Bản tin 24/5: Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới

Bản tin 24/5: Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 4, 24/05/2023 05:00

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới; Cấp thêm 12 mã số vùng trồng cho "thủ phủ" vải thiều Bắc Giang...

Nam thanh niên đi xe máy tự ngã ra đường tử vong

Thông tin trên ATGT, nam thanh niên ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, điều khiển xe máy đang đi trên đường bất ngờ tự gây tai nạn dẫn đến tử vong tại chỗ.

Vào khoảng 9h05 ngày 23/5, trên đường 48A thuộc địa phận xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) xảy ra một vụ tai nạn tự gây khiến một nam thanh niên tử vong tại chỗ.

Thời điểm trên, anh N.V.B. (SN 1985, ngụ ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh) điều khiển xe máy mang BKS 35B2-123.36 lưu thông theo hướng huyện Kim Sơn - Tp.Ninh Bình bất ngờ ngã xe ra đường.

Hậu quả, vụ tai nạn khiến anh N.V.B tử vong tại chỗ, chiếc xe máy bị hư hỏng.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Công an huyện Yên Khánh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc, đồng thời điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Cấp thêm 12 mã số vùng trồng cho "thủ phủ" vải thiều Bắc Giang

Xã hội - Bản tin 24/5: Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới

Ảnh minh họa.

Theo VOV, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan.

Cụ thể, 9 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia với tổng diện tích hơn 117 ha cho nhóm hộ tại các xã: Phì Điền, Kiên Lao, Quý Sơn của huyện Lục Ngạn; Đồng Hưu, Đồng Vương, Canh Nậu của huyện Yên Thế và xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên. Đây là những nhóm hộ đầu tiên được cấp mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Australia.

3 mã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan có tổng diện tích 42 ha được cấp cho tổ sản xuất vải thiều tại các thôn: Thị, Giữa và Tân Long của xã Tân Trung, huyện Tân Yên.

Như vậy, sau 12 mã số vùng trồng được cấp mới, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và 9 mã số xuất khẩu sang thị trường Australia. Ngoài ra, tỉnh cũng hiện có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc; 37 mã số xuất khẩu sang Nhật Bản và 15 mã số xuất khẩu sang Mỹ.

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới

Xã hội - Bản tin 24/5: Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Theo TTXVN, sáng 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động với chủ đề: “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá với sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; kêu gọi mọi người bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Chia sẻ về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.

Thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến rừng bị tàn phá và gia tăng ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm từ 3.000- 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000- 47.000 tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất độc hại từ các mẩu thuốc lá.

Nhiều năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Theo ước tính của WHO, Việt Nam đã tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan sử dụng thuốc lá, ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỉ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là khoảng 1.277 tỷ đồng/năm.

Tuy vậy, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Mức giảm tỉ lệ người sử dụng thuốc lá của Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp, giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới, đa dạng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá.

Trao đổi tại hội nghị, Giám đốc HealthyBridge Canada Việt Nam Nguyễn Thị An nhấn mạnh tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em. Với các gia đình, việc có thành viên sử dụng thuốc lá đã lấy đi một phần thu nhập đáng kể, số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư cho giáo dục và y tế . Ở Việt Nam, năm 2020, chi mua thuốc lá của người dân là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5/25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra là 24.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị An khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm các địa điểm cấm hút thuốc, quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán sản phẩm thuốc lá lậu. Việt Nam cũng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn gia tăng sức mua, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Sử dụng chính sách thuế và giá là giải pháp hiệu quả cao trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo áp dụng.

Chính phủ cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện, thuốc lá nung nóng theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO; tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; truyền thông về trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, người lớn trong bảo vệ trẻ em tránh khỏi tác hại của thuốc lá...

Bên cạnh đó, bàn về lợi ích của chính sách thuế đối với thuốc lá, kinh nghiệm quốc tế, và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Tăng thuế thuốc lá trong ngắn hạn sẽ giúp đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm; trong dài hạn sẽ giúp đạt mức 70-75% giá bán lẻ theo tiêu chuẩn toàn cầu của WHO. Ngoài ra, Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối để giảm bớt sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, hạn chế việc thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận và bắt đầu hút thuốc.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.