Đứng trước cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt
Nhằm thảo luận về các vấn đề xoay quanh hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, đồng thời đưa ra khuyến nghị về cách tiếp cận chính sách hoạt động quản lý ngành báo chí, đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật Báo chí vào năm 2023-2024, tại tọa đàm "Kinh tế báo chí ở Việt Nam – Những vấn đề và xu hướng sau đại dịch Covid-19" do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức dưới hình thức trực tuyến sáng 24/3. Ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết nguồn tài chính cho hoạt động báo chí là một vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ cho lãnh đạo các tờ báo mà còn cho các nhà quản lý báo chí. Thậm chí, quan trọng ngay cả khi tờ báo bắt đầu làm thủ tục xin cấp phép. Vì vậy, vấn đề kinh doanh báo chí đã được đặt ra từ lâu.
“Trên thế giới, coi hoạt động kinh doanh báo chí là một ngành kinh tế, thậm chí là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, báo chí thế giới nói chung, đặc biệt là báo chí Việt Nam nói riêng hiện đang đứng trước cạnh tranh hết sức khốc liệt đối với mạng xã hội cả về nội dung thông tin lẫn tài chính”, ông Sảo bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nêu dẫn chứng về cuộc cạnh tranh khốc liệt của báo chí đối với mạng xã hội. Cụ thể, về nội dung thông tin đây là cuộc đua không cân sức, về kinh doanh dịch vụ quảng cáo, truyền thông các hoạt động báo chí thì mạng xã hội như facebook, youtube hay google cũng chiếm một phần rất lớn, vấn đề này ở Việt Nam càng gay gắt.
Trên mạng xã hội thông tin rất đa dạng, đưa nhanh, thậm chí không chính xác nhưng thu hút bạn đọc rất lớn. Vì vậy, việc cạnh tranh thông tin với báo chí rất khốc liệt. Mạng xã hội như facebook, youtube… chiếm tới khoảng 80-90% quảng cáo ở Việt Nam hiện nay.
Theo ông Sảo, cuộc cạnh tranh thông tin không chỉ ở trên mạng xã hội mà trên các kênh Youtube cũng có những nhà báo xây dựng các kênh thông tin hết sức tự do. Ở Việt Nam, ngoài việc cạnh tranh về thông tin, cạnh tranh hoạt động báo chí, kinh tế báo chí thì điều khó khăn hơn của cơ quan báo chí tại Việt Nam so với các cơ quan báo chí nước ngoài đó là sự quản lý chặt chẽ.
Hiện nay, đã có một số đơn vị bắt đầu thực hiện một số dịch vụ, hoạt động xung quanh tờ báo như: Tổ chức các sự kiện, làm các dịch vụ truyền thông, tổ chức hội đàm, hội thảo, bán các thông tin trên báo chí. Nhưng, theo ông Sảo vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay khó hơn nước ngoài đó là “làm thế nào để bán được?...”, đây cũng là điều mà ông Sảo cũng hết sức trăn trở.
Vấn đề kinh phí báo chí cũng được nhiều cơ quan báo chí kỳ vọng vào Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần. Tuy nhiên, ông Sảo cho rằng vấn đề cần thảo luận là báo chí cần hỗ trợ của Nhà nước hay báo chí cần có một cơ chế hoạt động cho tốt.
Từ những vấn đề đó, ông Sảo mong muốn các ý kiến góp ý làm sao để Luật Báo chí sửa đổi sắp tới mở ra những cơ hội vừa quản lý tốt, vừa tạo ra cơ chế thuận lợi nhất để cho các cơ quan báo chí hoạt động, thúc đẩy kinh tế báo chí phát triển. Nếu không làm được như vậy thì báo chí Việt Nam hiện nay sẽ rất khó khăn.
Chia sẻ tại tọa đàm ông Steve Taylor trưởng bộ phận chính trị, đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam bày tỏ, đối với sáng tạo số, đã tái định hình ngành báo chí tin tức, những đổi thay trong các công ty, doanh nghiệp tin tức. Rất nhiều bình luận nói rằng báo chí truyền thống sẽ sớm trở thành quá khứ.
“Ngày nay, chúng ta đã trở nên số hóa chiếc máy vi tính và internet là phiên bản của chiếc máy in ngày xưa, thông tin đang ở trên đầu ngón tay của chúng ta 24/7 thông qua những chiếc điện thoại di động.
Đối với sáng tạo số, đã tái định hình ngành báo chí tin tức, những đổi thay trong các công ty, doanh nghiệp tin tức. Rất nhiều bình luận nói rằng báo chí truyền thống sẽ sớm trở thành quá khứ.
Các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng những mô hình về thuê bao (tức là đăng ký và trả phí) để bù lại sự thay đổi về lượng độc giả của báo giấy khi chuyển sang trực tuyến”, ông Steve Taylor chia sẻ.
Có thể là một ngành kinh doanh có điều kiện
Tham gia ý kiến tại tọa đàm, ông Trương Trí Vĩnh, Nguyên giám đốc điều hành Cafe F cho rằng, nếu nhìn nhận báo chí là một doanh nghiệp, là một ngành công nghiệp thì sẽ quay về câu hỏi cơ bản là: Sản xuất cái gì? Bán cho ai? Bán như thế nào? Cơ cấu đầu ra đầu vào ra sao?... đây là những thứ rất quan trọng. Hiện các tờ tạp chí rất khó để bán được.
Ông Vĩnh cũng đưa ra những vấn đề mà mỗi cơ quan báo chí phải đối mặt như: đầu tư, chi phí…
“Chẳng hạn như nếu đầu tư vào doanh nghiệp starup, bất động sản hay công nghệ… thì vô số các quỹ nhảy vào đầu tư, nhưng khi đầu tư vào báo chí thì không có một hành lang an toàn nào cho nhà đầu tư nên hầu hết sẽ chỉ có nhà đầu tư ngắn hạn, nếu chỉ có đầu tư ngắn hạn thì không đảm bảo xây dựng bộ máy được. Như vậy, tôi cho rằng thách thức lớn nhất, cơ bản nhất không phải từ câu chuyện sản xuất nội dung mà từ câu chuyện đầu tư, không có đầu tư dài hạn thì rất khó”, ông Vĩnh phân tích.
Cùng trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, số lượng ấn phẩm phát hành ngày càng giảm đi, quy mô ngành kinh doanh báo chí ngày càng thu hẹp. Có thể thấy, ngành báo chí đang đối mặt với những khó khăn trên toàn cầu.
Số liệu về mặt nhân sự làm việc trực tiếp tại toà soạn báo chí Mỹ suy giảm suốt từ giai đoạn 2004 đến nay, số lượng lao động giai đoạn đỉnh cao nhất là xấp xỉ 70.000 đến năm 2020 số lượng làm việc trực tiếp tại toà soạn báo giảm chỉ còn khoảng 30.000 (cho thấy xu hướng thị trường ở thế giới đều suy giảm).
Tại Việt Nam, theo số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông năm 2019 đây là xu thế lượng phát hành báo in cũng đạt được giai đoạn đỉnh cao, hoàng kim vào năm 2005, xu hướng phát hành báo chí rất cao. Nhưng từ đó đến năm 2015 suy giảm liên tục. Thị trường đang rất khó khăn và ngành này đang thu hẹp.
“Nguồn thu mới cho báo chí, tôi thấy có hai nhóm nguồn thu tăng lên, đó là doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số và đọc báo trả tiền”, ông Đồng chia sẻ và cho rằng thị trường báo chí của Việt Nam cũng sẽ đi song hành với thế giới.
Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, ông Đồng cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách hướng tới sửa luật báo chí: “Tôi cho rằng, báo chí nên là một doanh nghiệp, ngành kinh doanh báo chí ở Việt Nam có thể là một ngành kinh doanh có điều kiện, khi hiến kế các chính sách, sửa Luật Báo chí hai năm tới tôi nghĩ rằng mô hình kinh doanh cho thị trường là điều mấu chốt, điều này phải tạo cơ sở pháp lý mạnh hơn để bảo vệ cho đầu tư tư nhân, doanh nghiệp.
Khi thiết kế thị trường như vậy thì cũng cần phải có sự phân loại các nhóm báo chí để thiết kế các gói chính sách phù hợp. Tôi nghĩ rằng, thị trường báo chí Việt Nam hiện đang tồn tại ba nhóm chính:
Một là, liên quan đến nhóm gắn các trách nhiệm cung cấp về mặt dịch vụ công ích về thông tin như: VTV, VOV, Quân Đội Nhân dân… là kênh được bao cấp ngân sách, cần tiếp tục coi đây là nhóm doanh nghiệp bao cấp ngân sách hoàn toàn.
Hai là, nhóm hỗn hợp vừa nhận ngân sách đồng thời đơn vị sự nghiệp tự chủ, hoạt động theo mô hình có cơ chế thị trường.
Ba là, nhóm thuần tuý báo chí có có mô hình hoạt động như doanh nghiệp.
Như vậy, cần phải có sự phân loại để tiến tới xác lập các vị trí pháp lý của ngành báo chí”.
Kết luận tọa đàm, ông Lê Đức Sảo bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến trao đổi của các khách mời, hiến kế một số giải pháp để thực hiện.
“Báo chí hướng đến nhiều thứ nhưng quan trong nhất là phải hướng tới người đọc. Người đọc muốn có nội dung hay thì phải có nhà báo giỏi, phải có các công cụ hỗ trợ như công nghệ, muốn có nhà báo giỏi, muốn có bài báo hay phải có tiền. Có tiền, nhiều tiền chưa chắc đã làm được một tờ báo hay, nhưng nếu muốn làm một tờ báo hay, khởi nghiệp một tờ báo tốt thì phải có tiền.
Làm sao để có tiền? Tôi nghĩ rằng cái quan trọng đối với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, chờ Nhà nước đầu tư là rất khó, quan trọng nhất đối với báo chí Việt Nam hiện nay không phải là tiền, không phải là đầu tư nhà nước mà quan trọng nhất là tạo ra một cơ chế để các nhà báo phát huy làm được một bài báo hay. Đồng thời, tạo ra một cơ chế bảo vệ quyền lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiền đầu tư vào báo chí. Đây là hướng mở rất tốt”, ông Sảo nhấn mạnh.