Bản tin 24/3: Nhiều cuộn thép "bay" khỏi xe đầu kéo, va trúng 3 ô tô

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Chủ nhật, 24/03/2024 06:00

Bản tin 24/3: Nhiều cuộn thép "bay" khỏi xe đầu kéo, va trúng 3 ô tô; Bệnh nhân bị cúm A H5 đầu tiên trong năm đã tử vong...

Nhiều cuộn thép "bay" khỏi xe đầu kéo, va trúng 3 ô tô

Xã hội - Bản tin 24/3: Nhiều cuộn thép 'bay' khỏi xe đầu kéo, va trúng 3 ô tô

Hiện trường vụ tai nạn.

Các cuộn thép nằm ngổn ngang giữa đường, lực lượng CSGT phải dựng rào chắn để điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho các phương tiện.

Theo VTC News chiều 23/3, Trạm CSGT An Hưng – Phòng CSGT Công an Tp.Hải Phòng cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc xe đầu kéo làm rơi các cuộn thép xuống đường khiến 3 ô tô hư hỏng nhẹ.

Khoảng 13h40 ngày 23/3, xe đầu kéo BKS 15F-01076 kéo rơ-moóc BKS 15RM-00148 chở nhiều cuộn thép đi trên Quốc lộ 10 (đoạn qua phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải phòng). Khi đến Km24+400, xe rẽ phải về cầu Kiền thì bất ngờ các cuộn sắt nặng hàng tấn trên rơ-moóc rơi xuống đường, va đập vào 3 xe ô tô khác.

Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người, 3 ô tô bị hư hỏng nhẹ sau va chạm.

Ngay sau khi tại tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT phối hợp với Công an quận Hồng Bàng có mặt điều tiết giao thông, ghi nhận hiện trường để xử lý vụ việc.

Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan các xe chở ống cọc bê tông, tấm tôn, cuộn sắt thép… không được chằng buộc cẩn thận nghênh ngang đi trên đường.

Mới đây nhất, ngày 21/3, chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ-mooc chở hàng chục cuộn sắt chạy từ Quốc lộ 38 hướng đi Đông Khôi (Thuận Thành, Bắc Ninh). Khi đến ngã tư Đông Khôi, 3 cuộn sắt bất ngờ rơi xuống đường.

Sự việc xảy ra ban đêm, đoạn đường ít người qua lại nên không gây thiệt hại về người và tài sản.

Trước đó, khoảng 22h45 ngày 19/2, tài xế Vũ Quang Hưng (SN 1979, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) lái xe container đầu kéo chở theo 4 cuộn inox đường kính 1,5m.

Khi tài xế đi đến nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội), 3 cuộn inox trên rơ-moóc rơi xuống đường, lăn trúng chiếc ô tô đang dừng đèn đỏ trên đường Phạm Hùng, hướng đi Khuất Duy Tiến.

Cú va đập với cuộn inox nặng hàng tấn khiến ô tô hư hỏng phần đầu. Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người.

Những lưu ý khi sử dụng Atlat địa lý trong thi tốt nghiệp THPT 2024

Xã hội - Bản tin 24/3: Nhiều cuộn thép 'bay' khỏi xe đầu kéo, va trúng 3 ô tô (Hình 2).

Ảnh minh họa

Thông tin trên báo Hà Nội Mới Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6 với khoảng 1 triệu thí sinh dự thi. Đây là kỳ thi đầu tiên áp dụng Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành. Đây còn là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, việc ghi nhớ, tuân thủ quy chế thi, đặc biệt là những điểm mới trong quy chế thi năm nay là điều các thí sinh không nên chủ quan.

Một trong những điểm mới quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là quy định danh mục các vật dụng được mang vào phòng thi và danh mục tài liệu, vật dụng cấm không được mang vào phòng thi. Atlat địa lý là một trong số các vật dụng, tài liệu được mang vào phòng thi để phục vụ quá trình làm bài thi. Tuy nhiên, thí sinh phải tuân thủ quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành về việc sử dụng Atlat địa lý trong quá trình dự thi.

Cụ thể, khi mang Atlat vào phòng thi để sử dụng trong giờ thi môn thi thành phần địa lý của bài thi tổ hợp khoa học xã hội, thí sinh phải ghi rõ họ tên và số báo danh của mình vào trang bìa của Atlat và nộp Atlat cho cán bộ coi thi để kiểm soát. Cán bộ coi thi giao lại Atlat cho thí sinh khi bắt đầu giờ làm bài môn thi địa lý. Thí sinh được phép sử dụng Atlat trong giờ làm bài môn địa lý, tuy nhiên, ngay khi hết giờ làm bài môn này, thí sinh phải nộp lại ngay cho cán bộ coi thi. Cán bộ coi thi sẽ chỉ trả lại Atlat địa lý cho thí sinh sau khi các em hoàn thành môn thi cuối cùng của mình trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội.

Theo lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, bài thi khoa học xã hội diễn ra vào sáng 28/6. Thí sinh thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp này theo thứ tự lần lượt là: Lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, thí sinh được phép mang vào phòng thi bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Bệnh nhân bị cúm A H5 đầu tiên trong năm đã tử vong

Ngày 23/3, bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa chia sẻ với Tri Thức & Cuộc sống, dù các cơ sở y tế đã rất nỗ lực điều trị nhưng bệnh nhân bị cúm A/H5 là nam sinh B.T.Đ. đã tử vong vào sáng cùng ngày.

Trước đó, các bác sĩ bệnh viện đã hội chẩn với đồng nghiệp hai bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM nhưng không thể cứu sống bệnh nhân.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus A, gồm kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase).

Có 15 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H15 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1 đến N9.

Đến nay qua kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định loại kháng nguyên trong ca bệnh này là N1 (virus cúm A H5N1).

Đây là ca đầu tiên tử vong do cúm A H5 tại Việt Nam kể từ đầu năm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Khánh Hòa đang tiếp tục tìm nguồn lây song song với điều tra dịch tễ, khoanh vùng những người tiếp xúc bệnh nhân để tránh lây thành dịch và lan rộng trong cộng đồng.

Cúm gia cầm ở người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp, nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc, thậm chí tử vong.

Nguồn lây cúm A H5 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh.

Rất hiếm khi dịch cúm gia cầm được truyền từ người sang người, trong các trường hợp có sự tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh như mẹ chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh thì virus cúm A H5 mới lây từ người sang người.

Người bị cúm gia cầm thường có các triệu chứng giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn (trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị virus cúm A H5 xâm nhập).

Các triệu chứng thường gặp, như sốt cao đột ngột trên 38 độ C; rét run, đau đầu; đau ngực, khó thở, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm; đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời…

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cúm này cho người.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.