẽ gây ra 2 bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não. Bệnh nhân này đã được chọc dịch não tủy và loại trừ viêm màng não.

Tuy nhiên, ở bệnh nhân này, tình trạng nhiễm khuẩn huyết tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều hậu quả nặng nề như rối loạn đông máu, suy đa tạng kéo dài.

Qua đây, bác sĩ Mạnh khuyến cáo, trong quá trình tiếp xúc với lợn, người dân nên đặc biệt chú ý đeo găng tay và khẩu trang.

Bản chất vi khuẩn liên cầu lợn quần cư ở trên đường hô hấp của lợn. Do đó, không có gì có thể loại khỏi vi khuẩn đó mà chỉ có cách phòng tránh để hạn chế lây nhiễm vào người.

"Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vắc-xin, nên ăn chín uống sôi rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn lợn chết, lợn bệnh. Không ăn các chế phẩm từ lợn chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn", bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.