Ba trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2024
Theo báo Hà Nội Mới năm 2024 là năm đầu tiên áp dụng Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thí sinh cần lưu ý quy định về quyền lợi của mình khi tham dự kỳ thi để chủ động phương án khi có sự cố phát sinh. Kèm theo mỗi trường hợp cụ thể, quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hướng dẫn về điều kiện cụ thể.
Theo quy chế thi, để được xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh phải tham gia kỳ thi và làm đủ số bài thi theo quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, thí sinh được hưởng chế độ đặc cách tốt nghiệp.
Cụ thể, có ba trường hợp thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông:
Thứ nhất, trong trường hợp bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày, hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Các thí sinh này phải có xếp loại học lực và hạnh kiểm cả năm học lớp 12 đạt loại khá trở lên.
Thứ hai, trong trường hợp bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể tiếp tục dự thi, hoặc sau khi bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số bài thi còn lại. Các thí sinh này phải bảo đảm điều kiện: Điểm của những bài đã thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt từ 5,0 điểm trở lên; xếp loại ở lớp 12 có học lực từ trung bình trở lên và hạnh kiểm từ khá trở lên.
Thứ ba, vận động viên đủ điều kiện được xét đặc cách theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29-4-2019 của Chính phủ.
Cụ thể, tại Điều 5, Nghị định số 36/2019/NĐ-CP quy định: “Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế được xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông nếu thời gian thi trùng với thời gian vận động viên tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế”.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 diễn ra vào ngày 27 và 28-6, với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi.
Thông tin mới nhất vụ 6 người nhập viện sau ăn bánh mì
Theo Giao Thông ngày 29/5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đã ký văn bản chỉ đạo kiểm tra, làm rõ vụ 6 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì.
Cụ thể, ông Tuấn yêu cầu Sở Y tế tỉnh này chỉ đạo các cơ sở y tế nơi bệnh nhân nhập viện tập trung điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, phối hợp với UBND TP Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh và kịp thời xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Như tin đã đưa, khuya ngày 24/5, nhiều người dân mua bánh mì tại một quầy hàng thực phẩm ở Chợ đầu mối nông sản (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) để ăn.
Đến sáng hôm sau thì xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói... nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Qua tiếp nhận, điều trị Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi bước đầu xác định 6 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Hiện, cả 6 bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sức khỏe tạm ổn định, không có dấu hiệu biến chứng nặng.
4 ngân hàng quốc doanh sẽ trực tiếp bán vàng cho người dân
Sáng 29/5, trả lời báo chí về mục tiêu và biện pháp can thiệp thị trường vàng của NHNN trong thời gian tới, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.
Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%.
Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung-cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
Nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
NHNN cũng đang đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các TCTD và DN và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Ngay trong thứ Hai tới – ngày 3/6/2024, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới.
Các ngân hàng thương mại với mạng lưới rộng khắp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường, đạt được mục tiêu như đã nêu trên.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững. Do đó, trước những diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới, người dân cần rất thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình.
Trước đó, ngày 27/5, NHNN đã phát đi thông cáo cho biết sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. NHNN cho biết, việc điều chỉnh nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới.
Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.
Trúc Chi (t/h)