Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có trong vài ngày tới
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vài ngày tới, Bộ sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT dự kiến bổ sung đầy đủ các chứng chỉ ngoại ngữ đủ tính pháp lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp năm 2024, tạo sự công bằng chung cho các em và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận.
Tháng 4/2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Sau khi thi xong, có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển đại học.
Liên quan đến việc thí sinh vừa biết điểm thi tốt nghiệp, vừa biết kết quả xét tuyển sớm các trường, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, dù đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn chưa đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Thí sinh phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nào yêu thích nhất lên trên.
Năm 2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thong 2018 (chương trình mới).
Nhiều ý kiến băn khoăn là nếu học sinh không đạt điểm để vào đại học năm 2024 thì năm 2025 sẽ phải thi như thế nào. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, nếu các em sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, các em phải thi cùng những thí sinh năm sau. Đồng thời khẳng định, sẽ không có kỳ thi lại. Đây là một cuộc đua có nhiều khó khăn, thách thức nên các thí sinh năm nay cần lường trước để nỗ lực hết mình để xét tuyển vào ngành mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận, chúng ta không thể tổ chức riêng một kỳ thi cho vài em không đỗ tốt nghiệp. Về mặt logic là như thế. Tỉ lệ này cực kỳ nhỏ nên các em phải ôn tập để thi cùng với thí sinh năm sau. Tuy nhiên đây là định hướng chung, còn phương án cuối cùng sẽ do lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định.
Rà soát, tổ chức giao thông các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe
Theo báo Nhân Dân Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị chức năng cần kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để kịp thời bổ sung hộ lan, hốc cứu nạn (nếu cần thiết).
Bộ Giao thông vận tải vừa có công điện gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong mùa Lễ hội Xuân Giáp Thìn và năm 2024.
Theo đó, Bộ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp, các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông để kịp thời bổ sung kết cấu hộ lan, hốc cứu nạn tại các đoạn đèo dốc (nếu cần thiết) trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trong cả nước.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng, quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định; quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô-tô) để xử lý vi phạm theo quy định.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tham quan, du lịch, lễ hội của người dân tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đối với hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe ôtô gây hậu quả nghiêm trọng.
Để tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tối đa các nguy cơ xảy ra tai nạn trên đường bộ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người lái xe trong bảo đảm an toàn giao thông; đặc biệt chú trọng thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, khoảng cách giữa các xe trên đường cao tốc, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định.
Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống vạch sơn, báo hiệu đường bộ, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm, tuyến đường dẫn đến khu vực lễ hội lớn, điểm du lịch thu hút đông người.
Sở Giao thông vận tải địa phương cũng được yêu cầu kiểm tra, chỉ đạo các bến xe thực hiện nghiêm các quy định đối với xe ra, vào bến; kiên quyết không cho xuất bến đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện kỹ thuật an toàn theo quy định.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có hành trình đi trên đường cao tốc, trên các tuyến đường có độ dốc cao, đơn vị kinh doanh vận tải cần chú trọng thực hiện nhắc nhở đối với lái xe trước mỗi chuyến đi để tăng cường ý thức chấp hành quy định về thời gian lái xe, tốc độ, khoảng cách giữa các xe trên đường cao tốc.
Nữ sinh hôn mê sâu do thuốc an thần
Thông tin trên Pháp luật Việt Nam bệnh nhân là bé gái D.N.B.N, 15 tuổi, ngụ ở quận 12, Tp.HCM. Cách nhập viện 3 giờ, cô giáo ở trường gọi trẻ dậy, trẻ có mở mắt khi gọi, nhưng không dậy, lơ mơ, không trả lời, không sốt. Sau đó cô giáo phát hiện thấy 1 hộp thuốc Rotudin 30mg trên giường của trẻ, trong thùng rác có 10 vỉ Rotudin, 1 vỉ 10 viên, đã bóc hết vỏ thuốc.
Ngay lập tức cô giáo đưa trẻ nhập viện địa phương, được chẩn đoán ngộ độc thuốc an thần Rotundin, sơ cứu rồi chuyển bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tình trạng lúc nhập viện trẻ mê sâu, đồng tử 2 bên đều 2mm, không phản xạ ánh sáng, môi hồng, chi ấm... Tại đây trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc an thần Rotudin, được xác định vào giờ thứ 3 sau khi sử dụng.
Trẻ sau đó được đặt nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, sử dụng than hoạt để loại bỏ thuốc Rotudin ra khỏi cơ thể. Đồng thời truyền dịch để bù đắp lượng dịch và điện giải bị mất do ngộ độc.
Kết quả sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, cai máy thở thành công, được khám và tư vấn tâm lý để hỗ trợ vượt qua cú sốc tinh thần.
Qua trường hợp trên, bác sĩ lưu ý phụ huynh cần quan tâm đến phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, bên cạnh việc học tập văn hóa. Bên cạnh đó cần phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện các vấn đề tâm lý và hỗ trợ trẻ.
Trúc Chi (t/h)