Bộ GD&ĐT lý giải việc thí sinh đăng ký xét tuyển đại học giảm 20% so với năm trước
Theo báo VietNamNet, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa phân tích dữ liệu thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022.
Bộ GD&ĐT cho biết, theo số liệu thống kê của năm 2022, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống là 642.270. Con số này năm 2021 là 794.739 thí sinh. Số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.
Bộ GD&ĐT nhận định, số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học đại học ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập.
Theo Bộ GD&ĐT, điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo).
Theo Bộ GD&ĐT, đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.
Dưới đây là một số phân tích trên cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống.
Bộ GD&ĐT cho rằng, thống kê này cho thấy điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhất là ở các khối A0, A1 và B0 thì các mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp.
Riêng khối C0 điểm có khá hơn. Tuy nhiên, năm nay tổ hợp C0 có phổ điểm thí sinh đạt được rất cao trên cả nước, do vậy mức độ cạnh tranh xét tuyển sẽ cao hơn, điểm sàn mà các trường công bố cũng có xu hướng cao hơn.
Mở thêm bãi giữ xe cho công viên bến Bạch Đằng
Ngày 24/8, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn gửi các sở ngành, đơn vị liên quan về tình hình an ninh trật tự tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1), báo Lao Động đưa tin.
Theo đó, thời gian qua, tình trạng thiếu chỗ giữ xe ở khu vực công viên bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ thường xuyên xảy ra. Nhiều xe máy đậu tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường. Đặc biệt vào chiều tối, nhiều người chiếm dụng lòng lề đường đậu xe, bán hàng rong tại khu vực công viên bến Bạch Đằng khiến khu vực này trở nên bát nháo, mất trật tự đô thị.
Trước tình trạng này, UBND Tp.HCM giao Công an Thành phố, UBND quận 1 phối hợp triển khai thực hiện ngay các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng người dân dừng, đỗ xe dưới lòng đường Tôn Đức Thắng và khu vực công viên bến Bạch Đằng. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng rong, chèo kéo, tranh giành khách.
Sở Xây dựng được giao khẩn trương rà soát, tổ chức thêm các bãi giữ xe phù hợp tại khu vực công viên bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tránh các trường hợp để xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông.
Thành phố cũng giao UBND quận 1 phối hợp, làm việc với Lực lượng Thanh niên xung phong để tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết tình trạng buôn bán hàng rong, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường tại khu vực công viên bến Bạch Đằng.
Về lâu dài, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực trung tâm, UBND Tp.HCM giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu các giải pháp để đưa vào nội dung dự thảo Chỉ thị mới của Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố trong tỉnh hình mới. Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao làm tốt công tác quy hoạch, các dự án phải có đánh giá tác động đối với giao thông, môi trường khu vực xung quanh. Trong đó, ưu tiên quy hoạch thêm nhiều công viên cây xanh, các bãi giữ xe ngầm hoặc cao tầng tại khu vực trung tâm thành phố.
Ca Covid-19 mới cao nhất trong hơn 3 tháng qua
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 24/8 của Bộ Y tế cho biết có 3.591 ca Covid-19 mới, tăng gần 400 ca so với hôm trước đó.
Về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.392.859 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.834 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 14.132 ca; tổng số ca được điều trị khỏi là 10.104.180 ca. Số bệnh nhân tử vong từ 17h30 ngày 23/8 đến 17h30 ngày 24/8 ghi nhận 2 ca tử vong tại Tây Ninh. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid -19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.108 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid -19, trong ngày 23/8 có 561.916 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 255.132.271 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 218.345.144 liều: Mũi 1 là 71.375.604 liều; Mũi 2 là 68.976.346 liều; Mũi bổ sung là 15.229.839 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 49.502.555 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 13.260.800 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.054.216 liều: Mũi 1 là 9.083.949 liều; Mũi 2 là 8.780.866 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 4.189.401 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 14.732.911 liều: Mũi 1 là 9.022.843 liều; Mũi 2 là 5.710.068 liều.
Minh Hoa (t/h)