The Economist (báo Anh) hôm 17/4 đưa tin, cuộc nội chiến Tigray ở Ethiopia (11/2020 – 11/2022) đã khiến hơn 600.000 người thiệt mạng, bao gồm cả binh sĩ tham chiến và dân thường.
“Không có ước tính về thương vong nào ở Ukraine cao bằng số người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Tigray”, The Economist kết luận.
Chiến tranh ở Tigray cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người (ảnh: RT)
Nga và Ukraine đã một số lần đưa ra các thông tin về thiệt hại nhân mạng của đối phương. Con số cao nhất gần đây mà một bên đưa ra về số binh sĩ thiệt mạng của bên kia là 145.850. Tuy nhiên, các số liệu này khó kiểm chứng độc lập, và các bên dường như có xu hướng đưa tăng về thiệt hại của bên kia.
Lần gần nhất Nga tuyên bố về thương vong của binh sĩ nước này là ngày 21/9/2022. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho hay, 5.937 binh sĩ Nga đã hy sinh.
Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter rằng, khoảng 100.000 lính Ukraine đã thiệt mạng. Tuyên bố này bị gỡ bỏ sau đó.
Tháng 12/2022, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Zelensky, tiết lộ, số binh sĩ Ukraine thiệt mạng là 10.000 – 13.000 người. Theo tài liệu mật rò rỉ của Lầu Năm Góc do Reuters trích dẫn thì số binh sĩ thiệt mạng của Ukraine là 15.500 – 17.500 người.
Theo các tổ chức truyền thông quốc tế, số liệu thương vong do Nga và Ukraine công bố chưa được kiểm chứng độc lập.
Số liệu từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho thấy, có khoảng 8.000 dân thường thiệt mạng và khoảng 14.000 người khác bị thương trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Những ước tính trên đều thấp hơn số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến Tigray, theo The Economist.
Chiến tranh Tigray là cuộc xung đột vũ trang xảy ra ở vùng Tigray (miền Bắc Ethiopia). Xung đột bắt nguồn từ việc chính phủ Ethiopia tìm cách thay đổi nền chính trị đất nước, theo đó loại bỏ hệ thống phân chia quyền lực theo sắc tộc và theo vùng miền.
Xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ kéo dài (ảnh: RT)
Dân tộc Tigray ở vùng Tigray (có khoảng 6 triệu người) phản đối kế hoạch nói trên. Ngày 4/11/2020, lực lượng do Mặt trận giải phóng Tigray (TPLF) lãnh đạo tấn công quân đội của chính phủ Ethiopia.
Cuộc nội chiến kéo dài đến ngày 3/11/2022, khi TPLF và chính phủ Ethiopia ký kết thỏa thuận hòa bình sau 9 ngày đàm phán dưới sự hỗ trợ của Liên minh châu Phi (AU).
Nội chiến khiến kinh tế vùng Tigray kiệt quệ. Hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh thiếu thuốc men, lương thực trầm trọng. Thỏa thuận hòa bình cho phép các nhóm cứu trợ được đưa hàng hóa vào Tigray.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhiều lần kêu gọi quốc tế chú ý hơn vào việc hỗ trợ người dân ở Tigray và duy trì thỏa thuận hòa bình mới được ký kết.
Mặc dù nội chiến ở Tigray đã kết thúc, nhưng giới quan sát vẫn lo ngại về tình hình chính trị ở Ethiopia.
Theo The Economist, trong khi chính phủ Ethiopia tập trung vào cuộc chiến ở Tigray, phiến quân Oromo ở nước này đang trỗi dậy. Ethiopia có hơn 90 nhóm sắc tộc. Một số lãnh đạo sắc tộc ở nước này mang tư tưởng chia rẽ và hận thù.
“Khi sự chú ý dồn vào cuộc canh tranh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, các cuộc xung đột ở phần còn lại của thế giới trở nên tồi tệ hơn”, The Economist nhận xét.
Vương Nam – The Economist