Báo cáo Doing Business bị chấm dứt do dữ liệu bị thay đổi trái phép

Báo cáo Doing Business bị chấm dứt do dữ liệu bị thay đổi trái phép

Nguyễn Lê Tùng Phong
Thứ 4, 22/09/2021 | 08:00
0
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã chấm dứt xuất bản báo cáo Doing Business sau những bê bối về thay đổi dữ liệu nhằm nâng thứ hạng cho Trung Quốc và Arab Saudi.

Ngày 16/9 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tuyên bố sẽ chấm dứt xuất bản báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business - DB) - một báo cáo thường niên đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống luật pháp và quy định đến hoạt động kinh doanh ở 190 quốc gia, thường được xuất bản vào cuối tháng 10 hàng năm.

WB cho biết trong thông báo chính thức: “Sự tin tưởng vào nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới là rất quan trọng. Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, giúp các quốc gia đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và cho phép các bên liên quan lượng hóa các tiến bộ về kinh tế và xã hội một cách chuẩn xác hơn. Các nghiên cứu cũng là tài liệu tham khảo có giá trị cho khu vực tư nhân, xã hội dân sự, giới học thuật, báo chí và những đối tượng độc giả khác, mở rộng tri thức về các vấn đề toàn cầu".

Nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển và hỗ trợ các chính phủ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc này. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ thực hiện một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh. Chúng tôi biết ơn sâu sắc những nỗ lực của nhiều nhân viên đã làm việc hết mình để thúc đẩy chương trình nghị sự về môi trường kinh doanh, và chúng tôi mong muốn được tiếp tục sử dụng những tài năng đầy nhiệt huyết này theo một cách khác"- WB thông báo.

Việc báo cáo DB bị dừng xuất bản đã thu hút sự chú ý rộng rãi từ nhiều tổ chức, cá nhân và cả giới truyền thông.

Nguyên nhân chính của quyết định này đến từ kết quả điều tra những bất thường về dữ liệu trong báo cáo DB năm 2018 và 2020. Sau khi xem xét toàn bộ thông tin mới nhất liên quan đến các báo cáo DB, bao gồm các báo cáo liên quan trước đó, kiểm toán nội bộ và báo cáo điều tra về bất thường dữ liệu, lãnh đạo WB đã quyết định chấm dứt báo cáo DB. 

Vậy, với kết quả điều tra được công bố nghiêm trọng đến mức nào để lãnh đạo WB phải quyết định chấm dứt một sản phẩm tri thức chủ lực như báo cáo Doing Business? 

Báo cáo Doing Business được xây dựng thế nào?

Trước hết, hãy nhìn lại cách báo cáo Doing Business và bảng xếp hạng các quốc gia được tổng hợp và xây dựng. Nguyên tắc cơ bản đằng sau báo cáo này là hệ thống pháp luật và quy định cùng thực tế thi hành luật ở một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến khả năng bắt đầu và phát triển hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp tại quốc gia đó. Do đó, nếu có thể đo lường và đánh giá hệ thống pháp luật và quy định trên ở cả trên giấy tờ và thực tiễn, chúng ta có thể đánh giá được mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh cũng như các cải cách cần thiết.

Thế giới - Báo cáo Doing Business bị chấm dứt do dữ liệu bị thay đổi trái phép

Các chỉ báo được sử dụng trong báo cáo Doing Business 2018. Ảnh: Doing Business 2018

Để thực hiện mục đích đánh giá này, nhóm thực hiện báo cáo sử dụng 12 tập hợp chỉ báo chính. Các chỉ báo này đánh giá thủ tục, thời gian, chi phí, quy định và thực tiễn về: thành lập doanh nghiệp, thuê lao động, giấy phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký bất động sản, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, nộp thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản và quản lý thị trường lao động.

Mỗi quốc gia sẽ được tính số điểm riêng và xếp hạng tương ứng về chỉ số thuận lợi kinh doanh, thứ hạng càng cao thì môi trường kinh doanh càng thuận lợi. Thêm vào đó, 10 quốc gia cải cách sâu rộng nhất từ 3 chỉ báo trở lên sẽ có tên trong bảng xếp hạng riêng. Bất thường dữ liệu và bê bối đã bắt nguồn từ những điểm số và bậc xếp hạng đó.

Bất thường về dữ liệu

Vào tháng 6/2020, trong nội bộ WB bắt đầu có những báo cáo về một số bất thường trong dữ liệu trái với phương pháp luận phục vụ báo cáo DB 2018 và 2020, 2 báo cáo này lần lượt được xuất bản vào tháng 10 năm 2017 và 2019.

Ngày 27/8/2020, WB chính thức ra thông báo về việc phát hiện những bất thường này và cho biết sẽ  xem xét và đánh giá có hệ thống các thay đổi trong dữ liệu cũng như sử dụng hệ thống kiểm toán nội bộ độc lập của WB Group nhằm kiểm tra quá trình thu thập và xử lý thông tin cho báo cáo DB 2018 và 2020.

Ngày 16/12/2020, WB công bố kết quả kiểm tra bất thường dữ liệu, sửa chữa cần thiết và kết quả kiểm toán nội bộ. Theo kết quả kiểm tra, dữ liệu đã bị thay đổi ở 4 nước: Trung Quốc (báo cáo DB 2018), Arab Saudi, UAE và Azerbaijan (báo cáo DB 2020).

Trung Quốc

Thực chất, dữ liệu của Trung Quốc có một số thay đổi ở cả báo cáo DB 2018, 2019 và 2020. Tuy nhiên, chỉ có bất thường dữ liệu ở báo cáo DB 2018 rõ rệt đến mức thay đổi thứ hạng tổng của quốc gia này và thiếu đi lý do hợp lý.

Theo kết quả kiểm tra, các thay đổi về dữ liệu trái với phương pháp luận của nhóm thực hiện báo cáo bao gồm việc loại bỏ một số thủ tục tiếp cận tín dụng và đánh giá ưu tiên chủ nợ có bảo đảm ra khỏi việc tính điểm, cùng với đó là việc giảm thời gian chấp hành đóng các khoản bắt buộc của chủ lao động. Những thay đổi này đều được thực hiện vào ngày 19/10/2017.

Arab Saudi và UAE

Trong trường hợp của Arab Saudi và UAE, có thể nói rằng đối tượng được nhắm đến trong những thay đổi này chỉ có Arab Saudi. Cụ thể, các thay đổi về dữ liệu của Arab Saudi bao gồm việc cộng thêm điểm cho chỉ số quyền pháp lý và giảm thời gian chấp hành nộp thuế VAT. Những thay đổi này được thực hiện vào ngày 30/9/2019. Tuy nhiên, do UAE có hệ thống thuế giống với hệ thống của Arab Saudi, điểm số của quốc gia này cũng bị thay đổi theo.

Sau khi sửa lại dữ liệu, điểm số của Arab Saudi từ 71,6 giảm xuống còn 70,9 và theo đó thứ hạng của nước này sẽ tụt từ 62 xuống 63. Quốc gia cũng sẽ không còn đứng đầu bảng xếp hạng top 10 quốc gia cải cách. Thứ hạng của UAE không thay đổi do nước này chỉ mất 0,1 điểm.

Azerbaijan

Cuối cùng, theo kết quả điều tra, một số cập nhật tích cực về chỉ số của Azerbaijan mà nhóm thực hiện báo cáo đã làm đúng trước đó đã bị đảo ngược, thậm chí bị giảm đi. Các chỉ số đó có liên quan đến khả năng tiếp cận điện năng, chất lượng quá trình tư pháp cùng với một số chỉ số liên quan đến thương mại xuyên biên giới. Những thay đổi này được thực hiện vào ngày 23/9/2019.

Sau khi sửa lại dữ liệu, điểm số của Azerbaijan từ 76,7 tăng lên 78,5 và theo đó thứ hạng của nước này sẽ tăng từ 34 lên 28. Azerbaijan cũng sẽ nằm trong nhóm 10 nước cải cách sâu rộng nhất nếu dữ liệu được sửa lại cho chính xác.

Kết quả điều tra

Vậy đâu là nguồn cơn của những thay đổi về dữ liệu không phù hợp với nguyên tắc công bằng, minh bạch mà WB đưa ra cũng như trái ngược với phương pháp xây dựng báo cáo DB?

Báo cáo về toàn vẹn dữ liệu được thực hiện bởi hệ thống kiểm toán nội bộ của WB, công bố ngày 16/12/2020 đã cho thấy nhiều vấn đề trong môi trường làm việc cũng như quá trình xây dựng báo cáo dẫn đến việc dữ liệu bị thay đổi. 

Các thành viên trong nhóm thực hiện báo cáo DB nói rằng nhóm phải chịu áp lực nặng nề cả trực tiếp và gián tiếp từ một số lãnh đạo và cố vấn cấp cao của WB nhằm thay đổi dữ liệu. Thêm vào đó, các nhân viên cũng nói rằng họ không có điều kiện nói ra bất đồng của mình và sợ bị trả đũa nếu phản đối thay đổi dữ liệu hoặc công bố sự thật. Cộng dồn với môi trường làm việc đầy áp lực là quy trình và việc phân bổ chức năng nhiệm vụ không đầy đủ và rõ ràng, dẫn đến việc dữ liệu có thể bị thay đổi mà không bị phát hiện ngay. 

Kết quả báo cáo sơ bộ chứa đầy vấn đề về môi trường làm việc và quy trình xử lý dữ liệu như vậy dường như đã bắt buộc WB phải mở một cuộc điều tra nội bộ sâu rộng do công ty luật WilmerHale thực hiện, sử dụng khoảng 80.000 văn bản liên quan trực tiếp và phỏng vấn hơn 36 nhân viên đang hoặc đã làm việc tại WB. Và ngày 16/9 vừa qua, cùng với thông báo chấm dứt báo cáo DB, WB cũng đã công bố kết quả cuộc điều tra nội bộ này.

Theo kết quả điều tra, 2 cựu lãnh đạo là Chủ tịch WB Jim Yong Kim và CEO Kristalina Georgieva đã chịu áp lực chính trị nhằm nâng thứ hạng trong bảng xếp hạng thuận lợi kinh doanh. Áp lực này tiếp đó dồn về phía các quan chức và nhân viên cấp cao của WB và sau đó là nhóm thực hiện báo cáo DB. Trong trường hợp Azerbaijan tụt hạng, lỗi chủ yếu thuộc về một nhân vật cấp cao khác và cũng là người tham gia sáng lập báo cáo này - nhà kinh tế học Simeon Djankov.

Thế giới - Báo cáo Doing Business bị chấm dứt do dữ liệu bị thay đổi trái phép (Hình 2).

Bà Kristalina Georgieva và ông Jim Yong Kim tại một cuộc gặp tại Sendai, Nhật Bản năm 2015. Ảnh: Antony Tran/World Bank Group

Thời điểm báo cáo DB 2018 được xuất bản dường như đóng vai trò rất quan trọng trong quyết định của Chủ tịch Kim và CEO Georgieva. WB lúc đó đang thực hiện chiến dịch tăng vốn lớn và giới lãnh đạo WB khi đó được cho rằng đã lo lắng phản ứng của Trung Quốc đối với việc cổ phần sở hữu của WB sẽ được tính toán lại. Đặc biệt, trong trường hợp của CEO Georgieva, bà đã cho rằng “chủ nghĩa đa phương” sẽ bị đe dọa nếu chiến dịch tăng vốn không đạt mục tiêu. Sau khi báo cáo DB 2018 đã được thay đổi, một Giám đốc Cấp cao của đơn vị Kinh tế Phát triển (DEC) phụ trách báo cáo này đã được bà Georgieva cảm ơn vì đã “làm phần việc của mình để duy trì trạng thái đa phương”.

Công ty luật WilmerHale cũng cho biết đang soạn thảo một báo cáo thứ 2 đề cập đến “hành vi sai lệch tiềm tàng của các nhân viên” tại WB.

Phản ứng với kết quả điều tra

Sau khi quyết định chấm dứt báo cáo DB và kết quả điều tra được công bố, bà Kristalina Georgieva, hiện là Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn: “Tôi cơ bản không đồng ý với kết quả và cách hiểu của Cuộc Điều tra Bất thường Dữ liệu về vai trò của tôi trong báo cáo Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới. Tôi đã có báo cáo ban đầu với Ban Điều hành IMF về vấn đề này”. Theo Reuters, trong một cuộc họp với hơn 2000 nhân viên IMF, bà cũng đã bác bỏ hoàn toàn việc gây áp lực lên nhân viên để thay đổi dữ liệu. Ủy ban đạo đức của Ban Điều hành IMF hiện đang xem xét báo cáo kết quả điều tra.

Cựu Chủ tịch Jim Yong Kim và ông Simeon Djankov hiện chưa đưa ra phản hồi nào. 

Reuters đưa tin, một số quốc gia chiếm cổ phần chủ chốt của IMF đang xem xét kết quả điều tra. Các chính trị gia từ các quốc gia khác thì lại có quan điểm tương đối trái ngược về quyết định của WB cũng như phát hiện báo cáo bị sai lệch. Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, thành viên Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Vấn đề đô thị của Thượng viện Mỹ, cho rằng cần tiếp tục xuất bản báo cáo DB sau khi tạo dựng được điều kiện đủ tin cậy thay vì chấm dứt nó. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng điểm số và thứ hạng chỉ là một thước đo không hoàn toàn liên quan đến nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh của Nga.

Về phía các nhà kinh tế học, mỗi người lại có một quan điểm riêng tùy vào vị trí và mức độ liên quan của họ với báo cáo DB.

Paul Romer, từng giữ chức Chuyên gia Kinh tế trưởng tại WB, nói rằng cựu CEO Georgieva đã “gạt đi” những quan ngại và ý kiến cải thiện của ông về dữ liệu và quá trình nghiên cứu cho báo cáo DB, và rằng bà Georgieva sẵn sàng làm điều bà thấy phù hợp mà quên đi nguyên tắc. Charles Robertson, chuyên gia kinh tế trưởng của Renaissance Capital, cho rằng chỉ số thuận lợi kinh doanh của WB đã mất giá trị được một thời gian và không phản ánh đủ thực tiễn. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự hối tiếc rằng với việc chấm dứt báo cáo DB, giới nghiên cứu cũng sẽ thiếu phương tiện tiếp cận nguồn dữ liệu đáng quan tâm của báo cáo này.

Từ góc độ quan sát của truyền thông, Mihir Sharma - một nhà kinh tế học và nhà bình luận - đã phát biểu quan điểm của ông trên Bloomberg: chỉ số thuận lợi kinh doanh của WB đáng bị chấm dứt. Theo ông, chỉ số này và cả báo cáo DB thể hiện một góc nhìn lạc hậu về kinh tế, hạn chế về phạm vi dữ liệu và trở thành nạn nhân của chính sự nổi tiếng của mình khi các chính phủ tìm cách dễ dàng nâng điểm thay vì chú trọng cải cách thực sự.

Báo cáo Doing Business và chủ nghĩa đa phương

Thế giới - Báo cáo Doing Business bị chấm dứt do dữ liệu bị thay đổi trái phép (Hình 3).

Cuộc họp Xuân 2018 của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC. Ảnh: World Bank Group

Theo báo cáo điều tra về vụ việc, một trong những lý do khiến cựu CEO của WB Kristalina Georgieva căng thẳng tột độ về kết quả báo cáo DB 2018 là cách nhìn nhận “chủ nghĩa đa phương” - một khái niệm những người nghiên cứu quan hệ quốc tế đều quen thuộc. Theo đó, một liên minh, hay trật tự bao gồm nhiều quốc gia tham gia sẽ mang lại khả năng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và cùng có lợi khi thứ ràng buộc các quốc gia ấy không chỉ còn là sức mạnh quân sự mà còn là hệ thống luật lệ, quy định, chuẩn mực và giá trị chung của hệ thống. Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WB và IMF đều là hiện thân của chủ nghĩa đa phương - nơi các quốc gia có thể tập trung, đối thoại, thương lượng và góp phần vào sự phát triển của nhân loại.

Nhưng trong trường hợp này, một khía cạnh khác đã được thể hiện - khi chính các chủ thể đa phương cần sự ủng hộ của một số quốc gia nhất định nhằm duy trì tính chính danh và ảnh hưởng của mình. Lãnh đạo WB, cụ thể là cựu Chủ tịch và cựu CEO, vì cần sự ủng hộ trong chiến dịch tăng vốn của tổ chức này mà đã phải suy xét nhượng bộ và chỉ thị điều chỉnh dữ liệu, khiến thứ hạng của Trung Quốc được tăng lên. Cũng như vậy, Arab Saudi đã ký nhiều hợp đồng sử dụng dịch vụ tư vấn RAS của WB, và do đó một số nhân vật cấp cao của WB như Simeon Djankov có thể muốn nâng thứ hạng của quốc gia này.

Thực tế đó đã cho thấy nghịch lý, một hoặc một nhóm quốc gia có ảnh hưởng kinh tế lớn vẫn có thể đơn phương bóp méo, dù không quá đáng kể, các nguyên tắc và chuẩn mực nền tảng của hệ thống đa phương. Điều này có lẽ không gây ngạc nhiên đối với những người mang quan điểm chính trị thực dụng (realpolitik), nhưng cũng sẽ là bài học nhắc nhở thái độ của các chính phủ, học giả và nhà đầu tư đối với các sản phẩm và chỉ số từ các tổ chức quốc tế lớn.

WB: Nhà đầu tư nước ngoài duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam

Thứ 5, 16/09/2021 | 14:20
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ.

Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập

Thứ 2, 28/12/2020 | 18:25
Theo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016- 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Những thách thức đón đợi tân Tổng Giám đốc IMF

Thứ 5, 26/09/2019 | 12:48
Theo đánh giá của các nhà quan sát, tân Tổng Giám đốc IMF sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức với tư cách là người đứng đầu IMF, bao gồm cả sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trước những căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với mức nợ cao trong lịch sử.
Cùng tác giả

Điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số

Thứ 5, 26/05/2022 | 13:58
Đại diện doanh nghiệp và nhà nghiên cứu cho rằng điện toán đám mây sẽ giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhưng cần có cách tiếp cận toàn diện.

Cải cách thể chế là "chìa khoá" để đạt được mục tiêu phát triển

Thứ 4, 18/05/2022 | 21:11
Các diễn giả công bố báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thuận rằng Việt Nam đã, đang và sẽ cần tiếp tục điều chỉnh thể chế để đạt mục tiêu phát triển.

Kinh tế Việt Nam tháng 4/2022: Vững chắc trước căng thẳng thế giới

Thứ 2, 16/05/2022 | 16:22
Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đà phục hồi bất chấp xung đột Nga - Ukraine, tuy nhập khẩu chậm lại do tình hình phong tỏa tại Trung Quốc.

ADB tham vấn chính sách nâng cao hiệu quả chiếu sáng đô thị

Thứ 4, 27/04/2022 | 21:08
Các chuyên gia ADB đã hỗ trợ Cục HTKT ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị, đề xuất các phương thức đầu tư phù hợp cho từng địa phương.

ADB cam kết hơn 22 tỷ USD năm 2021 đối phó đại dịch và phục hồi xanh

Thứ 2, 25/04/2022 | 10:02
Trong số các cam kết năm 2021 của ADB, 13,5 tỷ USD nhằm ứng phó đại dịch, và nhiều cam kết mang tính dài hạn, có tác động ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Cùng chuyên mục

Nga trên đà tiến, nắm quyền chủ động trên chiến trường

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:00
Moscow giành được quyền kiểm soát hơn 400 km2 lãnh thổ vào năm 2024 bao gồm các trung tâm vận tải và hậu cần quan trọng như Avdiivka và Marinka thuộc vùng Donetsk.

Tại mặt trận Zaporozhye, Nga - Ukraine giao tranh dữ dội, vũ khí tầm xa được tích cực sử dụng

Thứ 6, 19/04/2024 | 13:55
Giao tranh trên hướng Zaporozhye đang diễn ra dữ dội. Cả 2 bên đều tăng cường sử dụng vũ khí tầm xa.

Giữa căng thẳng Israel-Iran, Musk kêu gọi không phóng tên lửa vào nhau

Thứ 6, 19/04/2024 | 12:20
Chia sẻ bức ảnh chụp tên lửa trên mạng xã hội, tỷ phú Musk viết: “Chúng ta không nên phóng tên lửa vào nhau mà nên phóng tới các vì sao”.

Argentina chính thức nộp đơn xin làm đối tác của NATO

Thứ 6, 19/04/2024 | 11:52
Argentina đang tìm kiếm lợi ích an ninh thông qua mối quan hệ nồng ấm hơn với các nước phương Tây.

Nhiều vụ nổ được báo cáo ở Iran, liệu có phải Israel bắt đầu trả đũa?

Thứ 6, 19/04/2024 | 11:02
Các quan chức Mỹ xác nhận với CBS News, CNN và ABC News rằng cuộc tấn công được Israel thực hiện để đáp trả cuộc không kích quy mô lớn của Iran trước đó.
     
Nổi bật trong ngày

Nga không kích sân bay chiến lược của Ukraine

Thứ 6, 19/04/2024 | 09:55
Đêm 18/4, Nga thực hiện làn sóng tấn công mới nhằm vào các cơ sở quân sự và năng lượng của Ukraine ở khu vực Kharkov và Kiev.

Nga trên đà tiến, nắm quyền chủ động trên chiến trường

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:00
Moscow giành được quyền kiểm soát hơn 400 km2 lãnh thổ vào năm 2024 bao gồm các trung tâm vận tải và hậu cần quan trọng như Avdiivka và Marinka thuộc vùng Donetsk.

Tại mặt trận Zaporozhye, Nga - Ukraine giao tranh dữ dội, vũ khí tầm xa được tích cực sử dụng

Thứ 6, 19/04/2024 | 13:55
Giao tranh trên hướng Zaporozhye đang diễn ra dữ dội. Cả 2 bên đều tăng cường sử dụng vũ khí tầm xa.

Đằng sau việc dòng xe Lada huyền thoại của Nga trở lại thị trường Iran

Thứ 6, 19/04/2024 | 06:00
Cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy hàng trăm công ty nước ngoài rời bỏ Nga nhưng không có lĩnh vực nào của “xứ sở Bạch dương” bị ảnh hưởng nặng nề hơn xe hơi.

Argentina chính thức nộp đơn xin làm đối tác của NATO

Thứ 6, 19/04/2024 | 11:52
Argentina đang tìm kiếm lợi ích an ninh thông qua mối quan hệ nồng ấm hơn với các nước phương Tây.