Bí quyết đạt điểm cao các bài thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là hơn 1.071.000, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927 em, chiếm 6,25%; nhiều nhất là thí sinh của Hà Nội với 21.554 thí sinh; TP.HCM có 13.076 em.
Năm nay, chỉ 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên, còn lại 63% chọn bài thi Khoa học xã hội. So với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Các hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26-29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8h ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.
Để đạt điểm cao ở bài thi trắc nghiệm, Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội chia sẻ với Tiền Phong, với bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nhất định phải mang đồng hồ để chủ động trong việc tính toán và phân bổ thời gian cho các phần, thí sinh cần mang đồng hồ, nên mang loại có kim thì việc ước lượng thời gian sẽ dễ hơn loại hiện số (không được mang đồng hồ thông minh).
Việc thí sinh không mang đồng hồ là một bất lợi rất lớn do không căn được thời gian và luôn trong tâm lí vội vàng, dễ mắc sai lầm.
Cũng theo thầy Tùng, các em cần kiểm tra kĩ đề bài và tô mã đề.
Với môn thi trắc nghiệm, thí sinh được phát đề trước 5 phút với môn tổ hợp, 10 phút với Toán, Ngoại ngữ. Giai đoạn này thí sinh chưa được làm bài mà cần kiểm tra kĩ các trang của đề xem có cùng mã đề, đủ số trang, số câu hỏi, có bị mờ hay không… Sau đó, thí sinh hoàn tất thủ tục viết và tô mã đề; việc này cần làm cẩn thận để đúng quy chế và không bị sai.
Mặt khác, theo thầy Tùng, học sinh nên làm bài theo 3 giai đoạn. Đề thi đã sắp xếp các câu từ dễn đến khó, thuận lợi cho thí sinh làm bài.
Giai đoạn 1: Làm ngay các câu dễ (nhận biết, thông hiểu). Các câu này thường không cần nháp hoặc nháp rất ít.
Giai đoạn 2: Làm các câu cần phải phân tích, nháp nhiều hơn (mức vận dụng).
Giai đoạn 3: Giải quyết các câu còn lại (thường là mức vận dụng cao). Với các câu này, không có mẹo mực nào để “điền lụi” vẫn đúng. Thí sinh cần tích cực phân tích đề, vẽ hình nếu cần, xem xét các trường hợp đặc biệt,... để chọn phương án hợp lí nhất.
Thầy Tùng cũng lưu ý thêm, để không bị bỏ quên, cần ghi ra nháp 2 cột: các câu chưa chắc, các câu chưa làm để bố trí thời gian quay lại xử lí. Cuối giờ cũng phải rà soát một lượt xem có câu nào chưa tô hoặc tô chưa đúng quy định.
“Ngoài ra, thí sinh không nên đầu hàng hay xin nộp sớm. Theo quy định thì với môn thi trắc nghiệm, thí sinh không được nộp bài sớm. Vì thế, cần chắt chiu thời gian và chiến đấu đến phút cuối cùng”- thầy Tùng nhấn mạnh.
Thầy Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh, thời gian là yếu tố rất quan trọng nên thí sinh không được để lãng phí. Cần đọc đề nhanh và chú ý (có thể gạch chân) từ chìa khóa. Tăng cường suy luận, tính nhẩm, càng lệ thuộc máy tính thì càng mất thời gian, tôi vẫn nói vui với học sinh rằng “cầm máy tính càng nhiều thì điểm thi càng thấp”.
“Học sinh lưu ý là mình đang làm trắc nghiệm, tức là nháp cũng cần gọn, nhanh, đừng trình bày dài dòng. Nếu trong đề đã có hình vẽ thì dùng luôn hình đó, nếu chưa có hình trong đề thì có thể tự vẽ hình (nên vẽ nhanh, đủ rõ ràng để làm bài, không cần phải vẽ bằng thước.
Thầy Tùng lưu ý thêm, thí sinh nên sử dụng linh hoạt các cách làm tùy theo đặc điểm của câu hỏi. Đề thi trắc nghiệm, mỗi cầu hỏi thường có nhiều cách để tiếp cận, để xử lí, đưa ra lựa chọn đúng (làm tự luận, thay đáp án, loại trừ, đặc biệt hóa hay nhờ máy tính hỗ trợ…).
Với mỗi câu hỏi, thí sinh cần căn cứ vào các dấu hiệu để lựa chọn cách làm phù hợp. Cách làm hay nhất là cách ngắn nhất.
“Phương châm là “không bao giờ từ bỏ”, cố gắng hết mình với từng câu hỏi, như thế thì học sinh sẽ không bao giờ nuối tiếc", thầy Tùng đưa ra lời khuyên.
Bé trai 7 tuổi khó thở, tràn dịch màng phổi do sán ký sinh
Theo VTC News bé trai 7 tuổi (Tuyên Quang) được mẹ đưa đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ trong tình trạng tổn thương phổi, ngực đau tức, khó thở.
Mẹ bé cho biết trước khi vào viện con trai ăn cua đá nướng. Vài tháng gần đây trẻ xuất hiện triều chứng đau đầu, buồn nôn, được thăm khám tại bệnh viện tỉnh, nghi ngờ xuất huyết não được chuyển tuyến lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy, trẻ bị tổn thương tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi thi thoảng kêu tức ngực, không khó thở, được điều trị tràn dịch màng phổi ổn định và xuất viện.
Về nhà được một thời gian trẻ tiếp tục xuất hiện triều chứng tức ngực, khó thở được đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu của trẻ nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên được giới thiệu đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Qua thăm khám trẻ được chẩn đoán mắc sán lá phổi. Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có thể là do ăn phải cua đá nhiễm ấu trùng sán lá phổi chưa được nướng chín kỹ. Bệnh nhi được chỉ định nằm viện một tuần để điều trị sán.
Theo bác sĩ, trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng vài chục ca sán lá phổi/năm. Người nhiễm sán lá phổi thường có triệu chứng ho nhiều, khạc đờm, đờm kèm máu, có thể tức ngực, khó thở. Điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản.
"Khi bệnh nhân ho, đau tức ngực thường là tổn thương tại phổi", bác sĩ Hách nói và cho biết, bệnh nhân nhiễm sán lá phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề tại phổi.
Trên thế giới, hơn 40 loài sán lá phổi thuộc giống Paragonimus được báo cáo lây nhiễm cho động vật và người. Trong số hơn 10 loài được báo cáo lây nhiễm sang người, phổ biến nhất là P. westermani. Hiện ở Việt Nam mới chỉ phát hiện được loài P. heterotremus gây bệnh trên người.
Bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ở một số tỉnh phía Bắc nước ta như Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An.
Người hoặc động vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống thì sau khi ăn ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
Để phòng bệnh sán lá phổi, bác sĩ khuyến cáo luôn ăn chín, uống sôi, để phòng trừ bị sán lá phổi, tuyệt đối không ăn cua hoặc tôm chưa nấu chín. Mỗi người phải có ý thức quản lý chất thải cá nhân như đờm, phân hoặc dịch màng phổi, giữ vệ sinh môi trường. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh nên thăm khám để được điều trị kịp thời.
Tài xế xe tải mở cửa khiến người đi xe máy ngã ra đường bị xe container cán tử vong
Theo ATGT vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra lúc đầu giờ sáng ngày (26/6), tại tuyến đường tỉnh qua xã Dương Quang, TX.Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Theo thông tin từ người dân địa phương, vào thời gian trên, tài xế xe tải dừng xe và mở cửa thiếu quan sát. Đúng lúc này, một phụ nữ đi xe máy BKS 89F1-021.2x đi tới không kịp phản ứng. Bị cánh cửa xe tải đẩy ngã ra đường.
Không may, khi người phụ nữ vừa ngã ra đường liền bị xe đầu kéo container BKS 15R-114.9x cán qua người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Qua giấy tờ tùy thân và các đặc điểm nhận dạng, người dân xác định nạn nhân là nữ giới (SN 1990, quê ở Dương Xá, hiện đang sinh sống ở Lê Xá, đã có chồng và 2 con nhỏ). Thời điểm xảy ra tai nạn, nạn nhân trên đường đi làm ca trở về. Khi chỉ cách nhà một đoạn đường ngắn không may xảy ra tai nạn thương tâm.
Hiện, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Trúc Chi (t/h)