Đầu năm học mới, Điện Biên thiếu khoảng 2.000 giáo viên
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, năm học 2023 - 2024, so với định mức được giao, địa phương còn thiếu khoảng 2.000 giáo viên các bậc học từ mầm non đến THPT.
Cụ thể, bậc học thiếu nhiều nhất là mầm non, với khoảng 980 giáo viên; tiếp đến là bậc THCS, thiếu khoảng 540 giáo viên; bậc tiểu học và THPT thiếu từ 230 đến 260 giáo viên. Các địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất là Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa.
Trao đổi với VOV, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên, song chủ yếu là do những năm gần đây có nhiều giáo viên xin chuyển vùng công tác, chuyển ngành, hoặc bỏ việc... trong khi việc tuyển dụng giáo viên mới chưa đáp ứng, thiếu nguồn tuyển giáo viên chất lượng. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp ở tỉnh đã rất quan tâm đến công tác bổ sung giáo viên ở các cấp học, nhưng do nguồn tuyển hạn chế, nhất là với giáo viên các môn chuyên biệt; chế độ đãi ngộ chưa cao, áp lực công việc lớn... nên khó thu hút lượng người dự tuyển".
Giải pháp bù đắp lượng giáo viên thiếu trong những năm học gần đây là các nhà trường phân công giáo viên dạy tăng giờ, dạy liên trường, liên xã, liên cấp, tăng tiết... nhằm đáp ứng tốt nhất việc giảng dạy, học tập tại các nhà trường.
Thời gian gần đây tỉnh Điện Biên đang xây dựng phương án tuyển học sinh vừa tốt nghiệp THPT có nhu cầu phục vụ ngành giáo dục, sau đó cử đi đào tạo tại các trường uy tín, chú trọng vào các bộ môn còn thiếu nhiều như: Tiếng Anh, Tin Học, Mỹ Thuật... Tỉnh sẽ chi trả chi phí học tập; đồng thời đảm bảo công việc cho đội ngũ này sau khi kết thúc các khoá đào tạo. Từ đó, từng bước tạo nguồn giáo viên có chất lượng, cũng như đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao trong công tác giáo dục - đào tạo của địa phương.
Đang ngủ trưa trong nhà, sạt lở đất vùi lấp chồng tử vong, vợ may mắn thoát nạn
Theo thông tin ban đầu trên Công an Tp.HCM, khoảng 13h30 ngày 29/8, một vụ sạt lở đất đã xảy ra tại khu đồi ở thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, Bắc Giang. Một lượng đất đá lớn bất ngờ đổ xuống ngôi nhà 7 gian của vợ chồng ông Nguyễn Thanh B. (65 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thơm (61 tuổi).
Vào thời điểm này, cả hai vợ chồng đang ngủ trưa. Tai nạn xảy ra khiến bà Thơm bị mảng tường lớn dồn đẩy ra bên ngoài, còn ông Bình bị mắc kẹt bên trong.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng địa phương huyện Sơn Động đã huy động khoảng 100 chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ, người dân và hai máy xúc đến hiện trường tìm kiếm, cứu nạn. Sau hai tiếng, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể ông B.
Bị ve mò tấn công, cụ bà 80 tuổi sốt mê man hơn 10 ngày
Theo Nhà báo & Công luận, ngày 30/8, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Thị Mỹ Châu – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp.Hồ Chí Minh cho biết, bà Bùi Thị Sót (Đồng Nai) được đưa đến bệnh viện cấp cứu cách nay một tuần.
Tại phòng cấp cứu, người bệnh mê man. Bác sĩ đo sinh hiệu, phát hiện huyết áp thấp, nồng độ oxy trong máu giảm còn khoảng 93%. Người bệnh được chuyển ngay vào phòng ICU (phòng Hồi sức tích cực), dùng kháng sinh toàn thân liều mạnh và tỉnh lại.
Khai thác tiền sử bệnh, bà Sót đi khám tại nhiều bệnh viện lớn, được chẩn đoán nhiễm trùng chưa rõ ngõ vào, cho dùng thuốc và về nhà tự theo dõi. Tuy nhiên, tình trạng sốt, mệt mỏi, đau nhức không thuyên giảm.
Bác sĩ Châu cho biết, qua thăm khám phát hiện cụ Sót có vết loét ở dưới nếp lằn tại ngực – một dấu hiệu điển hình của bệnh sốt ve mò. Hỏi thăm bệnh sử, vùng dịch tễ, người bệnh cho biết xung quanh nhà có trồng vườn, bà thường xuyên ra vườn quét dọn vườn chôm chôm.
Ve mò là loại ký sinh trùng Orientia tsutsugamushi, sống ký sinh trên ve thường có ở những vùng cây cối rậm rạp. Người bệnh khi bị sốt ve mò thường có triệu chứng sốt kéo dài (sốt trên 37,5 độ C, kéo dài trên 7 ngày), nổi hạch, đau cơ, nhức đầu, ho, rối loạn tiêu hóa… Đặc điểm của sốt mò chính là các vết loét trên da do ở các vùng như cơ quan sinh dục, mông, chân… (do ve mò thường chỉ nhảy cao 20 – 30 cm). Rất hiếm trường hợp vết loét ở phần trên cơ thể.
Xác định người bệnh mắc bệnh sốt mò, bác sĩ Châu quyết định ngưng các loại thuốc kháng sinh thông thường. Người bệnh được dùng một loại kháng sinh truyền đường tĩnh mạch chuyên điều trị bệnh sốt mò.
Ngay sau dùng thuốc, người bệnh phục hồi nhanh, ngưng sốt, nồng độ oxy máu và huyết áp ổn định dần. Sau 7 ngày điều trị, người bệnh tỉnh táo, ăn uống bình thường và xuất viện.
Bác sĩ Châu cho biết thêm, sốt mò là một bệnh hay gặp ở vùng có nhiều cây cối. Người bệnh thường sinh hoạt, làm việc, đi lại trong vườn, rẫy, nơi có nhiều ve và có thể có ký sinh trùng Orientia Tsutsugamushi sống bám vào.
Bệnh sốt ve mò có thể tự giới hạn sau 3-4 tuần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh trở nặng, khiến người bệnh bị sốc, suy các cơ quan như suy thận, suy gan, tăng men gan… Nhiều trường hợp phải thở máy, lọc máu.
Bác sĩ Châu khuyến cáo, người bệnh nếu phát hiện vết loét trên da kèm theo biểu hiện sốt kéo dài, đau nhức mình mẩy, ho, mệt, vàng da, vàng mắt… nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Trúc Chi (t/h)